Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nỗ lực triển khai công tác đối ngoại
(Dân trí) - Bất chấp những khó khăn trong năm 2022 do đại dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực triển khai các hoạt động đối ngoại Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Ngày 30/12, tại Hội nghị "Tổng kết công tác đối ngoại năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023" của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã thay mặt ban lãnh đạo Bộ biểu dương, đánh giá cao thành tích trong công tác đối ngoại của Bộ năm 2022; đồng thời ghi nhận nỗ lực tích cực của Vụ Hợp tác Quốc tế, cùng sự phối hợp của các cục, vụ, đơn vị có liên quan.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trong năm qua, từ các sự kiện đa phương mà Bộ LĐ-TB&XH tham gia; các hoạt động trong cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN; hợp tác với tổ chức quốc tế; hợp tác song phương trong lĩnh vực lao động và xã hội; các hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài; các hội thảo quốc tế; các hoạt động ký kết thỏa thuận... cho thấy nỗ lực vượt bậc trong công tác đối ngoại của Bộ cũng như tinh thần trách nhiệm, ý thức cầu tiến và phương pháp làm việc hiệu quả của Vụ Hợp tác Quốc tế, các cục, vụ và đơn vị trong Bộ.
"Các kết quả đạt được thể hiện rằng Bộ LĐ-TB&XH thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại, trong đó tham gia tích cực vào các hoạt động đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Công việc này không chỉ dừng lại ở phạm vi Bộ, ở các đơn vị, mà còn cho thấy sự tham gia tích cực vào chủ trương, đường lối chung trong thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhận định.
Những nỗ lực và kết quả trong năm 2022
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Lưu Quang Tuấn cho biết, trong năm 2022, thế giới vẫn chịu ảnh hưởng của một số biến động như đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở châu Âu. Những điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, làm ảnh hưởng tới việc triển khai công tác đối ngoại của Bộ.
Nắm bắt những thách thức cũng như thời cơ, Bộ LĐ-TB&XH đã nỗ lực triển khai công tác đối ngoại trong năm 2022 và đạt được nhiều thành tích.
Về các hoạt động với tư cách cơ quan đầu mối của Chính phủ, Bộ đã tham gia tích cực các sự kiện đa phương như cuộc họp của Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và khu vực, Kỳ thi tay nghề thế giới và đưa ra nhiều thông điệp quan trọng thông qua các diễn đàn, đặc biệt bảo vệ thành công báo cáo lần thứ 5 và 6 Việt Nam thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em.
Bộ cũng tham gia đầy đủ các Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc.
Trong năm 2022, Bộ cũng thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực lao động và xã hội khi đàm phán và ký kết 12 thỏa thuận quốc tế về hợp tác lao động, phát triển nguồn nhân lực và giáo dục nghề nghiệp. Bộ cũng tiếp tục đàm phán và chuẩn bị đàm phán cho 5 thỏa thuận quốc tế, 1 điều ước quốc tế song phương về hợp tác lao động, xã hội; tổ chức các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, Lào.
Năm nay, Bộ cũng khởi động lại cơ chế Đối thoại Lao động với Mỹ sau 3 năm gián đoạn; tiếp tục trao đổi với Australia, Đức về nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực lao động, xã hội; cũng như hợp tác với Nhật Bản về lao động phát triển nguồn nhân lực.
Về những hoạt động hợp tác, hội nhập chuyên ngành, Bộ đã tích cực tham gia hoạt động hợp tác về lao động trong khu vực, cũng như với tư cách thành viên ILO.
Ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Bộ đã tích cực thúc đẩy các hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Hiện thời, Bộ đang triển khai 4 thỏa thuận quốc tế về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, 1 dự án, đàm phán 4 thỏa thuận/điều ước quốc tế về lao động. Tổng số lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay khoảng 130.000 người.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hoạt động hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh và mở rộng với sự quan tâm của nhiều đối tác quốc tế, triển khai hiệu quả các dự án được phê duyệt, góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực về trẻ em, Bộ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và nhận được cam kết mạnh mẽ từ Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nước ngoài để chăm sóc, bảo vệ và đảm bảo thực hiện quyền trẻ em qua các chương trình và dự án đã ký kết.
