1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

ASEAN và vấn đề Biển Đông 2015 (Bài 1):

Biển Đông vẫn là trở ngại tiềm tàng trong quan hệ Trung Quốc- ASEAN

Biển Đông vẫn sẽ là điểm nóng trong năm 2015 và tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước ASEAN là trở ngại tiềm tàng trong quan hệ hai bên.

2014 khép lại với nhiều “gió bão” trên biển Đông

Năm qua, theo nhiều chuyên gia nhận định là năm có nhiều sóng gió trong quan hệ giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Năm 2014, Trung Quốc đã có nhiều động thái ngang ngược nhằm khơi mào căng thẳng trên Biển Đông.

Bằng những hành động như hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đánh đắm tàu cá Việt Nam, ngang ngược tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, công bố bản đồ dọc bao trùm đến 85% diện tích Biển Đông, tiến hành xây dựng trái phép ở Hoàng Sa… Trung Quốc đã lộ rõ tham vọng của mình.
 
Bản đồ dọc mới do Trung Quốc công bố (ảnh AP)

Bản đồ dọc mới do Trung Quốc công bố (ảnh AP)

Tham vọng của Trung Quốc đã đánh động đến Mỹ. Sau những hành vi ngang ngược trên của Trung Quốc, Mỹ đã tuyên bố Mỹ có lợi ích trên khu vực Biển Đông đồng thời ra nghị quyết về Biển Đông, trong đó, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hòa bình và chủ quyền trên biển.

Trước tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, năm 2014, ASEAN đã cho thấy trách nhiệm và vai trò chủ đạo của mình trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực.

Ngày 10/5/2014, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra tuyên bố lịch sử về Biển Đông trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh trên biển. Đến tháng 8/2014, các nước ASEAN một lần nữa nhắc lại vấn đề biển Đông qua Thông cáo chung AMM- 47.

2 bản tuyên bố trên không nhắc đến Trung Quốc song có thể được xem là một sự thay đổi trong quan điểm của từng nước thành viên ASEAN. Đối với các nước ASEAN, tranh chấp lãnh thổ giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc giờ không còn là vấn đề song phương, chỉ liên quan đến 2 nước mà là vấn đề chung của toàn thể cộng đồng.
 
  

  Năm 2014 ASEAN đã phát huy mạnh mẽ đoàn kết, thể hiện tiếng nói chung và thống nhất trước những vấn đề chiến lược ở khu vực

Có thể nói, năm 2014, ASEAN đã phát huy mạnh mẽ đoàn kết, thể hiện tiếng nói chung và thống nhất trước những vấn đề chiến lược ở khu vực.Năm 2015, ASEAN sẽ tiến tới hình thành một cộng đồng chung, với sự liên kết chặt chẽ hơn với các nước thành viên, nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi rằng với vai trò mới, liệu ASEAN có vượt qua được “cơn bão” trên Biển Đông trong năm tới hay không?

Biển Đông “nóng” hay nguội phụ thuộc vào Trung Quốc

Trả lời báo chí, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Biển Đông năm 2015 có tiếp tục nóng hay không còn phụ thuộc vào những động thái sắp tới của Trung Quốc.

Tờ Business World Online ngày 3/12 đăng bài phân tích của Standard & Poor's (S&P), một công ty phân tích tài chính Mỹ bình luận, tình hình Biển Đông và Ukraine sẽ vẫn là những rủi ro địa chính trị lớn nhất trong năm 2015.

S&P bình luận, với sức mạnh chính trị và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế, nước này có nhiều khả năng sẽ tiếp tục áp đặt quyền lực một số nước láng giềng trong thời gian khá dài sắp tới.

Trong báo cáo về những rủi ro địa chính trị xung quanh vấn đề chủ quyền trong năm 2015, S&P đánh giá, thỉnh thoảng sẽ có những căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong tương lai gần.

S&P cho biết thêm, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò (phi pháp) mới ở Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ trong khu vực cũng có khả năng tiếp tục kéo dài căng thẳng trong mối quan hệ giữa nước này với một số nước láng giềng khu vực.

