1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông: Ẩn ý sau việc Philippines kiện Trung Quốc

Philippines không nói rõ ràng về "đường chín đoạn" chính là muốn "đẩy bóng" sang bên Trung Quốc, lợi dụng vụ kiện này để buộc Trung Quốc làm rõ hoặc giải thích "nội hàm" yêu sách tại Biển Đông.

LTS: Liên quan đến việc ngày 22 tháng 01 năm 2013, Philippines tuyên bố khởi kiện Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông, phóng viên Tuần Việt Nam đã có buổi trao đổi với anh Nguyễn Đăng Thắng, Giảng viên Khoa Luật quốc tế của Học viện Ngoại giao, người đã có hai bài phân tích về khả năng Philippines kiện Trung Quốc (trên Tuần Việt Nam và trang Nghiên cứu Biển Đông). Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Buộc Trung Quốc làm rõ yêu sách 9 đoạn

Tháng 8/2011, ông có bài dự đoán khả năng Philippines khởi kiện Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông. So với thông báo mới đây của Ngoại trưởng Albert del Rosario về việc Philippines sẽ kiện Trung Quốc,  ông thấy những đánh giá của mình thế nào?

Theo Tuyên bố khởi kiện của Philippines đăng trên mạng của Bộ Ngoại giao Philippines, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước Luật Biển) sẽ thủ tục được Philippines viện dẫn để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Trong Tuyên bố của mình, Philippines cũng nêu rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như việc đòi hỏi Trung Quốc xác định vùng biển theo Công ước Luật Biển, cho rằng Trung Quốc vi phạm Công ước khi cản trở Philippines thực thi quyền hàng hải và tài nguyên trên vùng biển của mình hay việc cho rằng Trung Quốc đang tiến hành khai thác trái phép tài nguyên trong vùng biển của Philippines.

Tuy nhiên, có hai vấn đề chính trong nội dung khởi kiện của Philippines. Thứ nhất, Philippines cho rằng yêu sách về biển của Trung Quốc tại Biển Đông theo "đường chín đoạn" là trái với Công ước Luật Biển và vô giá trị.

Hai là, các vị trí mà Trung Quốc đang chiếm đóng chỉ đem lại cho Trung Quốc tối đa lãnh hải 12 hải lý do những vị trí này chỉ có thể được coi là "đá" (không phải "đảo" để được hưởng vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa) theo quy định tại Điều 121 của Công ước Luật Biển.

Có thể nói, các bài viết vào tháng 8/2011 đã dự đoán đúng về thủ tục khởi kiện và phần nào đúng về nội dung mà Philippines dự định kiện Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông.

Thực ra, việc Philippines sử dụng thủ tục Trọng tài theo Phụ lục VII là khá rõ do đây cơ chế "mặc định" để giải quyết bất đồng giữa các thành viên Công ước liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển trong trường hợp các bên tranh chấp không thỏa thuận được về thủ tục giải quyết tranh chấp.

Các biện pháp tư pháp khác như Tòa án công lý quốc tế hay Tòa án quốc tế về Luật Biển chỉ có thể sử dụng để giải quyết tranh chấp nếu có được sự đồng ý từ Trung Quốc.

Biển Đông: Ẩn ý sau việc Philippines kiện Trung Quốc

Trừ khi Philippines tự mình rút lại đơn kiện, Trung Quốc sẽ tham gia vào tiến trình pháp lý này. Ảnh minh họa: Minh Thăng

Việc dự đoán Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 121 cũng không khó và có thể suy luận một cách lôgic. Thủ tục Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển bị hạn chế bởi tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc, theo đó Tòa trọng tài sẽ không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc phân định biển hay liên quan đến vịnh lịch sử và danh nghĩa lịch sử.

Như vậy, Philippines phải tìm cách "hóa giải" tuyên bố của Trung Quốc năm 2006 và do đó đã lựa chọn kiện theo Điều 121 liên quan đến việc Trung Quốc có thể có được các vùng biển khác ngoài lãnh hải rộng 12 hải lý xung quanh các vị trí Trung Quốc đang chiếm giữ tại Biển Đông hay không (tất nhiên là điều này còn phụ thuộc vào việc điều kiện là Trung Quốc thực sự có chủ quyền đối với các vị trí mà họ chiếm giữ - vấn đề này Philippines dường như tạm thời gác sang một bên).

Điều này cũng rất lôgic: nếu vùng biển mà Trung Quốc có thể có chỉ là 12 hải lý lãnh hải xung quanh các vị trí họ chiếm giữ thì sẽ không nảy sinh ra tranh chấp về phân định (trừ ở một vài khu vực chồng lấn nhỏ giữa lãnh hải xung quanh các vị trí tranh chấp và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển, trong đó có Philippines).

Trong Tuyên bố khởi kiện của mình, Philippines cũng nói rõ rằng họ không yêu cầu tòa tiến hành phân định biển ở Biển Đông (và cũng không yêu cầu có phân xử về chủ quyền đối với các vị trí tranh chấp).

Liên quan đến vấn đề yêu sách "đường chín đoạn", đây là một điểm khá thú vị trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines. Vào thời điểm năm 2011, tuy có biết Philippines rất quan ngại về bản đồ "đường chín đoạn" của Trung Quốc nhưng tôi vẫn cho rằng Philippines sẽ gắn với vấn đề này với vấn đề Điều 121.

