Bộ chính trị 2.0 của Tổng thống Vladimir Putin
Ngày 3-11-2015, Công ty Minchenko, tổ chức tư vấn do nhà nghiên cứu chính trị thân Điện Kremli Evgeny Minchenko đứng đầu đã công bố báo cáo thường niên “Bộ Chính trị 2.0” về vai trò của các nhân vật thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.
Năm nay, 3 người vẫn giữ được vị trí như năm trước là các ông Sergei Ivanov, Sergei Shoigu và Vyacheslav Volodin. Ngoài ra, lần đầu tiên báo cáo còn đề cập tới “Kế hoạch Nhà nước 2.0” của ông V. Putin.
Ảnh hưởng của vấn đề Syria
Giống như một năm trước đây, các chuyên gia của Minchenko đã xếp ông S. Ivanov, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Nga ở vị trí đầu tiên trong bản danh sách các thành viên của “Bộ Chính trị 2.0”.
Theo nhận định của Minchenko, tầm ảnh hưởng của ông S. Ivanov sẽ còn tiếp tục được nâng cao khi Nga tiến hành chiến dịch không kích ở Syria bởi “nhà tình báo chuyên nghiệp S. Ivanov đang như cá gặp nước trong trò chơi địa chính trị đa nhân tố này”. Và chương trình chống tham nhũng của Nga, trong đó nổi bật nhất là những vụ bắt giữ thị trưởng và thống đốc, cũng giúp ông củng cố vị trí của mình. Hơn nữa, “việc được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Viễn thông Rostelecom của Nga vào tháng 6-2015 càng làm tăng vị thế của ông S. Ivanov”.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đứng ở vị trí thứ hai. Ông S. Shoigu vẫn giữ được hình ảnh của mình từ thời kỳ còn là người đứng đầu Bộ Tình trạng khẩn cấp và càng trở nên nổi bật khi Quân đội Nga tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina và đặc biệt là hoạt động quân sự ở Syria. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cũng nhấn mạnh, những phức tạp xung quanh bản án và việc nhanh chóng phóng thích Evgenia Vasilyeva, cựu Cục trưởng Cục Công sản thuộc Bộ Quốc phòng trong vụ án tham nhũng ở bộ này, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của quân đội.
Ngoài ra, việc bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov, người đã bị Tổng thống V. Putin cách chức, giữ chức vụ cao trong Tập đoàn Công nghệ điện tử Rostec càng làm tăng ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề.
Từ trái qua: Tổng thống V Putin, S.Shoigu và S.Ivanov.
Theo các chuyên gia của Minchenko, “việc phục hồi danh dự cho ông Serdyukov có thể tạo ra nhiều phức tạp cho Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay. Ông S. Shoigu là người giải quyết các tình huống khẩn cấp rất hiệu quả, nhưng các tình huống này lại gây sự mất cân bằng quá lớn cho cả hệ thống và là điều bất lợi cho các thành viên khác trong “Bộ Chính trị 2.0”.
Hoạt động quân sự ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến uy tín của S. Shoigu. Tùy thuộc vào diễn biến tình hình, uy tín của Bộ trưởng Quốc phòng Nga có thể tăng lên hoặc giảm đi. “Phản ứng gay gắt của Thổ Nhĩ Kỳ và quan điểm tiêu cực của một loạt nước và chế độ quân chủ Hồi giáo Sunni ở vùng Vịnh Péc xích đối với sự can thiệp của Nga làm cho vị thế của Bộ Quốc phòng dễ bị tổn thương và phụ thuộc vào các nỗ lực ngoại giao của cả Tổng thống V. Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov”- các nhà phân tích chính trị nhận định.
Phó chánh Văn phòng Tổng thống Nga, ông Vyacheslav Volodin, người phụ trách chính sách đối nội, đứng thứ 3. Theo các nhà phân tích của Minchenko, ông V. Volodin vẫn giữ được vị trí này là do các cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cao, ảnh hưởng của ông đối với những người đứng đầu các khu vực, các phương tiện truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và sự hợp tác với Liên đoàn quốc tế các Tổ chức giám định ngày càng tăng lên.
“Khi xuất hiện các thách thức từ bên ngoài, thì tầm quan trọng của chính sách đối nội không giảm, mà càng tăng lên… Triển khai chính sách đối nội có hiệu quả trong những điều kiện mới của nước Nga là sự bảo đảm cho việc nâng cao ảnh hưởng của ông V. Volodin”- nhà phân tích chính trị Konstantin Kalachev của Minchenko khẳng định.
Tổng thống V. Putin và tỷ phú A. Rotenberg (phải).
Cuộc bứt phá ngoạn mục
Trong công trình nghiên cứu này, các chuyên gia đã lần đầu tiên giới thiệu khái niệm “Kế hoạch Nhà nước 2.0”, điều này được hiểu là đang có sự hình thành một mô hình mới về quản lý kinh tế. “Vladimir Putin có ý tưởng thực hiện việc kế hoạch hóa nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả và hạ giá thành sản phẩm. Theo đó, Tổng thống Nga đang chuẩn bị cho nước Nga một thế hệ lãnh đạo mới tài năng, ông cho họ đảm nhận một số vị trí lãnh đạo để thử nghiệm và theo dõi cách họ giải quyết công việc” - ông Evgeny Minchenko cho biết.
