1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bi kịch người đàn ông Indonesia mất vợ và con mới sinh vì Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Làn sóng bùng dịch Covid-19 ở Indonesia diễn ra quá nhanh và thảm khốc dẫn tới những bi kịch tại các gia đình có người chết vì Covid-19.

Bi kịch người đàn ông Indonesia mất vợ và con mới sinh vì Covid-19 - 1

Quan tài của một nạn nhân Covid-19 ở Tegal, Central Java (Ảnh: Reuters).

Lần cuối Aris Suharyanto gặp vợ là thông qua cửa sổ bệnh viện. Anh chưa bao giờ có cơ hội gặp đứa con mới sinh.

Khi người vợ đang mang thai Rina Ismawati và 2/3 đứa con của Suharyanto bị ốm tháng trước, anh chỉ nghĩ đó là cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, khi số ca bệnh tăng vọt ở Indonesia, anh đã quyết định cho họ đi làm xét nghiệm.

Toàn bộ gia đình đã mắc Covid-19 và Ismawati đã phải nhập viện. Chị nằm trên giường bệnh, nhắn tin cho chồng rằng chị không thể thở và tình trạng ngày một xấu đi.

Lo cho sự an nguy của em bé, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy thai cho Ismawati. Tuy nhiên, khi Riski Aulia chào đời tháng trước, cậu bé cũng mắc Covid-19 và hô hấp rất khó khăn. Ismawati nói chồng hãy đưa chị về nhà khi chứng khiến rất nhiều người xung quanh chị đã chết vì Covid-19, nhưng tình trạng của chị quá tồi tệ để có thể di chuyển.

Ngày 22/6, bé Riski qua đời. Suharyanto chỉ có thể gặp con qua những bức ảnh thì con đã ra đi vĩnh viễn. Một ngày sau đó, vợ anh cũng tử vong.

Trường hợp của vợ con Suharyanto chỉ là 2 trong hàng loạt bi kịch khủng khiếp xảy ra ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới và đang trở thành vùng dịch lớn nhất châu Á.

Dịch bệnh lây lan nghiêm trọng

Bi kịch người đàn ông Indonesia mất vợ và con mới sinh vì Covid-19 - 2

Giới chuyên gia cho rằng, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 thực tế ở Indonesia có thể cao hơn nhiều so với thống kê (Ảnh: EPA).

Trong những tuần qua, Indonesia ghi nhận hàng nghìn ca Covid-19 mới và hàng trăm trường hợp tử vong khi biến chủng Delta lây lan như "cháy rừng". Mạng xã hội ngập tràn các bức ảnh than khóc vì nhiều người mất thân nhân. Bệnh viện "vỡ trận", thiếu hụt hàng loạt thiết bị y tế, trong khi tại các nghĩa trang, máy xúc liên tục đào huyệt mộ. Tồi tệ hơn, quốc gia 270 triệu dân còn đối diện với thách thức tin giả về Covid-19 lan rộng và tỷ lệ tiêm chủng thấp, ở mức 6%.

Với hơn 2,7 triệu ca Covid-19 và trên 70.000 người chết, giới quan sát cảnh báo rằng dịch bệnh dường như vẫn chưa đạt tới đỉnh. Các quan chức từ Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cảnh báo Indonesia ở "bờ vực thảm họa vì Covid-19."

Các chuyên gia cho hay, Indonesia đang "hứng chịu hậu quả vì không phong tỏa đủ sớm".

Một thống kê từ đại học John Hopkins cho thấy, 27% số người xét nghiệm ở Indonesia cho ra kết quả dương tính, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới, cho thấy rất nhiều ca bệnh ở Indonesia dường như vẫn chưa được phát hiện ra. Một khảo sát tiến hành hồi tuần trước cho thấy nửa dân số thủ đô Jakarta có thể đã mắc Covid-19, cao gấp 12 lần số ca ghi nhận chính thức tại đây.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn cho việc kiểm soát dịch bệnh ở Indonesia là nạn tin giả. Trong nhiều tháng, các ứng dụng nhắn tin ngập tràn các tin thất thiệt về các phương thức chữa trị Covid-19 không hiệu quả, cũng như các tin sai lệch về vắc xin khiến nhiều người không muốn đi tiêm chủng. Ngoài ra, tâm lý coi nhẹ dịch bệnh cũng làm Covid-19 lan nhanh và nguy hiểm.

Nguy cơ thành "Ấn Độ thứ 2"

Bi kịch người đàn ông Indonesia mất vợ và con mới sinh vì Covid-19 - 3

Thân nhân của một nạn nhân Covid-19 òa khóc trước huyệt mộ tại nghĩa trang ở Jakarta, Indonesia (Ảnh: Reuters). 

Vài tuần trước, Karunia Sekar Kinanti, 32 tuổi, phát hiện con trai 2 tháng tuổi Zhafran bị sốt, nhưng cho rằng đó chỉ là cảm cúm thông thường. Mẹ cô bị ho và sốt nhưng Kinanti không nghĩ đó là Covid-19. Hậu quả là cả cô, Zhafran và một đứa con khác đã mắc bệnh.

Hai tuần trước, Zhafran ngày một yếu hơn và hơi thở của cậu bé đã trở nên nặng nề. Khi Kinanti đưa con tới bệnh viện, phim chụp cho thấy Covid-19 đã tàn phá lá phổi bên phải của cậu. Ngày 5/7, mẹ của cô qua đời nhưng Kinanti không biết được liệu bà có phải ra đi vì Covid-19 hay không vì bà vẫn chưa được xét nghiệm. Kinanti không thể tới tang lễ của mẹ vì phải ở trong bệnh viện với con nhỏ.

Tình hình dịch ở Indonesia hiện giờ đang đi theo kịch bản tương tự làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở Ấn Độ khi ôxy bị cạn kiệt, bệnh nhân di chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, cố gắng tìm sự giúp đỡ nhưng chúng đã đều quá tải.

"Người bệnh ngồi chờ những ca tử vong mới để họ có thể có cơ hội lấp vào chỗ trống", giám đốc điều hành dự án HOPE ở Indonesia Edhie Rahmat cho hay. Nhiều bệnh viện đã xây lều dã chiến để chăm sóc cho bệnh nhân.

Niềm hy vọng của Indonesia lúc này đổ dồn vào vắc xin. Nhưng với hàng triệu người đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19, những chế phẩm này dường như là quá muộn.

Với Kinanti và con trai Zhafran, tình hình có vẻ khởi sắc, nhưng bác sĩ cảnh báo cậu bé sẽ có thể mắc chứng bệnh về phổi về sau. Kinanti thừa nhận cô đã đánh giá thấp dịch bệnh và ân hận về điều đó.

Suharyanto, người cha 3 con, sống với nỗi ân hận rằng anh có thể là người đã mang mầm bệnh về nhà do làm nghề tài xế xe ôm: "Tôi tự khóc một mình. Tôi tiếc nuối nhưng chưa bao giờ tưởng tượng điều này có thể xảy ra. Tôi không thể tin vợ tôi ra đi nhanh như vậy".

Suharyanto cảnh báo mọi người rằng Covid-19 không phải là tin giả, hay thuyết âm mưu vì với anh, nỗi đau vì dịch bệnh là có thật.