1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biến chủng SARS-CoV-2 mới có thể nguy hiểm hơn Delta

Minh Phương

(Dân trí) - Biến chủng Lambda phát hiện lần đầu ở Peru có thể dễ lây lan hơn, dễ kháng vắc xin hơn so với biến chủng Delta, Alpha vốn đang gieo "ác mộng" ở nhiều nơi trên thế giới.

Biến chủng SARS-CoV-2 mới có thể nguy hiểm hơn Delta - 1

Biến chủng Lambda phát hiện lần đầu ở Peru và nhanh chóng lan rộng ra hàng chục quốc gia trên thế giới (Ảnh minh họa: Getty).

Đột biến bất thường

Hãng tin Financial Times ngày 4/7 dẫn thông tin từ các chuyên gia y tế cho biết, các dữ liệu chỉ ra, biến chủng của virus SARS-CoV-2 có tên gọi Lambda phát hiện lần đầu ở Peru dễ lây lan hơn nhiều so với chủng Delta, Alpha và Gamma lần lượt phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, Anh và Brazil. Điều khiến các nhà khoa học lo ngại là "những đột biến bất thường" ở biến chủng này.

Cụ thể, các nhà khoa học đã phát hiện 7 đột biến bất thường ở gai protein của Lambda. Giới khoa học đặc biệt lo ngại với đột biến có tên gọi L452Q, tương tự đột biến L452R ở biến chủng Delta khiến biến chủng này dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng khác.

"Dữ liệu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy rằng các đột biến ở gai protein của biến thể Lambda có thể né kháng thể và tăng khả năng lây lan của virus", các nhà nghiên cứu của Đại học Chile cho biết.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tháng 5 và tháng 6, biến chủng Lambda chiếm khoảng 82% số ca nhiễm mới ở Peru - nơi có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới. Tại nước láng giềng Chile, Lambda cũng chiếm khoảng 1/3 số ca nhiễm mới gần đây.

Biến chủng Lambda, ban đầu được gọi là C.37, được phát hiện lần đầu tại Peru vào cuối năm ngoái. Kể từ đó đến nay, biến chủng này đã xuất hiện ở ít nhất 27 quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh.

Một chuyên gia về sinh học phân tử tại Đại học Cayetano Heredia của Peru, ông Pablo Tsukayama, cho biết biến chủng này thu hút sự chú ý của giới y học vào khoảng tháng 12 năm ngoái, khi đó nó chỉ chiếm tỷ lệ 1 trong số 200 mẫu xét nghiệm. "Tuy nhiên, đến tháng 3 năm nay, nó đã chiếm đến 50% mẫu bệnh phẩm ở thủ đô Lima và hiện giờ là 80%. Điều này có thể cho thấy tốc độ lây lan của biến chủng này cao hơn so với biến chủng khác", ông Tsukayama nói.

Lambda có thể thành biến chủng "đáng lo ngại"

Biến chủng SARS-CoV-2 mới có thể nguy hiểm hơn Delta - 2

Biến chủng Lambda hiện chiếm tới 80% số ca nhiễm mới ở Peru, một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới (Ảnh: AFP).

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn các đột biến mới khiến Lambda trở nên dễ lây lan hơn, nhưng rất có thể biến chủng này sẽ được xếp vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại".

"Dựa vào mức độ lây lan nhanh chóng ở Peru, Ecuador, Chile và Argentina, chúng tôi tin rằng, Lambda có thể trở thành biến chủng đáng lo ngại", báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Chile nhận định.

Tháng 6 năm nay, WHO xếp Lambda vào nhóm "biến chủng cần theo dõi". Sau tuyên bố của WHO, các nhà khoa học nói rằng, Lambda là biến chủng cần điều tra do sự lây lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới và xuất hiện một số đột biến đáng chú ý.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học nói rằng, chưa có bằng chứng cho thấy Lambda có thể gây bệnh nặng hơn ở người mắc Covid-19 hay kháng vắc xin. "Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy Lambda nguy hiểm hơn các biến chủng khác. Nó có thể có mức độ lây nhiễm cao hơn nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm", Jairo Méndez Rico, một cố vấn về Covid-19 tại Tổ chức Y tế châu Mỹ (PAHO), cho biết.

Sự xuất hiện của các biến chủng gây lo ngại đặc biệt ở Nam Mỹ, nơi chỉ chiếm 8% dân số thế giới nhưng chiếm tới 20% tổng số ca mắc toàn cầu. Trong khi dịch bệnh lây lan nhanh, chỉ 1/10 dân số khu vực này đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu. Nhiều nước hiện phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, chủ yếu được cho là do sự xuất hiện của các biến chủng mới.

WHO hiện đưa 4 biến chủng vào danh mục "đáng lo ngại" gồm Delta, Alpha, Gamma và Beta. Đây là nhóm biến chủng có thể dễ lây lan hơn, dễ né kháng thể hơn và thậm chí có thể gây bệnh nặng hơn ở người mắc Covid-19. Trong đó, biến chủng Delta đã xuất hiện ở gần 100 quốc gia trên thế giới và có xu hướng trở thành biến chủng trội toàn cầu.