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Nga có hai ưu tiên, chính sách đối ngoại và những lĩnh vực do ông trực tiếp quản lý: năng lượng, các cơ quan sức mạnh và công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, theo Minchenko, ông V. Putin hiểu rằng vấn đề cán bộ còn nhiều tồn tại và vì vậy phải có sự “chọn lọc”. Để rèn luyện đội ngũ cán bộ, theo sáng kiến của Tổng thống V. Putin, Cơ quan sáng kiến chiến lược (ASI) đã được thành lập.
“Tổng thống có xem xét, cất nhắc những người thân cận của các thành viên “Bộ Chính trị 2.0” và các nhà kỹ trị trẻ. Họ sẽ là những nhà quản lý các dự án quốc gia trong tương lai”, - ông E. Minchenko nhấn mạnh.
Ông S.Ivanov và S.Shoigu (phải).
Chuyên gia phân tích chính trị E. Minchenko đánh giá cao Tổng giám đốc ngân hàng Sberbank, ông German Gref và Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov với tư cách là các nhà quản lý tương lai của “Kế hoạch Nhà nước 2.0”. Theo ông E. Minchenko, mô hình “Bộ Chính trị 2.0”, ở một số thời điểm, rất thành công vì đã quy tụ được những người thực sự quan trọng xung quanh đội ngũ cán bộ mà cá nhân ông V. Putin tin cậy. Nhưng, nó cũng bộc lộ những tồn tại đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung.
Do tình hình thế giới còn phức tạp và căng thẳng, Dự án “Kế hoạch Nhà nước 2.0” có thể sẽ được thực hiện với quy mô lớn như một định hướng chiến lược trong nhiệm kỳ tổng thống mới của ông V. Putin. Hiện nay, hướng ưu tiên cơ bản là cố gắng phá vỡ thế bị cô lập và duy trì sự ổn định trong nước.
Người có cơ hội lớn gia nhập đội ngũ những người ưu tú nhất của nước Nga trong thời gian tới, theo các nhà nghiên cứu chính trị, là Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov. “Với tình hình chính trị thế giới như hiện nay, sớm hay muộn người đứng đầu FSB cũng sẽ trở thành thành viên của “Bộ Chính trị 2.0”, không chỉ với tư cách cá nhân ông Bortnikov, mà là Giám đốc FSB, cơ cấu quyền lực có ảnh hưởng nhất của Nga”, - ông E. Minchenko khẳng định.
Một cuộc bứt phá ngoạn mục đã diễn ra trong nhóm những doanh nhân thành đạt có quan hệ gần gũi với chính quyền. Trong báo cáo năm ngoái, các chuyên gia của Minchenko đã xếp tỷ phú Arkady Rotenberg ở vị trí thứ 8 trong số 10 người, năm nay doanh nhân này vươn lên vị trí thứ 5 và đứng ngay sau Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.
“Thành công lớn trong cuộc vận động hành lang của A. Rotenberg là việc Oleg Belozerov được bổ nhiệm làm người đứng đầu ngành đường sắt của Nga. Màn thay đổi nhân sự này có thể được xem là chiến thắng quan trọng nhất trong tất cả các vụ sắp xếp nhân sự của “Bộ Chính trị 2.0”. Dấu hiệu thể hiện tầm ảnh hưởng nữa của A. Rotenberg là giành được quyền điều hành tổ hợp sân bay Sheremetyevo và tăng cường vị thế của tập đoàn trong thị trường đồ uống có cồn” - báo cáo của Minchenko đã viết.
Ngoài ra, A. Rotenberg đã ghi điểm quyết định khi nhận Dự án xây cây cầu qua eo biển Kerch để kết nối Crimea với đất liền Nga. Điều đáng nói, tỷ phú Gennady Timchenko, thành viên của “Bộ Chính trị 2.0” đã từ chối nhận dự án này. Uy tín của G. Timchenko giảm mạnh, theo xếp hạng của Minchenko, năm nay tỷ phú này đứng ở vị trí thứ 9.
Tỷ phú A. Rothenberg, theo các chuyên gia phân tích, rất “tích cực sử dụng mối quan hệ gần gũi của mình với Tổng thống V. Putin để mở rộng phạm vi ảnh hưởng” và với nguồn lực tài chính không giới hạn, doanh nhân này vẫn sẽ tiếp tục nhận được các dự án cơ sở hạ tầng mới.
Theo các nhà phân tích của Minchenko, do đội ngũ kế cận của các thành viên trong ban lãnh đạo đất nước còn hạn chế, nên những người đứng đầu các chủ thể liên bang hoàn toàn có cơ hội tham gia vào sân chơi chính trị lớn.
Theo Hoàng Tuất
An ninh thế giới