Trong lĩnh vực bình đẳng giới, Bộ tiếp tục tham gia vào các diễn đàn quốc tế và khu vực trong vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới.
Về các vấn đề xã hội, công tác này của Bộ tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của quốc tế, đặc biệt là các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ.
Nhìn chung, theo đánh giá của Vụ trưởng Lưu Quang Tuấn, tổ chức và quản lý các hoạt động đối ngoại của Bộ đã được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định hiện hành, đóng góp thiết thực, hiệu quả với nhiệm vụ của ngành. Hợp tác quốc tế chú trọng vào phát triển cả theo chiều rộng và chiều sâu với các đối tác truyền thống và chủ động nghiên cứu, mở rộng quan hệ với tất cả các đối tác tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Ông Lưu Quang Tuấn cũng nêu ra những khó khăn và vướng mắc trong việc triển khai hoạt động đối ngoại của Bộ, ví dụ như ảnh hưởng của dịch bệnh, thiếu kinh phí và nhân lực làm công tác đối ngoại. Ngoài ra, ông kể tới một số vấn đề khác như tiến độ thực hiện dự án, hội thảo, hội nghị còn chậm do vấn đề thủ tục kéo dài; kinh phí đối ứng triển khai các chương trình dự án nước ngoài chưa được bố trí đầy đủ…
Phương hướng hoạt động năm 2023
Theo ông Lưu Quang Tuấn, phương hướng đối ngoại của Bộ cho năm tới sẽ là nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bối cảnh quốc tế mới.
Bộ trong năm tới sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trên các kênh song phương, đa phương và phi chính phủ nước ngoài nhằm huy động nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về lao động, người có công và xã hội.
Trong năm 2023, Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trương đảm bảo công tác thông tin đối ngoại đầy đủ, kịp thời, hiệu quả về các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Vụ đẩy mạnh hoạt động đối thoại về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội gắn liền với cuộc sống thực tiễn của người dân và hoạt động doanh nghiệp, từ đó tranh thủ được sự ủng hộ của các đối tác phát triển nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Một số hoạt động trọng tâm có thể kể tới như tổ chức hiệu quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Bộ; tiếp tục đàm phán và ký kết các thỏa thuận quốc tế đang trong quá trình hoàn thiện cũng như rà soát, tăng cường hiệu quả triển khai các thỏa thuận quốc tế đã được ký kết.
Bộ sẽ tiếp tục triển khai chiến lược hội nhập quốc tế về lao động xã hội, triển khai tốt các kế hoạch thực hiện công ước quốc tế và cam kết Việt Nam tham gia trong lĩnh vực lao động và xã hội; hoàn thiện Đề án hợp tác quốc tế song phương, đa phương và phi chính phủ; tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa xã hội đến năm 2025; thực hiện tốt công tác nhân quyền nhất là thông tin tuyên truyền theo Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, cũng như đa dạng hình thức thông tin đối ngoại.
Tại hội nghị, lãnh đạo và đại diện của các đơn vị trực thuộc Bộ như Cục Quản lý lao động ngoài nước, Vụ Pháp chế, Trung tâm Lao động ngoài nước, Viện Khoa học lao động và xã hội, Cục Việc làm, Vụ Bình đẳng giới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đưa ra những đóng góp, đề xuất để việc thực hiện công tác đối ngoại hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá báo cáo của Vụ Hợp tác Quốc tế là đầy đủ, toàn diện, đồng thời nhận định các ý kiến đóng góp của các cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ có nhiều thông tin, nội dung, giải pháp thiết thực.
Thứ trưởng đồng tình với phương hướng hoạt động trong năm tới của Vụ Hợp tác Quốc tế, ghi nhận các đóng góp, và đồng thời đưa ra những chỉ đạo để hoạt động hợp tác quốc tế của Bộ trong năm 2023 hiệu quả hơn nữa.