1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Binh sĩ Ukraine kể lại nhiệm vụ tử thần trong chiến dịch vượt sông Dnieper

Thanh Thành

(Dân trí) - Các binh sĩ Ukraine kể lại nhiệm vụ nguy hiểm nhằm giải phóng các thị trấn phía đông "sông tử thần" Dnieper, với việc phải hứng chịu thiệt hại lớn dù chiến dịch này không nhiều ý nghĩa quân sự.

Binh sĩ Ukraine kể lại nhiệm vụ tử thần trong chiến dịch vượt sông Dnieper - 1

Binh sĩ Ukraine lên thuyền trên bờ sông Dnieper ở tiền tuyến gần Kherson vào tháng 10/2023 (Ảnh: AP).

Vào buổi sáng trong lần đầu tiên vượt sông Dnieper - nơi đơn vị  được phái đến trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm giành lại vùng đất này từ Nga - người lính thủy đánh bộ 21 tuổi người Ukraine đã tỉnh dậy với tâm thế "có thể chết".

Khi cuộc phản công mùa hè bị đình trệ, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Ukraine mong muốn cho phương Tây thấy được bất kỳ tiến bộ nào nhằm thuyết phục rằng Ukraine đang đạt tiến triển trong chiến dịch phản công và viện trợ của họ cho Kiev không vô ích.

Nhưng người lính thủy đánh bộ 21 tuổi có biệt danh Dmytro kể lại việc vượt qua dòng sông chết chóc nhưng không đạt được tiến triển gì nhiều, ngoài một số thông điệp chính trị.

Dmytro mô tả việc bị "ném như một miếng thịt cho bầy sói" trong quá trình vượt biển, mất từ 30 phút đến 1 giờ. Nhiều binh sĩ khác tham gia chiến dịch này cũng đồng tình với câu chuyện của anh. "Chúng tôi chịu nhiều tổn thất", một lính thủy đánh bộ 22 tuổi nói. "Chúng tôi mất người, nhưng không đạt kết quả".

Cuộc vượt sông nguy hiểm đến mức thi thể của một số lính thủy đánh bộ thiệt mạng trong đợt vượt sông đầu tiên cách đây 2 tháng đã bị bỏ lại. Ukraine không công khai con số thương vong và từ chối nêu rõ có bao nhiêu lính thủy đánh bộ đã thiệt mạng trong sứ mệnh chỉ chiếm lại vài km2 đất, bao gồm cả một căn cứ ở làng chài Krynky.

Người phát ngôn của Thủy quân lục chiến Ukraine cũng từ chối bình luận về thương vong của lực lượng Ukraine ở khu vực sông Dnieper nhưng thừa nhận chiến dịch không đạt hiệu quả. "Không có ngôi làng nào được giải phóng ở bờ đông", đại úy Natalya Humeniuk, người đứng đầu trung tâm báo chí chung của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine nói.

Chiến tuyến ở đây hầu như vẫn không thay đổi kể từ khi Ukraine giành lại quyền kiểm soát thành phố Kherson, thủ phủ của khu vực vào tháng 11/2022.

Chiến dịch vượt sông chết chóc

Khi Dmytro lên đường vượt biển, anh mang theo 3 hộp cá mòi và 6 ổ bánh mì, cùng 45 kg đạn dược và các thiết bị khác cho một chiến dịch vượt sông dự kiến kéo dài vài ngày nếu anh có thể sống sót lâu như vậy.

Ngay trước khi mặt trời mọc, tiểu đoàn của Dmytro tiếp cận một bãi cát nông và chia thành hai đội và bắt đầu vượt sông. Tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Dmytro xuất phát vào lúc mặt trời chưa mọc, tận dụng màn sương sớm để tránh bị máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Nga phát hiện. Mục tiêu của họ là tiến về phía Krynky, cách Kherson 32km về phía thượng nguồn và cách sông Dnieper khoảng 2 km về phía đông.

Anh từng cùng bố mẹ tới thăm ngôi làng này trước khi chiến sự xảy ra. Anh nhớ đến những hàng rào mới và vài cửa hàng nhỏ ở đây và giờ chỉ còn là đống đổ nát. Khi đôi ủng dưới chân trong bùn dày, anh chôn vùi những suy nghĩ về vợ và con để tập trung cho nhiệm vụ trước mắt. Dmytro đã biết về chiến dịch vượt sông trước đó vài ngày và không nghĩ nó đã được lên kế hoạch tốt. Anh không biết điều gì đang chờ đợi họ ở bờ đông. Quan trọng hơn, anh không nghĩ rằng chiến dịch này đáng để mình phải đánh đổi mạng sống.

