1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biệt thự của Bạc Hy Lai tại Pháp có trong Hồ sơ Panama

(Dân trí) - Những mảnh ghép còn thiếu trong vụ bê bối tham nhũng từng gây chấn động Trung Quốc, liên quan đến căn biệt thự tại Pháp của vợ chồng cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lại vừa được hé lộ trong Hồ sơ Panama.

Căn biêt thự Villa Fontaine Saint Georges, tại miền nam nước Pháp có giá 7 triệu euro từng là mắt xích chủ chốt trong vụ một doanh nhân người Anh bị vợ của Bạc Hy Lai sát hại năm 2011.

Căn biệt thự tại Pháp trong vụ án bà Cốc Khai Lai giết người. (Ảnh: EPA)
Căn biệt thự tại Pháp trong vụ án bà Cốc Khai Lai giết người. (Ảnh: EPA)

Tuy nhiên, ai là chủ thực sự của căn biệt thự trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố Cannes là điều đã không thể xác định một cách rõ ràng trong vụ bê bối, vốn khiến ông Bạc phải ngồi tù đến hết đời vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Vợ ông, bà Cốc Khai Lai, bị tuyên án chung thân vì sát hại doanh nhân Neil Heywood.

Nhưng nay, những tài liệu rò rỉ trong Hồ sơ Panama đã cho thấy vai trò của một công ty luật Panama, với một công ty bí mật ở nước ngoài mà thông qua đó bà Cốc cùng một đồng phạm đã sở hữu căn biệt thự với 6 phòng ngủ.

Những “kẻ đóng thế”

Là một luật sư thành danh và con gái của một vị tướng trong Cách mạng Trung Quốc, bà Cốc là vợ hai của ông Bạc. Tại các phiên tòa xét xử, công chúng đã được biết bằng cách nào bà trở thành bạn của Heywood, một doanh nhân người Anh đã kết hôn với một phụ nữ Trung Quốc và sống ở Bắc Kinh. Heywood khi đó làm việc với các doanh nghiệp phương tây muốn làm ăn tại Trung Quốc.

Patrick Devillers là mắt xích rất quan trọng trong vụ bê bối Cốc Khai Lai - Bạc Hy Lai. (Ảnh: AFP)
Patrick Devillers là mắt xích rất quan trọng trong vụ bê bối Cốc Khai Lai - Bạc Hy Lai. (Ảnh: AFP)

Cùng kiến trúc người Pháp Patrick Devillers, Heywood đã làm việc như cánh tay phải của bà Cốc. Một trong những nhiệm vụ của doanh nhân người Anh này đó là phụ trách căn biệt thự tại Pháp, sau khi nó được một doanh nhân tỷ phú mua tặng bà.

Hai người châu Âu giữ vai trò như những “đôi găng tay trắng” - một cách nói của người Trung Quốc về những người giúp việc, chuyên xử lý những chuyện mờ ám để chủ nhân thực sự không phải bẩn tay.

Loạt hồ sơ bị rò rỉ từ công ty Mossack Fonseca cho thấy cách thức cấu trúc sở hữu căn biệt thự thay đổi liên tục ra sao, một phần do những cảm giác bất an của bà Cốc về những “kẻ đóng thế” của mình.

Chỉ khoảng 2 tuần sau khi Heywood được phát hiện chết trong khách sạn, tên của Devillers xuất hiện trên đăng ký sở hữu cổ phần tại Russell Properties đứng tên sở hữu căn biệt thự. Vụ chuyển nhượng dường như đã được lên kế hoạch trước cái chết của Heywood, theo tiết lộ từ một bức thư được Devillers ký tên.

Che giấu tài sản mờ ám

Từ những hồ sơ tại tòa cùng dữ liệu ở nước ngoài, một bức tranh chi tiết hơn về những mâu thuẫn chết người quanh căn biệt thự tại Cannes đã hiện rõ. Bà Cốc được tặng 3,2 triệu USD để mua căn biệt thự bởi một người bạn là doanh nhân có tên Từ Minh. Bà Cốc từng tính giữ biệt thự làm của để dành cho con trai, Bạc Qua Qua. Đổi lại, ông Từ được Bạc Hy Lai giúp sức trong các dự án hóa dầu cũng như mua một đội bóng.

