1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bộ trưởng tài chính cảnh báo nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ trong tháng 10

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen cảnh báo nguy cơ chính phủ nước này có thể bị vỡ nợ vào tháng 10 nếu cơ quan lập pháp không có biện pháp tăng trần nợ trước thời hạn này.

Bộ trưởng tài chính cảnh báo nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ trong tháng 10 - 1

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (Ảnh: Axios).

Trong lá thư gửi các nhà làm luật Mỹ hôm 8/9, Bộ trưởng Yellen cảnh báo nguy cơ Mỹ có thể bị vỡ nợ vào tháng 10 nếu quốc hội không có biện pháp đình chỉ hoặc tăng trần nợ.

Bà Yellen cho biết, các biện pháp đặc biệt mà Bộ Tài chính sử dụng để cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ từ ngày 1/8 sẽ hết hạn vào tháng tới. Bà chưa thể đưa ra thời điểm chính xác, cụ thể cho kịch bản vỡ nợ nhưng cảnh báo rằng thời gian để có thể "ngăn chặn một thảm họa kinh tế" đang cạn dần.  

Bà Yellen viết: "Một khi tất cả các biện pháp hiện có và tiền mặt trong tay đã cạn kiệt, Mỹ sẽ lần đầu tiên trong lịch sử không thể đáp ứng các nghĩa vụ của mình".

Để trì hoãn kịch bản vỡ nợ xảy ra, Bộ Tài chính Mỹ tháng trước đã dừng việc chi một số khoản tiền. Việc phân bổ các khoản cứu trợ đại dịch trong năm nay và sự không chắc chắn về các khoản nộp thuế trong tháng này đã khiến việc dự đoán chính phủ Mỹ khi nào sẽ hết tiền trở nên khó khăn hơn bình thường. Bà Yellen cảnh báo rằng một vụ vỡ nợ sẽ gây ra "tác hại không thể khắc phục được" đối với nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính toàn cầu và thậm chí việc tiến đến gần ngưỡng vỡ nợ cũng có thể gây tác hại.

"Chúng ta đã rút ra bài học từ những trong quá khứ rằng, việc chờ đợi đến phút cuối cùng mới đình chỉ hoặc tăng hạn trần nợ có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, tăng chi phí vay ngắn hạn cho người nộp thuế và tác động tiêu cực đến xếp hạng tín dụng của Mỹ", bà Yellen viết.

Nợ và thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng vọt trong đại dịch Covid-19 sau khi chính phủ nước này thông qua các đạo luật quy mô lớn nhằm giảm thiểu thiệt hại do tác động kinh tế của dịch bệnh.

Mức trần nợ là tổng số tiền mà quốc hội cho phép chính phủ liên bang vay mượn để chi trả các khoản tiền an sinh xã hội, trợ cấp y tế, trả lương cho quân nhân, hoàn thuế và các khoản chi trả khác. Vì vậy, việc quốc hội không nâng trần nợ có thể sẽ đẩy chính phủ Mỹ vào cảnh vỡ nợ vì không còn tiền mặt hoạt động, dẫn đến tình trạng rối loạn tài chính, thậm chí rơi vào vòng suy thoái kinh tế mới.

Hai phe Dân chủ và Cộng hòa hiện vẫn đang bế tắc trong việc đưa ra thỏa thuận liên quan tới vấn đề tăng trần nợ. Nhà Trắng kêu gọi quốc hội hành động nhanh chóng trong việc tăng trần nợ, tuy nhiên đảng Cộng hòa từ chối việc này trừ khi Mỹ phải thực hiện các chương trình cắt giảm chi tiêu và giảm nợ theo mong muốn của phe này.

Phe Dân chủ được cho đang có một số phương án nhằm đưa vấn đề tăng trần nợ vào các dự luật quan trọng, như dự luật chi tiêu khẩn cấp để tái thiết và cứu trợ sau siêu bão Ida, các vụ cháy rừng và các đợt nắng nóng kỷ lục. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới quyết định của các nghị sĩ Cộng hòa từ Louisiana và các bang phía tây, những nơi bị ảnh hưởng bởi thảm họa tự nhiên trong thời gian qua.