Biển Đông: Thu hút sức mạnh tàu ngầm nhất thế giới
Mỹ muốn "tự do hàng hải, hàng không" trên Biển Đông thì hành động của Mỹ cũng là tuần tra bằng lực lượng chống ngầm hiện đại nhất...
Vào lúc căng thẳng nhất, có nguy cơ xảy ra xung đột khi Trung Quốc ngang ngược bất chấp hạ đặt giàn khoan trái phép sâu trong thềm lục địa Việt Nam (từ 2/5-15/7/2014), Hạm đội Thái Bình Dương Liên bang Nga do tàu Tàu săn ngầm "nguy hiểm nhất thế giới” Nguyên soái Shaposhnikov thăm bất ngờ, không chính thức vào Cam Ranh Việt Nam ngày 17/6/2014.
Từ ngày 2/8, Trung Quốc lại tiếp tục tập trận tại Tây TBD gồm Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Type 052C Changchun; khinh hạm Type 054A Changzhou và một tàu tiếp liệu lớp Type 903 mà theo Đài Loan là nhằm để “phô diễn sức mạnh cơ bắp trước láng giềng khu vực”.
Ngày 31/7/2015 đội tàu chiến của Hải quân Nga do tàu Đô đốc Pantelev dẫn đầu đã cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng thăm chính thức Việt Nam đến hết ngày 2/8. Và, cũng như lần trước, tàu Đô đốc Pantelev cũng là một khu trục săn ngầm hiện đại bậc nhất thế giới.
Một vấn đề đặt ra là tại sao trên Biển Đông khi có dấu hiệu nóng lên giữa Việt Nam và Trung Quốc là lập tức lực lượng săn ngầm Nga lại xuất hiện trên biển Việt Nam?
Và, không những thế, khi Mỹ muốn "tự do hàng hải, hàng không" trên Biển Đông thì hành động của Mỹ cũng là tuần tra bằng lực lượng chống ngầm hiện đại nhất trên không, máy bay săn ngầm P-8A Poseidon suốt 7 tiếng đồng hồ.
Vậy Biển Đông thì có gì khác biệt để khiến nó trở thành một nơi hội tụ sức mạnh của tàu ngầm, tàu săn ngầm, máy bay săn ngầm của tất cả các bên?
Tàu ngầm Mỹ, cơn ác mộng của A2/AD
Hơn 20 năm đã trôi qua, kể từ khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton ra lệnh cho hai cụm tàu sân bay USS Independence và USS Nimitz tiến vào eo biển Đài Loan, nằm ngay cửa ngõ Trung Quốc, để ngăn chặn Trung Quốc xâm nhập hòn đảo này, buộc Trung Quốc phải xuống thang.
Giờ đây, một cuộc triển khai lực lượng như vậy của Mỹ có thể sẽ khó xảy ra lần nữa, khi Trung Quốc đã có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để triển khai, thực hiện chiến lược chống tiếp cận (A2/AD).
Bằng loại vũ khí tên lửa Đông Phong 21D (DF-21D), một loại tên lửa đạn đạo chống tàu chiến được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay", cùng với hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu, từ cuối thập kỷ này sẽ cung cấp cho lực lượng tên lửa chiến lược của PLA khả năng tấn công chính xác mục tiêu, cộng với vô vàn hệ thống vũ khí khác được sử dụng để bảo vệ Trung Quốc và những khu vực rộng lớn mà nước này ngang ngược tuyên bố chủ quyền, từ Tây Tạng và Tân Cương cho tới eo biển Đài Loan... đẩy Mỹ ra xa, ra khỏi Tây TBD, khu vực mà tên lửa Tomahawk của Mỹ có thể gây mất an toàn cho lục địa Trung Quốc.
Bắt đầu từ đây, hạm đội tàu sân bay Mỹ phải để ý đến khoảng cách tầm bắn của tên lửa DF-21D. Cùng với hàng loạt tàu khu trục tên lửa hiện đại, Trung Quốc hy vọng sẽ bù lấp “khoảng trống” Mỹ để lại, đẩy dần Mỹ ra khỏi Tây TBD, thực hiện chia đôi TBD với Mỹ như đã từng đề xuất.
Đương nhiên, Mỹ không thể chấp nhận tham vọng đó của Trung Quốc dễ dàng. Để chống lại A2/AD, Mỹ đã xây dựng, sử dụng học thuyết tác chiến không-biển (ASB). Đây là biểu trưng, biểu tượng và hành động không thể chối cãi cho sự đối đầu bằng quân sự Trung Quốc-Mỹ trên khu vực Tây TBD. Rõ ràng ASB là sự chuẩn bị cho xung đột với Trung Quốc.
Đến nay, chưa ai khẳng định tên lửa DF-21D là “sát thủ diệt tàu sân bay” vì chúng chưa một lần được Trung Quốc chứng minh và chiến thuật tác chiến không-biển của Mỹ cũng chưa khẳng định là có thể đánh tan chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc vì chỉ mới diễn tập.
Vì thế, cả Mỹ và Trung Quốc không dám mạo hiểm như trước. Cả hai đang tìm và duy trì lợi thế tác chiến để bao vây (Mỹ) và phá vây (Trung Quốc).