Nếu chiến tranh thực sự xảy ra, nó sẽ là một thảm họa đối với Trung Quốc vì tranh chấp có thể ảnh hưởng lớn đến các lợi ích kinh tế mà nước này đã tích lũy được trong hàng chục năm qua. Trung Quốc sẽ chọn chiến tranh và bành trướng lãnh thổ hay chọn phát triển thịnh vượng trong hòa bình trong năm 2015? Chắc chắn Bắc Kinh sẽ không thể có được cả 2, The Conversation cho biết.

Biển Đông vẫn là trở ngại tiềm tàng

The Diplomat ngày 13/11 nhận định, Biển Đông vẫn là một trở ngại tiềm tàng đối với quan hệ Trung Quốc- ASEAN. Ngay cả Trung Quốc cũng nhận thức được điều này.

Dù cho Trung Quốc có những bất đồng với các nước ASEAN nhưng nước này vẫn rất cần ASEAN trong các dự án hợp tác về kinh tế, The Diplomat cho hay.

Trung Quốc cần sự nhất trí của các nước Đông Nam Á đối với con đường tơ lụa trên biển, là sự bổ sung về mặt hàng hải cho Vành đai tơ lụa về kinh tế. Trong khi các tuyến đường trên đất liền đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng con đường trên biển vẫn còn khá mơ hồ, một phần do những quan ngại từ các nước láng giềng của Trung Quốc, The Diplomat nhận định.
 
Bản đồ Con đường tơ lụa trên biển (màu xanh) và trên bộ (màu cam) của Trung Quốc (Ảnh AFP)

 Bản đồ Con đường tơ lụa trên biển (màu xanh) và trên bộ (màu cam) của Trung Quốc (Ảnh AFP)

Theo The Diplomat , thật khó cho Trung Quốc nếu nước này muốn tăng cường hợp tác hàng hải với các nước láng giềng trong khi các nước láng giềng đều cảm thấy bị đe dọa trước việc Trung Quốc phát triển nhanh chóng lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển.

Nếu căng thẳng Biển Đông tiếp tục “nóng” lên, Đông Nam Á có thể sẽ trở thành “mắt xích khuyết” trên Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Hiện Ấn Độ vẫn chưa chắc chắn rằng mình có tham gia vào dự án này hay không, và vì vậy, Con đường tơ lụa trên biển có nguy cơ chìm nghỉm nếu bị các nước thành viên ASEAN tẩy chay.

Tuy nhiên, khi phát biểu với tở Jakarta Post vào tháng 11/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cho rằng, các tranh chấp trên biển “sẽ không ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực hoặc quan hệ chung giữa Trung Quốc và ASEAN”.

Ông Lý Khắc Cường nói thêm rằng Trung Quốc “hoàn toàn tin tưởng rằng chỉ cần các bên đi đúng hướng, duy trì động lực đối thoại và tham vấn, đồng thời tăng cường hợp tác trên thực tế hàng hải là các bên sẽ có thể xử lý vấn đề Biển Đông một cách đúng đắn”.

Bình luận về lời phát biểu trên, The Diplomat đã viết, nếu Trung Quốc thực sự có thể làm việc với ASEAN để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông (mà điều đầu tiên là các bên cần phải tuân thủ theo COC và DOC) thì Bắc Kinh có lẽ sẽ đi được một bước rất dài nhằm hướng tới việc làm giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông chưa thể sớm được giải quyết, nhưng không thể để những tranh chấp này hủy hoại sự hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là khi Trung Quốc muốn tạo dựng một vị trí quan trọng trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, The Diplomat cho biết./.

(Đón đọc:

Bài 2: Cuộc chiến pháp lý giữa Trung Quốc và Philippines trong năm 2015.

Bài 3: Vấn đề Biển Đông và Malaysia trong vai trò Chủ tịch ASEAN).
Theo Phương Chi/VOV.VN