1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Bộ Tứ" có thể kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách nào?

Minh Phương

(Dân trí) - Liên minh Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - hay còn gọi là "Bộ Tứ" - có thể tạo ra những thách thức đối với tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Bộ Tứ có thể kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách nào? - 1

Lãnh đạo "Bộ tứ" lần đầu nhóm họp trực tuyến vào ngày 12/3 (Ảnh: EPA).

Khi tiếp quản Nhà Trắng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra mục tiêu kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vào ngày 12/3, ông Biden sẽ có bước đi đáng kể nhất để thực hiện mục tiêu đó: họp thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo của "Bộ Tứ" - liên minh giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Washington cho biết, chủ đề của cuộc họp bao gồm hợp tác kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Ấn Độ cho hay, Thủ tướng Narendra Modi sẽ thảo luận về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do" với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Australia Scott Morrison. Tuy không đề cập đến Trung Quốc, nhưng sự trỗi dậy và mở rộng ảnh hưởng cả về kinh tế và sức mạnh quân sự của Bắc Kinh chắc chắn sẽ là chủ đề quan trọng trong hội nghị của 4 nhà lãnh đạo.

"Bộ Tứ" hay Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) là một diễn đàn chiến lược không chính thức với các hội nghị thượng đỉnh không thường xuyên, các cuộc trao đổi không chính thức và các cuộc diễn tập quân sự chung. Tuy không phải là một liên minh quân sự chính thức như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng Quad được coi là một liên minh tiềm năng để đối trọng Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.

4 khía cạnh then chốt

Trong một bài viết đăng trên Foreign Policy tuần này, 4 chuyên gia của Viện nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Stanford, trong đó có cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis, cho rằng Quad có thể đóng vai trò quan trọng trong 4 lĩnh vực gồm: an ninh hàng hải, an ninh chuỗi cung, công nghệ và ngoại giao.

Trong lĩnh vực an ninh hàng hải, các thành viên Quad có thể mang lại những khí tài hải quân đối trọng Trung Quốc - quốc gia có hạm đội lớn nhất thế giới. Ví dụ, Ấn Độ có tàu sân bay, Nhật Bản có một hạm đội tàu khu trục và tàu ngầm.

Về khía cạnh an ninh chuỗi cung, các chuyên gia của Hoover lập luận rằng, các nền tảng sản xuất và công nghiệp của Bộ Tứ có thể tận dụng để chấm dứt những lợi thế mà Trung Quốc vốn có trong các lĩnh vực như vật tư y tế, dược phẩm.
Về công nghệ, các thành viên của Bộ Tứ cần tập hợp nguồn lực để cung cấp bảo mật thông tin và phát triển các hệ thống mới không sử dụng phần mềm hay phần cứng của Trung Quốc.

Về ngoại giao, các chuyên gia của Hoover nói rằng, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia có tầm ảnh hưởng và mối quan hệ sâu sắc với các nước quanh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hơn so với Mỹ. "Nhiều nước trong khu vực, đặc biệt Đông Nam Á, có thể sẽ hoan nghênh sự hợp tác giữa các thành viên Bộ Tứ để đối trọng với Trung Quốc", Timothy Heath, chuyên gia phân tích cấp cao của tổ chức RAND Corp, nhận định.

Mặt khác, ông Health cũng nhấn mạnh, không có gì đảm bảo điều này sẽ xảy ra và cố gắng kiềm chế Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh đáp trả kinh tế Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.

"Chưa phải NATO của châu Á"

Bộ Tứ có thể kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách nào? - 2

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ diễn tập cùng các tàu của Nhật Bản, Australia ở biển Philippines ngày 21/7/2020 (Ảnh: Nikkei).

Sự hồi sinh của Bộ Tứ có thể buộc Trung Quốc phải để mắt, song liên minh này không khiến Bắc Kinh quá lo ngai. Chuyên gia Health chỉ ra, Bộ Tứ vẫn chưa phải một mặt trận thống nhất, rạn nứt giữa các thành viên vẫn có thể khiến Trung Quốc "thở phào".

"Đây vẫn là một sự tập hợp không chính thức, có rất ít trụ cột về thể chế. Bộ Tứ chưa thể là một NATO của châu Á", chuyên gia Health nói. Chuyên gia này đánh giá thêm, các thành viên của Bộ Tứ có chung mối lo ngại về Trung Quốc và nhu cầu duy trì trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc nhưng lại thiếu sự nhất quán về những điều có thể làm với Trung Quốc. Những ưu tiên cũng khác nhau giữa các thành viên, trong khi Ấn Độ tập trung vào Ấn Độ Dương, thì Australia và Nhật Bản quan tâm hơn đến Biển Đông".

Theo ông Health, nếu Trung Quốc gia tăng các hành vi hung hăng về quân sự nhằm chống lại các quốc gia khác, Bộ Tứ có thể phát triển thành một liên minh quân sự lớn mạnh hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, miễn là Trung Quốc còn tránh xung đột, kịch bản đó là rất thấp.