Biến chủng Delta khiến hình mẫu chống dịch Australia "trật bánh"
(Dân trí) - Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất do biến chủng nguy hiểm Delta khiến nỗ lực dập dịch hoàn toàn của Australia bị trật bánh, trong bối cảnh chiến dịch tiêm vắc xin còn hạn chế.
Ba ngày sau khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 biến chủng Delta hiếm gặp ở Sydney, khoảng 40 người vẫn tụ tập trong một bữa tiệc sinh nhật. Nhưng họ đã vô tình bỏ qua một mối đe dọa tiềm ẩn: một trong những vị khách dự tiệc từng tiếp xúc ca nhiễm Covid-19 hiếm đó. Bệnh nhân F0 này là một tài xế ở sân bay, nhiễm biến chủng Delta từ một phi công Mỹ.
Hai tuần sau, 27 người tham gia bữa tiệc đều nhiễm bệnh, trong đó có một em bé 2 tuổi, cùng 14 người tiếp xúc gần, trong khi 7 người khác không nhiễm bệnh đều là những người được tiêm vắc xin Covid-19 .
Thực tế từ bữa tiệc trên cho thấy thách thức to lớn mà Australia đang đối mặt dù nước này được đánh giá là hình mẫu chống dịch rất thành công với chính sách phong tỏa chặt chẽ, xét nghiệm rộng rãi và truy vết hiệu quả.
Đối với Australia và mọi quốc gia khác đang theo đuổi cách chống dịch gọi là "dập dịch hoàn toàn", bao gồm cả Trung Quốc và New Zealand, bữa tiệc ở Sydney giống như một lời cảnh báo: Nếu không tiêm vắc xin, hình mẫu chống dịch cũng khó có thể được giữ vững.
Chủ nhiệm bộ môn dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Melbourne Catherine Bennett nhận định: "Đây là sự khởi đầu cho sự kết thúc của kiểu chống dịch dập dịch. Chúng ta có thể kiểm soát dịch lần này, nhưng mọi việc sẽ ngày càng khó khăn hơn".
Với việc đóng biên nghiêm ngặt, xét nghiệm rộng rãi và truy vết hiệu quả, Australia từng dập dịch nhanh chóng trong khi hầu hết các nước khác phải liên tục gồng mình chống dịch lây lan không ngừng và thường là rất thảm khốc.
Australia không ghi nhận nạn nhân tử vong nào vì Covid-19 trong năm 2021. Trong khi New York (Mỹ) và London (Anh) quay cuồng trong thảm kịch Covid-19, Sydney và hầu hết các thành phố trên khắp Australia đều có thể tận hưởng cuộc sống gần như hoàn toàn bình thường: sân vận động, nhà hàng, trường học và nhà hát đều mở cửa.
Giới chính trị gia Australia, từ Thủ tướng Scott Morrison đến giới chức địa phương, đều ra sức muốn bảo vệ cuộc sống như vậy. Đối với họ, việc dập dịch hoàn toàn, bằng bất cứ giá nào, là một chính sách chiến thắng.
Biến chủng Delta lây lan mạnh
Nhưng mọi việc đang bị đảo lộn khi biến chủng Delta xuất hiện. Biến chủng Delta lây lan tại Australia thông qua các chuyến bay và những người đến trường học, bệnh viện, tiệm làm tóc, và thậm chí là cả trung tâm tiêm chủng đại trà. Một nửa dân số của đất nước 25 triệu dân này hiện được yêu cầu phải ở nhà khi số ca nhiễm mới mỗi ngày đều ở mức khoảng 200. Biên giới tiếp tục bị đóng sau 16 tháng cấm biên vì đại dịch.
Giờ đây, các quan chức nước này đang nỗ lực tìm cách chống lại một biến chủng mà họ xác định là "kẻ thù đáng gờm". Các quan chức y tế đã cảnh báo rằng, trong hầu hết các hộ gia đình, một người nhiễm biến chủng Delta thường lây nhiễm cho tất cả mọi người. Delta đã buộc các quan chức nước này phải hành động nhanh hơn và nỗ lực hơn nữa.
Các diễn biến này được cho là bước ngoặt quá đột ngột đối với một quốc gia dành phần lớn thời gian trong năm qua để ăn mừng thành quả chống dịch rất thành công.
Ngày 2/7, Australia tiếp tục tăng gấp đôi cách tiếp cận cứng rắn với đại dịch. Thực tế này đã từng xảy ra trong quá khứ. Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, Australia cũng đóng cửa biên giới suốt một năm và mở cửa muộn hơn phần còn lại của thế giới.
Trên khắp thế giới, nhiều nước cũng lâm vào tình cảnh tương tự bởi biến chủng Delta đã xuất hiện tại ít nhất 85 quốc gia. Chủng virus này hiện đang chiếm ưu thế ở Anh và Ấn Độ, nơi nó xuất hiện lần đầu tiên, và là nguồn cơn của đợt bùng phát dịch ở miền nam Trung Quốc vào tháng trước.
Nhiều quốc gia lo ngại về một "trận chiến" kéo dài. Ngày 28/6, các quan chức Trung Quốc thông báo có kế hoạch xây dựng một trung tâm cách ly khổng lồ ở Quảng Châu với 5.000 phòng dành cho du khách quốc tế. Australia cũng quyết định giảm lượng người nhập cảnh sẽ kéo dài đến cuối năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào tốc độ tiêm vắc xin.
Các giới chức và các nhà kinh tế học đang lo ngại cái giá phải trả về mặt xã hội cho những biện pháp khắc nghiệt này ngày càng tăng. 34.000 người Australia đang chờ được trở về giờ sẽ phải đợi lâu hơn nữa. Các doanh nghiệp vừa bắt đầu hồi sinh lại đối mặt thêm nhiều tháng đầy bấp bênh.
Melbourne, nơi phải trải qua tình trạng phong tỏa thường xuyên hơn bất kỳ thành phố nào khác tại Australia, đang chứng kiến các dấu hiệu cho viễn cảnh sắp tới. Tại khu thương mại trung tâm thành phố, mặt tiền các cửa hàng đều trống trải. Một số người vẫn lo ngại đến mức hiếm khi rời khỏi nhà, ngay cả khi không có ca nhiễm cộng đồng nào.
Đã có những ý kiến lo ngại rằng chiến dịch tiêm chủng của Australia đang diễn tiến chậm. Cho tới nay, chưa đến 8% dân số Australia được tiêm đầy đủ.