Từ Minh là doanh nhân đã chi rất nhiều tiên cho gia đình Bạc Hy Lai, bao gồm số tiền mua căn biệt thự tại Pháp. (Ảnh: Rex)
Từ Minh là doanh nhân đã chi rất nhiều tiên cho gia đình Bạc Hy Lai, bao gồm số tiền mua căn biệt thự tại Pháp. (Ảnh: Rex)

Tại cơ quan điều tra, Từ khẳng định đã tặng rất nhiều quà cho gia đình ông Bạc. Ông này trả nợ thẻ tín dụng cho Qua Qua, tài trợ cho các chuyến đi nước ngoài của gia đình năm 2003, cũng như việc chi tiền lo cho 40 người bạn của Qua Qua tới Bắc Kinh chơi. Nhưng có lẽ căn biệt thự tại Cannes là món quà lớn nhất của Từ tặng cho gia đình ông Bạc.

Để che giấu danh tính gia đình cũng như trốn thuế, số tiền mua nhà được chuyển ra khỏi Trung Quốc dưới vỏ bọc một thương vụ kinh doanh. Một công ty của Từ làm khống bộ hồ sơ nhập một “nhà thép nhẹ”. Phía công ty bán nhận tiền chuyển từ Trung Quốc, giữ lại một phần nhỏ, rồi chuyển số tiền còn lại vào một tài khoản của công ty Russell Properties, tại Đảo Virgin, do Devillers và bà Cốc đồng sở hữu.

Russell Properties chuyển tiền cho một công ty tại Pháp, có tên Residences Fontaine St Georges để mua và quản lý căn biệt thự. Công ty này được thành lập theo kế hoạch của Devillers. Như vậy trên giấy tờ, cả Devillers và bà Cốc đều không có liên quan gì.

Chưa dừng lại ở đây, thêm một tầng che đậy nữa được tạo ra. Từ năm 2000 đến 2011, cổ phiếu của Russell Properties được chia đôi cho hai người được ủy nhiệm. Những người này nắm giữ cổ phiếu thay cho bà Cốc và Devillers, mà thực chất Devillers cũng chỉ là một người ủy nhiệm, bởi số cổ phần mà vị kiến trúc sư người Pháp đứng tên tại công ty sở hữu biệt thự tại Cannes cũng là của bà Cốc.

Từ năm 2004 - 2007, Devillers cũng là nhà quản lý của một công ty Pháp được khẳng định là chủ sở hữu trực tiếp căn biệt thự. Đến năm 2007, vai trò của Devillers được chuyển cho Heywood. “Tôi vẫn là chủ sở hữu thực sự, nhưng tôi dùng tên của Heywood… Tôi không muốn việc này tác động tới cha của Qua Qua”, bà Cốc khai tại tòa.

Đầu độc

Dù vậy tới tháng 6/2011, bà Cốc đã loại trừ doanh nhân người Anh khỏi vị trí đó, bởi bà giận dữ khi tiền thuê nhà thu được từ căn biệt thự quá thấp. Heywood bị thế chân bởi một “kẻ đóng thế” khác là Khương Phong Dolby, bạn của Từ Minh, và từng là người dẫn chương trình truyền hình của CCTV.

Heywood (trái) đã bị bà Cốc hạ độc sau khi dọa tiết lộ về tài sản của gia đình bà ở nước ngoài. (Ảnh: Guardian)
Heywood (trái) đã bị bà Cốc hạ độc sau khi dọa tiết lộ về tài sản của gia đình bà ở nước ngoài. (Ảnh: Guardian)

Theo lời khai, bà Cốc không chỉ lo ngại về doanh thu, mà còn sợ rằng Heywood và Devillers có thể phản bội, hất cẳng mình. Heywood thậm chí đã tiếp cận Bạc Qua Qua để thúc ép chuyện tiền bạc, bà Cốc cho biết. Doanh nhân này được khẳng định đã đòi 1,4 triệu bảng Anh tiền quản lý nhà, và còn đe dọa sẽ tiết lộ chuyện bà Cốc sở hữu căn biệt thự tại Pháp.

Mâu thuẫn đã dẫn tới cái chết của Heywood hôm 13/11/2011. Theo hồ sơ tại tòa, Heywood bị đầu độc bằng một liều thuốc chuột trong lúc say bí tỉ, sau khi cùng uống rượu với bà Cốc trong khách sạn Lucky Holiday ở Trùng Khánh.

Chính bà Cốc là người đã trộn trà với thuốc chuột, bỏ vào một hộp đựng sữa đậu nành và đưa vào miệng Heywood khi ông này đòi uống nước. Bà Cốc đứng chờ cho tới khi doanh nhân người Anh chết hẳn mới về phòng ngủ. Nhân viên khách sạn tìm thấy cái xác 2 ngày sau đó.

