Đông Nam Á chạy đua sắm máy bay chiến đấu giữa lúc Trung Quốc hung hăng trên biển
(Dân trí) - Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Biển Đông, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm thay thế các máy bay chiến đấu cũ, mở đường cho các thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD với các “ông lớn” chế tạo máy bay chiến đấu khắp thế giới.
Reuters đưa tin, bất chấp việc khu vực Đông Nam Á có ngân sách eo hẹp, các quan chức bán hàng cho biết họ đang bận rộn hơn bao giờ hết sau 5 năm im ắng và các nguồn tin chính phủ cũng như công nghiệp quốc phòng cho hay những tháng tới có thể chứng kiến vài hợp đồng nhiều tỷ USD
Một hội nghị thương mại được tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia hồi tuần này đã thu hút các khách hàng tiềm năng và các quan chức bán hàng từ các công ty của Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ. Được tổ chức hàng năm, những người tham dự cho biết hội nghị năm nay bận rộn nhất so với các năm.
Một trong những khách hàng tiềm tăng nhất là Malaysia, vốn đang muốn thay thế các máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga từ những năm 1990 sau vài năm trì hoãn. Các nguồn tin cho hay Kuala Lumpur có thể mua tới 18 máy bay chiến đấu, trong một thỏa thuận có thể trị giá trên 2,5 tỷ USD.
Các phương án bao gồm Saab Gripen (Thụy Điển), Eurofighter Typhoon (châu Âu), Su-30 (Nga), máy bay JF-17 của Trung Quốc và Pakistan. Pháp đang lạc quan về việc giành hợp đồng cho máy bay chiến đấu Rafales do hãng Dassault chế tạo, nhưng các hãng khác cũng rất lạc quan.
“Chúng tôi hi vọng sẽ đưa Malaysia trở thành quốc gia thứ 9 mua máy bay chiến đấu Typhoon”, John Brosnan, người đứng đầu bộ phận kinh doanh tại thị trường châu Á của BAE Systems, một trong số các đối tác trong liên doanh Eurofighter, cho biết.
Theo Reuters, Việt Nam nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á tiếp theo trong danh sách khách hàng tiềm năng và đang xem xét các phương án ngoài nhà cung cấp truyền thống là Nga. Các nguồn tin cho biết Việt Nam đã có cuộc thảo luận ban đầu với Saab và Dassault và cũng đang thảo luận với Nga.
Các nước lo ngại Trung Quốc ngày càng bành trướng
Mặc dù không bình luận công khai nhưng các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, kín đáo nói rằng mối quan tâm của họ về các máy bay chiến đấu mới phần lớn xuất phát từ một thực tế rằng Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở Biển Đông.
Báo chí nhà nước Trung Quốc hồi tuần này đưa tin, một máy bay chiến đấu quân sự của Trung Quốc đã hạ cánh trái phép xuống bãi Chữ Thập, trên một trong số những người băng phi pháp mà Bắc Kinh xây dựng gần đây. Động thái này làm nảy sinh những nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ sớm triển khai máy bay chiến đấu ở cửa ngõ của các quốc gia Đông Nam Á.
“Căng thẳng leo thang ở khu vực Đông Nam Á đã khiến quá trình hiện đại hóa quân đội, vốn diễn ra chậm chạp bấy lâu nay, được quan tâm hơn trong chương trình nghị sự của một loạt quốc gia”, Craig Caffrey, nhà phân tích cấp cao của tạp chí IHS Jane's cho biết trong một báo cáo
“Philippines, Indonesia, Nhật Bản... đều theo sát Trung Quốc và chúng tôi không nhận thấy dấu hiệu chứng tỏ khuynh hướng này sẽ kết thúc”, ông Caffrey nói thêm.
Về phần mình, Trung Quốc nói rằng cần các thiết bị phòng vệ và lớn tiếng cáo buộc Mỹ cùng các bên khác quân sự hóa khu vực.
Các công ty quốc phòng của Mỹ có thể hưởng lợi trong bối cảnh khu vực hiện đại hóa quân đội. Họ đã xuất hiện dày đặc tại Đông Nam Á từ những năm 1980 và 1990 nhưng giờ đây đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ.
Thái Lan, hiện đang sở hữu các máy bay F-5 của Northrop và F-16 của Lockheed Martin, đã quyết định mua máy bay chiến đấu Saab Gripen và có thể sẽ mua thêm máy bay từ Thụy Điển, các nguồn tin quốc phòng biết rõ về quá trình đàm phán cho hay.
“Chúng tôi muốn các máy bay mới, chúng tôi có các kế hoạch dài hạn nhưng chúng tôi chưa có ngân sách cho kế hoạch đó”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tantrawanit cho biết. “Chưa có các thỏa thuận ngay lúc này”.
Các quan chức của Boeing đã tiếp thị máy bay F/A-18E/F Super Hornets tới Malaysia, vốn cũng sử dụng các máy bay Boeing F-18 Hornet cũ hơn. Nhưng các nguồn tin cho biết Kuala Lumpur dường như đang nghiêng về phía châu Âu. Sự xuất hiện của Boeing tại hội thảo thương mại ở Kuala Lumpur tuần này chủ yếu nhằm quảng bá các hệ thống không người lái.
Trong khi đó, Indonesia, hiện đang vận hành các máy bay F-16, đang tiến gần tới một đơn đặt hàng cho các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga để bổ sung vào phi đội máy bay Su-30.
Indonesia cũng là một đối các trong chương trình máy bay chiến đấu KF-X của tập đoàn Công nghiệp hàng không Hàn Quốc mà hãng Lockheed Martin cũng đang trợ giúp phát triển.
Các hãng quốc phòng của Mỹ cũng có thể trở thành các đối tác tiềm tàng tại Singapore, vốn đang vận hành duy nhất các máy bay chiến đấu của Mỹ và là một đối tác trong chương trình F-35 của Lockheed.
Nhà cung cấp khác của khu vực là Trung Quốc. Máy bay JF-17 của Trung Quốc, được phát triển cùng Pakistan, đang được tiếp thị là một phương án giá rẻ cho các lực lượng không quân trong khu vực, trong đó có Malaysia và Myanmar.
An Bình