Bộ trưởng, nghị sĩ Singapore tự nguyện giảm 1 tháng lương giữa "bão" corona
(Dân trí) - Các bộ trưởng chính phủ và nghị sĩ quốc hội Singapore tự nguyện cắt giảm 1 tháng lương để chia sẻ khó khăn với người dân do sự bùng phát của dịch Covid-19.
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, các bộ trưởng chính phủ Singapore sẽ tự nguyện cắt giảm 1 tháng lương, trong một động thái chưa có tiền lệ, giữa lúc nền kinh tế quốc đảo sư tử bị ảnh hưởng nặng nền do dịch Covid-19.
Các thành viên của quốc hội cũng tự nguyện giảm lương 1 tháng, trong khi các viên chức cấp cao cắt giảm một nửa tháng lương.
Tổng thống Singapore Halimah Yacob cũng tự nguyện giảm một tháng lương, Phó thủ tướng Heng Swee Keat cho biết tại quốc hội hôm nay, khi ông khép lại một cuộc tranh luận về kế hoạch ngân sách mà ông trình lên quốc hội hồi tuần trước.
Sách trắng năm 2010 về lương của các thành viên chính phủ đề xuất các bộ trưởng nội các có thu nập 1,1 triệu đô la Singapore (786.600 USD) một năm, trong đó tiền thưởng chiếm khoảng 35%. Điều này có nghĩa là việc cắt lương một tháng khiến tổng thu nhập của họ bị giảm khoảng 5%.
Trong khi đó, lương của thủ tướng cao gấp đôi, ở mức 2,2 triệu đô la Singapore mỗi năm, mặc dù con số này không bao gồm tiền thưởng, Phó thủ tướng Singapore Teo Chee Hean cho biết trước quốc hội vào năm 2018.
Các thành viên quốc hội cho mức lương khoảng 16.000 đô la Singapore mỗi tháng.
“Ban lãnh đạo sẽ thể hiện một phần sự chia sẻ đối với người dân Singapore”, Phó thủ tướng Heng Swee Keat nói trước các nghị sĩ.
“Trong những tuần và tháng tới, chúng ta cần giữ vững niềm tin và sự đoàn kết của Singapore. Sự đoàn kết trên khắp đất nước sẽ giúp chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn nay”, ông Heng nói thêm.
Dịch Covid-19, bắt nguồn ở Vũ Hán (Trung Quốc), đã khiến hơn 83.000 người mắc bệnh và hơn 2.800 người tử vong trên khắp thế giới. Singapore có 96 trường hợp nhiễm virus, nhưng 66 người đã khỏi bệnh.
Ông Heng, người cũng là Bộ trưởng Tài chính, hồi tuần trước đã công bố các biện pháp tài chính bổ sung trị giá 6,4 tỷ đô la Singapore (4,6 tỷ USD) để trợ giúp nền kinh tế đối phó với tác động từ dịch bệnh. Các biện pháp này bao gồm gói chăm sóc sức khỏe trị giá 800 triệu đô la Singapore, 4 tỷ đô la Singapore hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, và 1,6 tỷ đô la Singapore hỗ trợ các hộ gia đình vượt qua khó khăn.
Singapore đang có nguy cơ bị thâm hụt ngân sách lớn nhất ít nhất kể từ năm 1997 khi Khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra. Ông Heng cũng hoãn tăng thuế dịch vụ và hàng hóa từ 7 lên 9%.
Tranh cãi liên miên
Lương của các bộ trưởng là một vấn đề gây tranh cãi liên miên tại Singapore và đã được đề cập trong các cuộc tranh cử trước đó.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã bảo vệ quyết định trả lương cao cho các bộ trưởng Singapore, nói rằng các nhà lãnh đạo chính phủ không nhận được các đặc quyền giống các quốc gia khác và mức lương cao của họ giúp ngăn chặn tham nhũng.
Trong một tuyên bố tăng lương cho các bộ trưởng, người kế nhiệm ông Lý là Goh Chok Tong (Thủ tướng Singapore từ 1990-2004), từng phát biểu trước quốc hội: “Nếu bạn không trả lương cho các bộ trưởng tương xứng, bạn sẽ không có được những người tương xứng”.
Trong Khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Singapore đã đóng băng lương của các bộ trưởng, trong khi lương của họ bị giảm 2 lần từ năm 2002 tới 2006 - một lần sau các vụ khủng bố 11/9/2001 và một lần vào tháng 6/2003 do sự bùng phát của dịch SARS. Lương của họ được phục hồi vào năm 2004 và 2005.
Eugene Tan, một chuyên gia về luật tại Đại học Quản lý Singapore, cho hay động thái cắt lương của các bộ trưởng và nghị sĩ là điều chưa từng xảy ra.
“Đó là một tín hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo đang chia sẻ với người dân trong bối cảnh Singapore đối mặt với các thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do dịch virus corona. Đó là một hành động nhằm chứng tỏ sự đoàn kết trong bối cảnh mọi người đều thắt lưng buộc bụng. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều tổ chức công và tư cũng sẽ làm như vậy”, chuyên gia trên nói.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Heng cũng cho biết, các viên chức ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 sẽ nhận được mức thưởng đặc biệt lên tới 1 tháng lương.
An Bình
Theo SCMP