1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Biến chủng Delta hoành hành khắp châu Á

Thanh Thành

(Dân trí) - Từ Indonesia, Thái Lan cho đến Trung Quốc hay Nhật Bản…, biến chủng Delta đang tấn công hàng loạt hình mẫu chống dịch thành công ở châu Á và khiến nhiều quốc gia rơi vào tình thế điêu đứng.

Biến chủng Delta hoành hành khắp châu Á - 1

Ảnh chụp từ trên không vào ngày 4/8 nghĩa địa Rorotan ở Jakarta (Indonesia), nơi chôn cất các nạn nhân Covid-19 (Ảnh: AFP).

Cho đến nay, gần một năm rưỡi trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các số liệu mới nhất đều đang cho thấy thực tế đáng lo ngại: tình hình dịch bệnh do biến chủng Delta có tốc độ siêu lây nhiễm ở nhiều nước Đông Nam Á và châu Á vẫn rất phức tạp khi số ca mới và số ca tử vong trong ngày vẫn ở mức rất cao.

Đông Nam Á lao đao vì Delta

Tại Indonesia - một tâm dịch của thế giới hiện nay, số ca nhiễm và tử vong có giảm so với thời kỳ đỉnh điểm của đợt bùng dịch thứ hai vào giữa tháng 7 nhưng con số vẫn ở mức báo động. Bộ Y tế Indonesia hôm 14/8 ghi nhận 30.788 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên hơn 3 triệu ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 1.432 ca tử vong, nâng số bệnh nhân không qua khỏi lên 115.096 ca. Tuy vậy, có nhiều lo ngại những con số thống kê chính thức có thể vẫn chưa đúng thực tế, do tỷ lệ xét nghiệm thấp và hạn chế trong năng lực truy vết của nước này.

Các nhà virus học đã cảnh báo về nguy cơ Indonesia trở thành "lò ấp" biến chủng mới - điều thường xảy ra khi virus lây lan mạnh mẽ tại các nước có dân số đông. Chuyên gia dịch tễ hàng đầu người Indonesia Dicky Budiman nhận định: "Các biến chủng mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch".

Tại Philippines, trong ngày 13/8, Bộ Y tế nước này ghi nhận 13.177 ca mắc mới, mức cao thứ hai sau ngày 2/4, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1,713 triệu. Philippines cũng có thêm 299 ca tử vong trong ngày 13/8, nhiều nhất kể từ tháng 4, nâng số người chết lên 29.838. Theo báo SCMP, khu vực thủ đô Manila, một vùng đô thị bao gồm 16 thành phố, nơi sinh sống của hơn 13 triệu người, vẫn bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta.

Biến chủng Delta cũng đang hoành hành dữ dội tại Myanmar. Tình trạng thiếu ôxy, thuốc men, đồ bảo hộ, trang thiết bị y tế và thiếu nguồn nhân lực trong các bệnh viện khiến cuộc khủng hoảng đại dịch ở nước này ngày càng tồi tệ hơn.

Khi Thái Lan đối mặt với làn sóng tấn công mạnh của Delta, chính phủ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã phải ban bố sắc lệnh khẩn cấp. Trong ngày 13/8, Thái Lan báo cáo 23.418 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, nâng tổng số ca nhiễm lên 863.189. Quốc gia này cũng ghi nhận 184 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết lên tới 7.126. Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thái Lan nhận định hệ thống y tế của nước này sẽ tiếp tục chứng kiến số ca bệnh nặng gia tăng trong những tuần tới và số ca tử vong tiếp tục tăng lên, nguy cơ khiến thống y tế có thể sụp đổ.

Malaysia ngày 14/8 cũng ghi nhận 20.670 ca nhiễm mới, 260 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 12.228 người. Trước cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng do biến chủng Delta, chính phủ Malaysia tuần trước cho biết họ sẽ không còn sử dụng số ca mắc mới theo ngày làm thước đo để quyết định dỡ bỏ hạn chế cho các bang khi những bang này bước vào giai đoạn thứ 2 của "kế hoạch phục hồi quốc gia".

Nhật Bản chạy đua phân phối ôxy, Australia đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin

Biến chủng Delta hoành hành khắp châu Á - 2

Nhật Bản đang đối mặt với việc các ca mắc Covid-19 gia tăng mỗi ngày (Ảnh: Reuters).

Không chỉ riêng Đông Nam Á, châu Á còn điểm nóng dịch bệnh ở Đông Á khi các nước lớn như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc đều phải gồng mình ngăn chặn làn sóng lây lan đáng lo ngại của Delta.