Nhiều binh sĩ tham gia chiến dịch này cũng nghĩ vậy.

Johnson, 40 tuổi, trưởng nhóm trinh sát cho biết hồi tháng 7/2023, anh được giao nhiệm vụ "dọn dẹp" các hòn đảo mà Dmytro sắp tới. Để thực hiện nhiệm vụ, Johnson đã 6 lần vượt sông, gần đây nhất là vào tháng 10/2023. Nhưng địa hình bãi bồi xung quanh cù lao khiến việc di chuyển bằng xuồng tại đây rất khó khăn.

Đội trinh sát chật vật di chuyển trên vùng đầm lầy nông bằng thuyền. Nhiều lần Johnson đã phải dùng tay kéo chiếc xuồng dài gần 20 mét vượt qua được các khu vực lầy lội, để đến vùng nước sâu hơn. Địa hình này cũng khiến việc đào hố cá nhân hay công sự rất khó do địa hình quá nông nên dễ chạm tới nước ngầm. Johnson và đồng đội cũng không thể nhóm lửa vì vậy người luôn ẩm ướt và lạnh buốt.

Mặc dù Ukraine đã thành công trong việc giành lại các cù lao nhưng cái giá phải trả rất đắt. Chỉ huy của Johnson thiệt mạng vào tháng 9/2023 trong một vụ nổ lựu đạn.

Việc kiểm soát được cù lao này cũng không giúp các chiến dịch vượt sông sau đó của lực lượng Ukraine bớt đi nhiều nguy hiểm. Johnson cho biết, lực lượng thủy quân lục chiến vẫn tiếp tục đối mặt với nguy hiểm nghiêm trọng hơn nữa. "Tôi nghĩ hiện tại điều đó là không thể chịu đựng được. Tôi không muốn ở vị trí của những người đang vượt sông một chút nào", anh nói.

Trên bờ sông, sóng vỗ vào bờ, vùng đầm lầy gợn sóng trong gió mạnh. Bốn binh sĩ xuất phát trước Dmytro. Anh nhìn đồng đội của mình, người đang hét lớn: "Kế hoạch này thật là khủng khiếp".

Một số binh sĩ khác cho biết đồng đội của họ đã bị lật xuồng và chìm xuống sông do không thể bơi vào bờ vì bị thương, hoặc bị quân trang mang trên người dìm xuống. "Chúng tôi đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại", một binh sĩ nói.

Sau nhiều nỗ lực, Dmytro và đồng đội đặt chân được tới bờ đông sông Dnieper, nhưng ngay lập tức phải đối mặt với các đợt pháo kích dồn dập của Nga. Dmytro cố gắng liên lạc với đội pháo cối ở bờ tây để yêu cầu họ tấn công đáp trả, giải vây nhưng không thể liên lạc.

Trên bản đồ Kiểm soát Ukraine - nơi ghi rõ vị trí của các cuộc tấn công tên lửa được ghi lại bằng video - dòng sông có nhiều chấm chứng thực cho các vụ việc tấn công bằng hỏa lực lớn. Đến khoảng 8 giờ sáng, chỉ còn 12 trong 30 lính thủy quân lục chiến Ukraine sang được bờ đông sông là không bị thương. Hai người trong đội đã thiệt mạng.

"Chúng tôi không thể chiến đấu chỉ với những người đang bị thương. Chúng tôi phải đợi người mới thay thế", Dmytro giải thích. Anh cho biết thêm: "Khi mọi thứ bùng nổ từ mọi phía, bạn bắt đầu sống từng phút một và bạn không nghĩ về bất cứ điều gì cả". Binh sĩ Ukraine có mật danh Sawyer cho hay những người thiệt mạng đều là lái xuồng và điều này là tổn thất lớn đối với họ vì không dễ để học lái ngay lập tức.

Vào ngày thứ hai ở bờ đông sông Dnieper, Dmytro bị thương do trúng mảnh đạn vào hông và được đưa trở về. Trên đường quay trở lại bờ sông Dnieper, anh tiếp tục chứng kiến cảnh tượng hoang tàn không thể nào quên. "Mọi thứ đã bị san phẳng đến mức không thể nhận ra", Dmytro nói.

Theo các binh sĩ Ukraine, lợi ích mà họ đạt được trong chiến dịch vượt "con sông tử thần" là rất nhỏ so với thương vong hứng chịu. Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine hiện không có ý định từ bỏ nỗ lực tấn công theo hướng sông Dnieper. 

Theo Washington Post