Bình Nhưỡng và ''chính sách bên miệng hố chiến tranh''
Liệu Bình Nhưỡng có phóng tên lửa đạn đạo tầm xa có thể tới Mỹ với cái giá quá đắt? Hay sự đe doạ đó chỉ là một quân bài nữa để buộc Mỹ phải nhượng bộ khi chương trình hạt nhân không thu hút được sự chú ý của Washington?
Một số quan chức Mỹ và Nhật Bản đều tin rằng, CHDCND Triều Tiên sẽ phóng bởi lẽ tên lửa Taepodong-2 đã được nạp nhiên liệu. Các bức ảnh vệ tinh đều cho thấy hoạt động chuẩn bị phóng tại căn cứ Musudan-ri nằm tại tỉnh Bắc Hamgyong, đông bắc CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, giới phân tích khẳng định, thực sự quốc gia phía bắc bán đảo Triều Tiên này sẽ không phóng tên lửa Taepodong -2 bởi vì chắc chắn nó sẽ kéo theo các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc từ phía cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên đang phải gánh chịu những hậu quả kinh tế nặng nề từ lệnh trừng phạt tài chính do Mỹ khởi xướng vì chương trình hạt nhân và các hoạt động tài chính bất hợp pháp của chính Bình Nhưỡng.
Hơn nữa, Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối kế hoạch phóng tên lửa bởi lo ngại Nhật Bản sẽ coi đây làm cái cớ để đẩy mạnh chương trình phòng thủ tên lửa và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác an ninh với Mỹ.
''Lời đe doạ phóng tên lửa dường như nhằm mục đích lấy lại đà sau khi quân bài hạt nhân mất tác dụng. Với lá bài tên lửa trong tay, chính quyền ông Kim Jong Il muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ'', ông Koh Yu-hwan, một chuyên gia về CHDCND Triều Tiên tại Đại học Dongguk - Seoul, phân tích.
''Nếu CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa, nước này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng khó khăn của người dân hiện nay. Điều này cho thấy vết nứt trong hệ thống kiểm soát xã hội và sự bất đồng trong giới lãnh đạo tại CHDCND Triều Tiên''.
Do đó, rõ ràng CHDCND Triều Tiên sẽ không muốn phóng tên lửa Taepodong-2 bởi vấn đề khó khăn trong nước và khả năng bị Mỹ và Nhật Bản trừng phạt.
Ngoài ra, nếu Bình Nhưỡng thử tên lửa tầm xa thật, Seoul sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cùng trừng phạt và xem xét lại các chương trình viện trợ kinh tế cho quốc gia phía bắc bán đảo Triều Tiên.
Dễ thấy, lời đe doạ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên diễn ra sau khi đề xuất đàm phán trực tiếp với Mỹ của nước này hồi đầu tháng không được hưởng ứng. Vào ngày 1/6, CHDCND Triều Tiên chính thức mời ông Christopher Hill, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ, tới Bình Nhưỡng để đàm phán, song đề nghị này bị phía Mỹ bác bỏ.
Từ lâu, CHDCND Triều Tiên luôn khẳng định giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể thông qua đàm phán trực tiếp giữa Bình Nhưỡng và Washington, đồng thời muốn có một hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ một mực từ chối gặp song phương với CHDCND Triều Tiên.
Trước đó, Mỹ cũng đã từng đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên năm 1994 để tiến tới thoả thuận CHDCND Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân để đổi lấy 2 lò phản ứng hạt nhân và các hình thức viện trợ khác. Tuy nhiên, chính quyền Bush chỉ muốn có một giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua đàm phán đa phương kể từ năm 2002, thời điểm Washington cáo buộc Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình làm giàu uranium bí mật, vi phạm thoả thuận 1994.
Năm 1998, ''chính sách bên miệng hố chiến tranh'' của CHDCND Triều Tiên đã thành công trong việc ''đẩy'' Mỹ trở lại bàn đàm phán trực tiếp sau khi phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong-1 qua không phận Nhật Bản và ra Thái Bình dương.
Sau một năm đàm phán song phương, cuối cùng Bình Nhưỡng và Washington đã đạt được bước đột phá khi Mỹ chấp nhận nhượng bộ nới lỏng lệnh trừng phạt tài chính, đổi lại CHDCND Triều Tiên cam kết ngừng các hoạt động tên lửa.
Tuy nhiên, tháng 9 năm ngoái, Mỹ đã trừng phạt Banco Delta Asia (BDA), một ngân hàng có trụ sở tại Macau, vì tội rửa tiền cho CHDCND Triều Tiên. Theo đó, BDA đã cắt mọi giao dịch với CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn phong toả hàng loạt tài sản tại Mỹ của 8 công ty của CHDCND Triều Tiên.
Và lần này, đúng như bình luận của chuyên gia về CHDCND Triều Tiên tại Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc, ông Kim Tae-woo: ''Với việc làm mới sự đe doạ tên lửa, CHDCND Triều Tiên muốn gây sức ép buộc Mỹ phải nới lỏng các lệnh trừng phạt tài chính''.
Theo Trần Kiên
Vietnamnet