Biển Đông sẽ “đốt nóng” hội nghị thượng đỉnh Mỹ -ASEAN
(Dân trí) - Dự kiến, hôm nay 15/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bắt đầu cuộc hội đàm kéo dài 2 ngày với lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN tại Nam California. Một trong những vấn đề quan trọng được cho là sẽ thu hút sự chú ý tại hội nghị đó là vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông.
Hội nghị sẽ được tổ chức tại Sunnylands ở Rancho Mirage - nơi mà ông Obama từng tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN trên đất Mỹ và được coi là một trong những nỗ lực cuối cùng của chính quyền Obama trong chiến lược xoay trục sang châu Á.
Moe Thuzar, chuyên gia tại viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, nhận định, hội nghị là dịp đưa ASEAN xích lại gần với giới hoạch định chính sách của Mỹ. “Một cam kết đến nay vẫn đúng đó là chính quyền Mỹ do đảng Cộng hòa hay Dân chủ kiểm soát, thì ASEAN vẫn là mối quan tâm của Mỹ, chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục các chính sách hợp tác với ASEAN”.
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị được cho là sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng bao gồm cả an ninh, thương mại và biến đổi khí hậu. Hội nghị sẽ bắt đầu bằng phiên thảo luận về thương mại và đầu tư, tiếp đến là phiên thảo luận về các vấn đề an ninh, trong đó sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Biển Đông sẽ “đốt nóng” hội nghị
Một vấn đề thách thức đối với ASEAN có thể kể đến đó là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ cho rằng, các bên nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, đàm phán đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế. Washington cũng kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
Hiện Philippines và Việt Nam là hai nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc. Đồng thời, Philippines và Việt Nam cũng đều nhận được cam kết đảm bảo an ninh từ Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN được cho là tập trung thảo luận vấn đề tranh chấp chủ quyền, an ninh hàng hải ở Biển Đông. Phó cố vấn an ninh Nhà Trắng Ben Rhodes tuần trước cho biết: “Có rất nhiều vấn đề an ninh sẽ được thảo luận. Một trong số đó là an ninh hàng hải, trong đó có tình hình Biển Đông. Đây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo thảo luận những vụ việc xảy ra gần đây ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc bay thử nghiệm ở đường băng xây phi pháp trên đá Chữ Thập”.
Tổng thống Mỹ Obama được cho là sẽ đưa ra tuyên bố cứng rắn về Biển Đông tại hội nghị.
“Tổng thống Obama sẽ kêu gọi tất cả các quốc gia dừng các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo trái phép cũng như không tiến hành quân sự hóa các đảo phi pháp này trên Biển Đông”, cố vấn tổng thống Mỹ hàng đầu về châu Á Dan Kritenbrink phát biểu với báo giới.
Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể sẽ hành động hơn nữa để hỗ trợ ASEAN trong việc đàm phán về Bộ quy tắc ứng cử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.
Trục kinh tế Mỹ - ASEAN
Trục Mỹ - ASEAN là một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama, đồng thời được coi là một trong những chính sách bước ngoặt của Nhà Trắng.
Xét về khía cạnh kinh tế, thương mại, ASEAN đóng vai trò khá quan trọng với Mỹ. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ, góp phần tạo ra nửa triệu việc làm tại Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào ASEAN.
Ngoài Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết hồi đầu tháng này trong nỗ lực tạo đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm các ý tưởng mới để có thể hội nhập hơn nữa các nền kinh tế ASEAN.
Ngoài hai vấn đề trọng tâm nêu trên, hội nghị dự kiến sẽ thảo luận một loạt vấn đề quan trọng khác như chương trình hạt nhân của Triều Tiên, biến đổi khí hậu hay vấn đề nhân quyền.
Minh Phương
Tổng hợp