Biển Đông nóng, Đông Nam Á tới tấp mua vũ khí Nga
Trong bối cảnh Biển Đông dậy sóng, 2 quốc gia Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia đã liên tiếp hỏi mua những hệ thống vũ khí rất hiện đại của Nga.
Malaysia: Mua hệ thống phòng không Buk-M2 và Pantsir-S1
Quan chức Nga Victor Kladov ngày 22-4 cho biết rằng, nước chủ nhà của Triển lãm quốc tế về vũ khí và thiết bị quân sự lần thứ 15 DSA-2016 là Malaysia dự kiến sẽ mua các tổ hợp tên lửa phòng không tối tân tầm trung và tầm gần của Nga là Buk-M2 và Pantsir-S1.
Vị Giám đốc Hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của Công ty nhà nước Rostec cho biết, đã hơn 10 năm nay, Malaysia tìm hiểu các hệ thống phòng không khác nhau và nhận định rằng, vũ khí phòng không của Nga nổi trội hơn so với loại của Pháp, Anh, Mỹ và Trung Quốc.
Hiện trong biên chế Lực lượng Vũ trang Malaysia đã có khá nhiều loại vũ khí Nga, đặc biệt là lực lượng phòng không của quân đội nước này đã sở hữu các hệ thống phòng không tầm thấp do Nga sản xuất, đó là các tổ hợp tên lửa vác vai Igla,
Tại triển lãm DSA-2016, Tư lệnh lực lượng phòng không Malaysia đã thăm gian triển lãm của Cục thiết kế chế tạo khí cụ KBP và đặc biệt chú ý đến hệ thống phòng không tích hợp pháo và tên lửa phòng không Pantsir-S1 (phiên bản xuất khẩu của Pantsir-S, có cả phiên bản bánh xích).
Kỹ sư trưởng Văn phòng Thiết kế (KBP) Andrey Morozov cho biết, Malaysia đặc biệt chú ý tới các hệ thống phòng không Buk-M2 và Pantsir-S1 của Nga và đánh giá nó cao hơn các sản phẩm nước ngoài tương tự và đã bày tỏ ý định đặt mua.
Tư lệnh phòng không Malaysia còn xem xét rất nhiều hệ thống vũ khí, trang bị khác của Cục Thiết kế và cũng bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống tên lửa chống tăng 9K115-2 Metis-M. Sau khi bắn thử loại vũ khí này ông đã rất ấn tượng với các đặc tính ưu việt và hiệu quả cao của nó.
Tổ hợp tên lửa chống tăng Metis-M (mã GRAU 9K115-2, tên mã NATO là AT-13 Saxhorn-2) được thiết kế để tăng thêm hỏa lực chiến đấu của các đơn vị bộ binh cơ giới cấp đại đội, với tầm bắn khá xa từ 80m đến 2km.
Metis-có khả năng tiêu diệt tất cả các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất trên thế giới vốn được trang bị hệ thống giáp bảo vệ đa lớp (giáp phản ứng nổ ERA và giáp đồng nhất RHA) có độ dày từ 900mm-950mm và các xe bọc thép hay công sự phòng thủ kiên cố của đối phương.
Được biết, hiện trong quân đội Malaysia có khá nhiều loại vũ khí Nga, đặc biệt là trong lực lượng không quân.
Malaysia cũng là quốc gia sở hữu các chiến đấu cơ Nga. Trước đây, Nga đã cung cấp cho Malaysia 18 chiếc máy bay chiến đấu MiG-29A trong 2 năm 1994-1995, sau đó là 18 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKM, có tính năng tương đương Su-30MKI của Ấn Độ vào năm 2009.
Cuối năm 2013, Nga đã ký hợp đồng bán thêm 18 máy bay Su-30MKM, có khả năng trang bị các tên lửa mới, bao gồm cả tên lửa siêu âm BrahMos cho Malaysia. Trị giá của mỗi máy bay loại này (bao gồm cả công tác bảo hành) là khoảng 50 triệu USD.
Ngoài ra, Nga còn bán cho Malaysia 12 chiếc máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-171Sh. Đồng thời, Moscow cũng đã xây dựng một Trung tâm huấn luyện bay rất bề thế vào năm 2011 và sau đó là một Trung tâm sửa chữa kỹ thuật vào năm 2012 tại Malaysia.