Nếu như chiến lược A2/AD sự thật như tuyên bố thì trong xung đột thông thường (không có VKHN), Mỹ muốn xóa sổ các căn cứ quân sự của Trung Quốc giữa Biển Đông, tấn công vào đất liền Trung Quốc từ phía Đông…chỉ có thể bằng lực lượng tàu ngầm là khả thi nhất.
Khi tàu ngầm đối phương đã không bị phát hiện ở khu vực phòng thủ thì coi như tuyến phòng thủ bị vỡ trận. Một loạt tác chiến của tàu ngầm như công kích mục tiêu trên mặt nước, trên đất liền, rải mìn phong tỏa… sẽ làm tê liệt toàn bộ hoạt động trên biển của bất kỳ đối thủ nào kể cả lực lượng mạnh như Hải quân Trung Quốc.
Có thể nói lực lượng tàu ngầm Mỹ là lá bài chính yếu để phá tan A2/AD của Trung Quốc nếu như lực lượng chống ngầm của Trung Quốc không đủ mạnh để “tóm sống” tàu ngầm Mỹ.
Với Trung Quốc, lực lượng răn đe hạt nhân của họ với Mỹ là quá yếu và rất dễ bị tổn thương khi mạng lưới đánh chặn, Mỹ đã giăng sát cửa nhà. Do đó, trong bộ 3 đòn tấn công hạt nhân, thứ Trung Quốc cần nhất vì có sức răn đe mạnh nhất là triển khai hoạt động của tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN). Chỉ cần 2 hoặc1 SSBN của Trung Quốc hoạt động bí mật trong lòng TBD là Mỹ “mất ăn mất ngủ”.
Vì thế, “vòng vây” mà Mỹ áp đặt với Trung Quốc và cuộc “phá vây” mà Trung Quốc đang âm thầm nhưng rất quyết liệt thông qua sử dụng lực lượng tàu ngầm của đôi bên trên Biển Hoa Đông và Biển Đông đã chứng tỏ tính không khoan nhượng vì lợi ích an ninh quốc gia cũng như chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, Mỹ.
Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc không có căn cứ nào cho SSBN, biển lại nông, đặc biệt, lối ra bị Mỹ-Nhật Bản “dày công chuẩn bị” nên có thể nói, ngay cả tàu ngầm thông thường, chưa nói đến SSBN chỉ cần xuất hiện là bị phát hiện.
Tàu ngầm nguy hiểm ở chỗ bí mật, còn khi đã bị đối phương “định vị” thì coi như mất tác dụng.
Trong khi đó trên biển Nam Trung Quốc, Trung Quốc có căn cứ tàu ngầm hiện đại tại đảo Hải Nam, là nơi có hạm đội Nam Hải mạnh nhất Hải quân Trung Quốc (PLAN); Biển Đông là nơi mà lực lượng quân sự Mỹ còn rất mỏng và của các nước khác thì quá yếu; Biển Đông cũng là nơi để cho tàu ngầm SSBN và các loại khác triển khai tác chiến, trú ẩn, phân tán lực lượng và là lối ra TBD.
Vì thế, không ngạc nhiên khi Trung Quốc bất chấp tất cả để biến Biển Đông thành “ao nhà”, tạo ra một khu “đặc quyền quân sự”, tuyên bố ADIZ trên Biển Đông… là một trong những kế hoạch chính, triển khai từng bước để thực hiện chiến lược chống tiếp cận, răn đe hạt nhân… nhằm mục đích là đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Tây TBD.
Và tất nhiên, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi Mỹ bổng nhiên lại quan tâm đến “tự do hàng hải hàng không” trên Biển Đông và cương quyết, ngăn chặn hành động của Trung Quốc đến thế.
Tờ The Guardian của Anh, bình luận như sau: “ Các mối quan tâm của Mỹ về SSBN của Trung Quốc là một trong những lý do thực sự của “tự do hàng hải”. Mỹ muốn hoạt động tự do tại Biển Đông, tiếp giáp với đảo Hải Nam, nơi có căn cứ tàu ngầm Trung Quốc để theo dõi, xác định sự di chuyển của các SSBN và do đó có khả năng tiêu diệt chúng trước khi chúng đến các vùng biển mở của TBD”.
Rõ ràng với hơn 70 tàu ngầm của Trung Quốc và lực lượng tàu ngầm Mỹ trên căn cứ Philipines, trên căn cứ Nhật Bản cùng với hạm đội tàu ngầm non trẻ nhưng rất đáng gờm của Việt Nam, đã khiến Biển Đông trở nên chật chội.
Có một điều khiến chúng ta quan tâm là làm gì để tàu ngầm Việt Nam với tàu ngầm Mỹ hoạt động hiệu quả? Vì đơn giản là tàu ngầm Việt Nam không đe dọa tàu ngầm Mỹ và ngược lại. Liệu có hợp tác chống ngầm Việt-Mỹ để bảo đảm “tự do hàng hải”?...
Theo Lê Ngọc Thống
Đất Việt