Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ "tố" Trung Quốc gây bất ổn khu vực
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cáo buộc Trung Quốc “gây bất ổn” khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên tục leo thang.
Trong chuyến thăm tới đảo quốc Palau hôm nay 28/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Mỹ và Palau cùng chia sẻ những giá trị chung về sự tự do - “nơi tất cả các quốc gia tôn trọng luật lệ và chuẩn mực về hòa bình và thịnh vương”.
“Điều này đặc biệt quan trọng ở thời điểm hiện tại, khi chúng tôi tiếp tục hợp tác cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi nhằm bảo vệ hệ thống quốc tế đang bị đe dọa bởi Trung Quốc cũng như những hành động gây bất ổn của họ trong khu vực”, ông Esper nói.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Palau diễn ra trong bối cảnh Washington đang nỗ lực để chống lại nỗ lực của Bắc Kinh trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng tại các quốc đảo Thái Bình Dương - những nước tuy ít dân nhưng có vai trò quan trọng chiến lược.
Trung Quốc gần đây đã thành công với mục tiêu trên, khi thuyết phục Solomon và Kiribati chuyển quan hệ ngoại giao với Đài Loan sang Trung Quốc đại lục hồi năm ngoái. Theo đó, Palau là một trong 4 đồng minh còn lại của Đài Loan tại Thái Bình Dương và 15 đồng minh của Đài Loan trên toàn thế giới.
Palau, đất nước 22.000 dân nằm cách Philippines 1.500 km về phía đông, vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với cả Đài Loan và Mỹ dưới thời Tổng thống Tommy Remengesau, bất chấp sức ép từ Trung Quốc về việc cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang đại lục.
Tổng thống Remengesau cho biết Trung Quốc đã thực hiện “các động thái hung hăng” trong khu vực, nhưng ông hiểu vì sao Bắc Kinh vẫn lôi kéo được một số quốc đảo.
“Việc họ cho vay tiền và rót tiền vào nền kinh tế của nhiều quốc đảo Thái Bình Dương không còn là bí mật. Điều đó sẽ tác động đến cách mọi người nhìn nhận mối quan hệ với những người đã giúp đỡ họ”, Tổng thống Palau nhận định.
Trung Quốc đã cấm khách du lịch nước này tới Palau hồi năm 2018, ảnh hưởng lớn tới nguồn thu từ du lịch của quốc đảo Thái Bình Dương. Động thái này nhằm trừng phạt Palau vì vẫn giữ quan hệ với Đài Loan, trong khi Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông và Tổng thống Palau đã thảo luận sự cần thiết của việc tôn trọng “chủ quyền của tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ”.
Mặc dù Palau là quốc gia độc lập, nhưng nước này không có quân đội. Mỹ vẫn chịu trách nhiệm phòng vệ cho Palau theo một thỏa thuận giữa hai nước. Theo thỏa thuận này, quân đội Mỹ có thể tiếp cận Palau, mặc dù hiện không có binh sĩ Mỹ nào đồn trú tại đây.
Một trạm radar quân sự của Mỹ đã được lên kế hoạch xây dựng tại Palau nhưng quá trình xây dựng bị dừng lại do dịch Covid-19. Tổng thống Remengesau hoan nghênh nỗ lực của Mỹ trong việc thúc đẩy hiện diện quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Sự hiện diện đó cho chúng tôi, những người ở Palau, cảm giác an toàn và ổn định khi hướng tới tương lai”, ông Remengesau nói.
Trước đó, trong chuyến thăm tới Hawaii ngày 26/8, Bộ trưởng Mark Esper chỉ trích Trung Quốc từng nhiều lần vi phạm cam kết và theo đuổi chính sách hiện đại hóa quân sự hung hăng. Ông Esper chỉ trích Trung Quốc không thực hiện lời hứa tuân thủ luật pháp, quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đồng thời muốn phô diễn sức mạnh ra toàn cầu.
Trung Quốc ngày 26/8 đã phóng 2 tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông, sau khi cáo buộc máy bay trinh sát U-2 của Mỹ hành động khiêu khích khi đi vào vùng cấm bay - nơi Trung Quốc đang tiến hành tập trận bắn đạn thật.
Ông Esper mô tả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tâm điểm "cuộc cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc", song tuyên bố Washington có trách nhiệm dẫn đầu ở Thái Bình Dương và "không nhượng bộ một tấc" trước bất kỳ quốc gia nào.