Nhưng bất chấp nỗ lực ngăn chặn, các ca nhiễm mới ở Nhật Bản tăng mức cao kỷ lục hơn 20.000 ca trong ngày 13/8. Trong ngày 14/8, số ca mắc tiếp tục ở con số trên 20.000 ca. Theo báo Nikkei, riêng Tokyo ghi nhận 5.773 ca mới, và hơn 10.000 ca nhiễm mới tập trung ở thủ đô và 3 tỉnh lân cận: Saitama, Chiba và Kanagawa.

Phát biểu trước các phóng viên, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết, đại dịch đã khiến hệ thống chăm sóc y tế của Tokyo "rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn". Ông cho biết các nhà chức trách đang chạy đua để đảm bảo các địa điểm để cung cấp ôxy cho những người bị Covid-19 cách ly tại nhà.

Cho đến ngày 13/8, tổng cộng có 16 quận ở thủ đô Tokyo đang ở mức nguy cơ, động thái cho thấy virus đang lây lan trên khắp nước này.

Trong bối cảnh biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng và không có dấu hiệu thuyên giảm, Thủ tướng Suga có kế hoạch hội đàm với các bộ trưởng liên quan vào tuần tới về việc mở rộng tình trạng khẩn cấp đã được ban hành ở các tỉnh Tokyo, Chiba, Kanagawa, Saitama, Osaka và Okinawa.

Thủ tướng Suga cũng đã kêu gọi người dân hạn chế đi du lịch hoặc về quê trong kỳ nghỉ hè và tránh những chuyến đi chơi không cần thiết hạn chế di chuyển để tránh lây lan.

Tình hình tại Hàn Quốc cũng căng thẳn không kém. Bất chấp những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt, số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng lên ở mức 4 con số trong suốt gần 40 ngày qua.

Hàn Quốc ngày 14/8 ghi nhận 1.930 ca nhiễm mới trong ngày, trong đó 1.860 ca cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước vượt 222.000. Yonhap cho biết các quan chức nước này đang cân nhắc siết các biện pháp chống dịch trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 4 được dự đoán vẫn chưa lên đến đỉnh. Biến thể Delta đang lây lan nhanh tại nước này khi người dân đi lại, du lịch nhiều trong mùa hè.

Ngày 13/8, Thủ tướng Kim Boo-kyum đã kêu gọi người dân hạn chế tối đa việc di chuyển và ở nhà cùng gia đình vào dịp cuối tuần này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ông cũng cảnh báo sẽ phạt nặng đối với bất kỳ ai vi phạm quy định giãn cách xã hội.

Tại Australia, do lo ngại biến chủng Delta, chính phủ Australia đã phải mua lại 1 triệu liều vắc xin Pfizer từ Ba Lan để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho những người trẻ tuổi, đối tượng chính lây truyền virus tại các điểm nóng dịch bệnh.

Nguồn bổ sung vắc xin Covid-19 của Australia được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại bang New South Wales vẫn diễn biến căng thẳng khi số ca mắc mới tăng đột biến. Giáo sư Fiona Russell, chuyên gia hàng đầu về vắc xin tại Đại học Melbourne của Australia, cho rằng thực tế lây lan đáng sợ của biến chủng Delta và nguy cơ có thêm nhiều biến chủng khác có thể làm viễn cảnh đạt miễn dịch cộng đồng không còn thực tế. "Trong tương lai, việc xóa sổ virus là không thể. Thực sự là khá bất khả thi", bà nhận định.

Biến chủng Delta hoành hành khắp châu Á - 3

Trung Quốc gần đây đã phải tiến hành xét nghiệm trên diện rộng cho người dân để ngăn ngừa dịch bùng phát (Ảnh: Global Times).

Thực tế là ngay cả hình mẫu chống dịch Trung Quốc cũng bị Delta xuyên thủng. Sau 20 tháng bình yên trước Covid-19, chiến lược "không Covid-19" của Trung Quốc đang đối mặt với thách thức lớn nhất: biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm chóng mặt với độc lực mạnh.

Làn sóng COVID-19 mới nhất ở Trung Quốc bắt đầu bùng phát từ ngày 20/7 tại thành phố Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, và đã lan ra 48 thành phố thuộc 18 tỉnh, lây nhiễm cho 1.282 người tính đến ngày 13/8.

Ông Zeng Guang, Trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, cho biết biến chủng Delta khó kiểm soát hơn gấp 10 lần so với virus gốc, đặt ra thách thức lớn đối với chiến lược "không Covid-19" của Trung Quốc.