Theo Hồ sơ Panama, khoảng hơn 2 tuần sau cái chết của Heywood, Mossack Fonseca đã đứng ra giúp chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần của bà Cốc tại Russell Properties SA từ các công ty vỏ bọc khác là IFG Trust và IFG Secretaries sang tên Patrick Henri Devillers.

Không rõ vì sao vụ chuyển nhượng lại diễn ra chóng vánh như vậy sau cái chết của Heywood, hay vì sao cổ phần của bà Cốc lại được chuyển cho Devillers. Còn một chi tiết lạ nữa là vị kiến trúc sư người Pháp lại sử dụng tên thật của mình để đứng tên ở công ty, và còn sử dụng một địa chỉ văn phòng luật cũ của bà Cốc trong các hồ sơ sang tên.

Ngày 11/11/2011, Devillers ký thư chấp thuận trở thành cổ đông của Russell Properties. Hai tuần sau, quỹ tín thác tại Jersey, quần đảo Channel, chuyên cung cấp những người đứng tên hộ đã rút lui, khiến kiến trúc sư người Pháp trở thành cổ đông duy nhất kiêm lãnh đạo công ty sở hữu bất động sản tại Cannes.

Vai trò của Mossack Fonseca

Từ đây, Devillers có thể liên lạc trực tiếp với Mossack Fonseca và có thẩm quyền lớn hơn với căn biệt thự tại Pháp. Từ đầu năm 2012, cái tên Devillers thường xuất hiện khắp các bản tin ở Trung Quốc, Anh, Pháp, Úc và Mỹ vì có liên quan đến vụ xử bà Cốc giết người cũng như bê bối tham nhũng của ông Bạc Hy Lai.

Văn phòng của Mossack Fonseca tại Đảo Virgin đã rất lơ là trong việc kiểm tra hồ sơ khách hàng khi giao dịch với Devillers. (Ảnh: ICIJ)
Văn phòng của Mossack Fonseca tại Đảo Virgin đã rất lơ là trong việc kiểm tra hồ sơ khách hàng khi giao dịch với Devillers. (Ảnh: ICIJ)

Thế nhưng, theo Hồ sơ Panama, suốt nhiều tháng đầu năm đó, Mossack Fonseca có vẻ không biết gì tới vụ bê bối. Trong thời gian này, Mossack Fonseca còn nhận được email từ Devillers, yêu cầu họ cho phép chuyển cổ phần công ty Russell Properties tới một đại diện ở nước ngoài khác có tên Morgan & Morgan Trust.

Phải đến ngày 7/6/2012, khi giới chức Đảo Virgin điều tra Russell Properties SA, yêu cầu Mossack Fonseca cung cấp thông tin về các chủ sở hữu, lãnh đạo cùng các thông tin khác, hãng luật có trụ sở tại Panama mới tá hỏa.

4 ngày sau, một nhân viên phụ trách pháp lý của Mossack Fonseca cảnh báo các đồng nghiệp trong một bức thư nội bộ rằng Devillers có vẻ dính líu tới một vụ điều tra tại Trung Quốc.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2012, Mossack Fonseca gửi email thẳng cho Devillers, với đề nghị ngày càng khẩn khoản, kèm theo đường dẫn tới các bài viết về vụ bê bối Cốc Khai Lai – Bạc Hy lai, với những chi tiết về vai trò của kiến trúc sư người Pháp. “Các bài viết đề cập tới một người giống tên và quốc tịch của ông”, Mossack Fonseca viết. “Vui lòng cho chúng tôi biết người đó và ông có phải là một hay không”. Deillers có vẻ đã không trả lời.

Mossack Fonseca sau đó phúc đáp giới chức Đảo Virgin rằng, người đàn ông có tên Patrick Henri Devillers là cổ đông và lãnh đạo duy nhất của Russell Properties.

Devillers lúc bấy giờ sống tại Campuchia quyết định lên tiếng. Lời khai của ông này đã được sử dụng trong cả hai phiên tòa xử ông Bạc và bà Cốc, nhưng bản thân ông không bị khép tội gì.

Tháng 4/2013, Russell Properties bị gạch tên khỏi đăng ký kinh doanh tại Đảo Virgin. Và đến tháng 12/2014, căn biệt thự tại Cannes bị rao bán, với mức giá 8,5 triệu USD.

Thanh Tùng

Theo Guardian, Irish Times