Tuyên bố khởi kiện của Philippines thì không nói rõ ràng như vậy mà coi "đường chín đoạn" thể hiện yêu sách về "chủ quyền" và "quyền chủ quyền" của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng Philippines cũng không nói rõ ràng thêm là "chủ quyền" và "quyền chủ quyền" mà Trung Quốc đòi hỏi trong "đường chín đoạn" là đối với cái gì và dựa trên cơ sở nào.

Biển Đông: Ẩn ý sau việc Philippines kiện Trung Quốc

Philippines không nói rõ ràng về "đường chín đoạn" chính là muốn "đẩy bóng" sang bên Trung Quốc, lợi dụng vụ kiện này để buộc Trung Quốc làm rõ hoặc giải thích "nội hàm" của yêu sách của mình ở Biển Đông.

Mặt khác, ẩn trong nội dung của Tuyên bố khởi kiện đó Philippines coi là đường chín đoạn thể hiện yêu sách vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc do Trung Quốc có chủ quyền đối với các vị trí đảo, đá nằm trong đường này và vùng biển đó lớn hơn lãnh hải 12 hải lý (điểm này rõ hơn ở đoạn Philippines nói về vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi liên quan đến bãi Hoàng Nham - Scarborough). Nếu như vậy thì Philippines cũng gắn đường chín đoạn với việc giải thích và áp dụng Điều 121.

Việc Philippines không nói rõ ràng về "đường chín đoạn" chính là muốn "đẩy bóng" sang bên Trung Quốc, lợi dụng vụ kiện này để buộc Trung Quốc làm rõ hoặc giải thích "nội hàm" của yêu sách của mình ở Biển Đông- một điều mà dường như Philippines đã không làm được thông qua đàm phán ngoại giao. Họ quả thực rất khôn khéo.

Trung Quốc sẽ gặp bất lợi nếu không hợp tác

Khi nhận công hàm thông báo khởi kiện từ Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lasaro, Đại sứ Trung Quốc tại Manila, bà Ma Keqing, đã khẳng định quan điểm của phía Trung Quốc là những tranh chấp tại Biển Đông cần phải được các bên liên quan giải quyết thông qua đàm phán. Một số nhà bình luận cũng cho rằng Trung Quốc sẽ "phớt lờ" động thái này của Philippines. Ông có dự đoán gì về phản ứng của Trung Quốc?

Việc Đại sứ Trung Quốc nêu quan điểm cho rằng tranh chấp với Philippines ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán song phương là nhất quán với chủ trương của Trung Quốc từ trước đến nay trong các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ. Cũng chính vì vậy, phía Trung Quốc cũng phản đối việc Philippines đưa tranh chấp tại Biển Đông ra giải quyết bằng biện pháp pháp lý, mà ở đây là thông qua trọng tài quốc tế.

Một số học giả, chủ yếu đánh giá vấn đề từ góc độ quan hệ quốc tế và chính trị quốc tế, cũng cho rằng không có nhiều khả năng tranh chấp được giải quyết bằng thủ tục trọng tài như Philippines mong muốn.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn các quy định về trình tự thủ tục liên quan đến việc giải quyết tranh chấp bằng Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển thì có thể dự đoán rằng, trừ khi Philippines tự mình rút lại đơn kiện, Trung Quốc sẽ tham gia vào tiến trình pháp lý này.

Phụ lục VII của Công ước Luật Biển đã trù định sẵn các thủ tục về việc thành lập Tòa trọng tài trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận về việc chỉ định trọng tài. Cụ thể đó là, sau khi nhận được thông báo khởi kiện, Trung Quốc sẽ phải chỉ định trọng tài viên của mình trong vòng 30 ngày và sẽ phải thỏa thuận với Philippines về ba thành viên còn lại của Tòa trọng tài trong vòng 60 ngày.

Nếu Trung Quốc không chỉ định trọng tài viên hoặc không đạt được thỏa thuận với Philippines về các trọng tài viên còn lại thì Philippines có thể đơn phương yêu cầu Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển chỉ định các trọng tài viên này trong vòng hai tuần kể từ khi kết thúc các thời hạn trên. Với thủ tục như vậy, rõ ràng Trung Quốc sẽ gặp bất lợi nếu không hợp tác với Philippines.

Tôi nghĩ rằng nếu Philippines quyết tâm, Trung Quốc sẽ chỉ định trọng tài viên của mình trong Tòa trọng tài đồng thời bảo lưu việc Tòa trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa họ và Philippines. Theo cách này, Trung Quốc sẽ xây dựng lập luận để bác bỏ thẩm quyền của Tòa trọng tài khi vụ kiện được bắt đầu, cho rằng Tòa trọng tài không có thẩm quyền để thụ lý vụ việc.

Đây cũng là chiến lược phổ biến của các bên bị kiện. Trong thực tế Nhật Bản đã thành công với chiến lược này khi bị Úc và New Zealand kiện năm 1998 trước Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII liên quan đến việc bảo tồn và quản lý cá ngừ vây xanh. Tòa trọng tài trong phán quyết năm 2000 đã tuyên bố rằng mình không có thẩm quyền để giải quyết vụ việc.

(Còn nữa)

Theo Phương Loan (thực hiện)
Tuần Việt Nam

Phần 2: Thử vẽ kịch bản Philippines kiện Trung Quốc