Indonesia mua tàu ngầm Kilo và máy bay chiến đấu Su-35
Ông Kladov tiết lộ một loạt khách hàng Đông Nam Á trong khi tham dự Triển lãm DSA-2016, diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia từ ngày 18 đến 21/4. Tại đây, ngành công nghiệp quốc phòng Nga tham gia giới thiệu hơn 300 sản phẩm.
Theo ông, Nga và Indonesia đã thống nhất được những quyết định nguyên tắc về mua vũ khí, thiết bị quân sự Nga, đặc biệt là trong gói hợp đồng mua sắm máy bay chiến đấu Su-35. Hiện 2 nước đang chuẩn bị khởi động công tác đàm phán.
Quyết định chủ chốt về việc bán Su-35 cho Indonesia đã được thông qua, hiện Nga đang chờ đợi chuyến đi đến Moscow tham dự hội nghị an ninh của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia để bắt đầu công tác thương thảo các vấn đề chủ chốt.
Ông Kladov tiết lộ rằng, căn cứ vào nhu cầu và khả năng tài chính của Jakarta, số lượng máy bay ban đầu được đề cập có thể sẽ là từ 12 đến 18 chiếc, sau đó phía Indonesia có thể cân nhắc mua tiếp.
Theo đó, Indonesia mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4++ Su-35S của Nga để thay thế hết các chiến đấu cơ F-5 Tiger của Mỹ. Thông tin này đã khẳng định rằng, Indonesia nhiều khả năng sẽ là nước đầu tiên trong khu vực sở hữu loại chiến đấu cơ tối tân của Nga.
Ngoài Su-35, hai nước cũng đã bắt đầu tham vấn sơ bộ về hợp đồng bán tàu ngầm diesel-điện chế tạo mới thuộc dự án 636 (Project 636) lớp Varszavyanka (Kilo). Ý định này đã được giới chức quốc phòng Indonesia đề cập đến ngay từ năm 2014, với ý định ban đầu là mua lại tàu cũ.
Ông Kladov nhấn mạnh, Indonesia rất quan tâm việc phát triển hợp tác quân sự-kỹ thuật với Nga, điều này đã được Moscow nhiệt liệt hoan nghênh và hai nước đã triển khai hợp tác toàn diện trong tất cả ba lực lượng lục quân, không quân và hải quân.
Hiện nay, trong biên chế trang bị của không quân Indonesia đã có một phi đội 16 chiếc máy bay chiến đấu dòng Sukhoi, bao gồm 5 chiếc máy bay chiến đấu Su-27SKM và 11 chiếc máy bay chiến đấu Su-30 MK2 hai chỗ ngồi.
Ngoài ra, Nga có thể cung cấp cho Indonesia nhiều loại công nghệ hiện đại trong lĩnh vực hải quân. Cụ thể, Nga sẽ đề xuất cung cấp một số loại tàu, các hệ thống tình báo đa lớp, cũng như thiết lập một trung tâm dịch vụ và một trung tâm sản xuất phụ tùng thay thế.
Chính phủ Nga cũng sẽ đề xuất cung cấp các thiết bị hiện đại đã được trang bị cho các hệ thống radar công nghệ cao, để giúp nước này giám sát hơn 17.000 hòn đảo của họ.
Có thể nhận định rằng, các yếu tố giúp Nga mở cửa các thị trường Đông Nam Á là khả năng cung cấp các loại vũ khí mới và dịch vụ bảo dưỡng, cũng như nguyện vọng của các nước trong khu vực đa dạng hóa nguồn cung kỹ thuật quân sự, trong bối cảnh tình hình biển Đông đang gia tăng căng thẳng.
Việt Nam cũng là một khách hàng truyền thống của vũ khí Nga với các loại máy bay chiến đấu của Sukhoi; tàu ngầm diezen-điện lớp Kilo; tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, tàu tên lửa lớp Molniya, Tarantul, tên lửa phòng không S-300, tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion P…
Trong khu vực Đông Nam Á còn có Myanmar đang gắn bó chặt chẽ với Nga khi cũng mua tới 32 máy bay chiến đấu MiG-29, bao gồm các phiên bản máy bay chiến đấu MiG-29B, MiG-29SE và máy bay huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi MiG-29UB.
Myanmar cũng sở hữu một biến thể của MiG-21 là F-7M (biến thể xuất khẩu của J-7 do Trung Quốc thiết kế dựa theo MiG-21) và một số loại trực thăng Nga.
Hai quốc gia Lào và Campuchia cũng sở hữu một số lượng nhỏ các máy bay chiến đấu thế hệ cũ thuộc các phiên bản của MiG-21.
Theo Nhật Nam
Đất Việt