Bình Nhưỡng cảnh báo chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên
(Dân trí) - Triều Tiên cảnh báo "xung đột và chiến tranh" sẽ chỉ là vấn đề thời gian trên bán đảo Triều Tiên sau khi thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự liên Triều bị hủy bỏ.
"Do những động thái liều lĩnh và thiếu thận trọng của đối phương nhằm vô hiệu hóa thỏa thuận quân sự bắc - nam, cuộc đối đầu quân sự cực kỳ nghiêm trọng như trước khi thông qua thỏa thuận đã được tạo ra một lần nữa trên bán đảo Triều Tiên", một nhà bình luận quân sự Triều Tiên cảnh báo trong bài viết do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên đăng tải hôm 3/12.
Nhà bình luận Triều Tiên cho biết, thỏa thuận năm 2018 là "cơ chế tối thiểu và là ranh giới cuối cùng để ngăn chặn xung đột quân sự trong khu vực dọc Đường ranh giới quân sự, nơi các lực lượng vũ trang tập trung mật độ cao nhất và đối đầu gay gắt nhất trên thế giới".
"Xung đột và chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên chỉ còn là vấn đề thời gian, chứ không còn là nguy cơ nữa", nhà bình luận Triều Tiên tuyên bố.
Nhà bình luận này cũng cho rằng, việc phóng vệ tinh của Triều Tiên là "quyền hợp pháp và đúng đắn của một quốc gia có chủ quyền" và việc Hàn Quốc đình chỉ thỏa thuận để đáp trả việc Triều Tiên phóng vệ tinh, một hành động không bị cấm theo thỏa thuận, là vô nghĩa.
Nhà bình luận cho biết, nếu vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên bị xem là hành vi vi phạm hiệp định năm 2018, việc Hàn Quốc phóng vệ tinh do thám quân sự của nước này cũng tương tự như vậy, đề cập đến vụ phóng vệ tinh do thám quân sự nội địa đầu tiên của Hàn Quốc vào tuần trước.
"Bất kỳ hành động gây hấn nào của nhóm chống lại Triều Tiên sẽ dẫn đến sự tàn phá thảm hại của quân đội và sự sụp đổ hoàn toàn của Hàn Quốc", nhà bình luận Triều Tiên cảnh báo thêm.
Vụ phóng của Hàn Quốc diễn ra sau khi Triều Tiên đưa vệ tinh trinh sát Malligyong-1 lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Chollima-1 tự sản xuất, sau 2 lần phóng thất bại trong năm nay.
Truyền thông Triều Tiên cho biết vệ tinh của nước này đã chụp ảnh một loạt "khu vực mục tiêu", từ Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đến các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, Guam, Hawaii và thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Triều Tiên hôm 23/11 tuyên bố sẽ nối lại tất cả các biện pháp quân sự bị tạm dừng theo thỏa thuận năm 2018, nhằm đáp trả việc Seoul đình chỉ một phần hiệp định sau khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám.
Theo những bức ảnh do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố hôm 27/11, các binh sĩ Triều Tiên tại trạm gác ở Khu vực an ninh chung (JSA) thuộc Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều đã mang theo súng và đứng gác vào ban đêm bên trong DMZ.
Việc trang bị vũ khí cho binh sĩ ở JSA là động thái mới nhất trong một loạt động thái của Triều Tiên sau khi tuyên bố vô hiệu hóa thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự với Hàn Quốc. Ngoài ra, Triều Tiên còn khôi phục các trạm gác và triển khai vũ khí hạng nặng dọc biên giới với Hàn Quốc.
Hiệp ước bắc - nam được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Moon Jae In, bao gồm vùng cấm bay và lệnh cấm tập trận bắn đạn thật gần biên giới.
Ngoài ra, Hàn Quốc và Triều Tiên mỗi bên cũng phá hủy 10 trong số 11 trạm gác ở DMZ nhằm giảm căng thẳng và ngăn chặn các cuộc đụng độ ngoài ý muốn, chỉ để lại một trạm có giá trị lịch sử hoặc giá trị khác.