Bị đánh vào nguồn tài chính, IS thấm đòn
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang bắt đầu thấm đòn sau gần 3 tháng hứng chịu áp lực không kích từ Nga và liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Hai gọng kìm không quân đã đánh vào những mục tiêu trọng yếu đang khiến IS không còn đủ lực để tiếp tục chiến đấu, mở rộng lãnh thổ.
Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy IS "thấm đòn" từ các chiến dịch không kích của Nga và liên quân quốc tế của Mỹ là việc tổ chức này không còn đủ tiền để trả lương cho các tay súng tham gia chiến đấu ở Iraq và Syria. Thông tin mới nhất cho thấy IS đã ra lệnh cắt giảm một nửa lương tháng của các tay súng tham chiến.
Giáo sư Aymenn Jawad al-Tamimi là một chuyên gia về IS, người đã thu thập và công bố nhiều tài liệu, giấy tờ của IS, trong đó có bản kế hoạch thành lập nhà nước. Theo giáo sư Al-Tamimi, sắc lệnh cắt giảm lương đã được ký bởi Abu Muhammad al-Muhajir, "Bộ trưởng Tài chính" của IS, và lệnh cắt giảm lương này áp dụng cho tất cả thành viên IS, không trừ một ai, có nghĩa là kể cả các lãnh đạo cấp cao. Phương thức trả lương vẫn giữ như cũ, tức là 2 tuần một lần.
Thị trấn Sinjar, Iraq trong một đợt không kích của liên minh quốc tế.
Hãng CNN dẫn nguồn Quốc hội Mỹ cho biết, các chiến binh của IS được trả lương từ 400 đến 1.200USD/tháng. Bên cạnh đó, mỗi chiến binh còn được nhận phụ cấp cho vợ 50USD và mỗi người con là 25USD/tháng. Mức lương và phụ cấp này được xem là cao hơn so với lương và phụ cấp mà Chính phủ Iraq có thể trả cho binh sĩ của mình.
Một dấu hiệu nữa cho thấy IS bắt đầu túng thế là việc tổ chức này không còn đủ lực để duy trì chiến đấu trên mọi mặt trận. Theo tờ báo địa phương Al-Watan của Syria, IS và nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Nusra (có liên hệ với Al-Qaeda) đã bắt đầu rút quân khỏi một số khu vực xung quanh thủ đô Damascus của Syria, cụ thể đó là khu trại tị nạn Yarmouk của người Palestine, và quận Hajar al-Aswad thuộc khu vực Nam Damascus.
Al-Nusra được cho là sẽ rút về tỉnh Idlib ở tây bắc Syria, còn IS chưa biết chuyển đi đâu, nhưng có nguồn tin nói sẽ quay về Raqqa, "thành trì" của IS.
Giáo sư al-Tamimi cho biết thêm, IS không thông báo gì về những khó khăn về tài chính hay nguyên nhân nào dẫn đến việc cắt giảm lương, nhưng các chuyên gia có lý do để nhận định rằng IS đang bắt đầu bị "thấm đòn" bởi áp lực từ các chiến dịch không kích.
Kể từ tháng 10-2015, chiến dịch không kích IS ở Syria của Nga đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần làm xoay chuyển tình hình chống IS vốn bị bế tắc trước đó.
Khác hẳn cách đánh của Mỹ trước đó, Nga tung đòn đánh vào điểm yếu của IS là nguồn thu tài chính nuôi chiến tranh của nó. Theo thống kê, trước khi Nga tung chiến dịch không kích, mỗi ngày IS thu khoảng 2 triệu USD từ hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. Vào đầu năm 2015, mỗi tháng IS thu nhập khoảng trên dưới 40 triệu USD.
Nguồn thu của IS không chỉ từ dầu mỏ mà còn từ nhiều hoạt động khác như thu thuế của dân chúng trong vùng IS chiếm đóng, nguồn quyên góp tài trợ của những kẻ ủng hộ, thu từ hoạt động cướp giật, cướp ngân hàng, tiền chuộc bắt cóc con tin và tiền bán cổ vật cướp được ở Syria và Iraq. Tính chung mỗi năm IS thu ngân sách trung bình khoảng 1,5 - 2 tỉ USD.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (đứng, trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (ngồi, phải) nhất trí hội nghị Geneva về hòa bình Syria vẫn phải diễn ra dù có khó khăn, bất đồng.
Nhưng hiện nay, nguồn thu này đang bị cạn dần do các chiến dịch không kích của Nga và liên quân do Mỹ dẫn đầu. Áp lực không kích khiến cho các hoạt động thu thuế, cướp giật, bắt cóc con tin, buôn lậu cổ vật của IS gặp nhiều khó khăn, thậm chí chững lại. Đặc biệt là hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu mỏ tụt giảm nghiêm trọng.
Chiến dịch của Nga không chỉ nhắm vào các giếng dầu của IS ở miền Đông Syria mà còn đánh vào các đoàn xe vận tải dầu hỏa của IS trung chuyển sang Bắc Iraq, sang Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó tiêu thụ ở châu Âu và châu Á.
Bên cạnh đó, với việc tham chiến quyết liệt của Nga, Mỹ không thể tiếp tục đánh IS kiểu cầm chừng nữa mà phải gia tăng cường độ không kích. Mỹ cũng tung Chiến dịch Sóng Thủy Triều II của Mỹ (Operation Tidal Wave II) đánh vào hoạt động khai thác dầu hỏa - nguồn thu quan trọng của IS, và đã đánh trúng một số giếng dầu của IS ở miền Đông Syria và tuyến đường vận tải sang miền Tây Iraq, gây ra một số thiệt hại.
Ngoài ra, Mỹ còn tiến hành không kích một số kho chứa tiền mặt lớn của IS ở thành phố Mosul vào ngày 19-1 vừa qua, gây thiệt hại ước tính hàng chục triệu USD. Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu hồi đầu tuần tấn công một kho tiền của IS ở thành phố Mosul, Iraq.
"Đây là đợt không kích thứ hai ở Mosul trong nhiều tuần tấn công mục tiêu tài chính của IS", Reuters dẫn lời Đại tá quân đội Mỹ Steve Warren, người phát ngôn của liên minh quốc tế ở Baghdad, Iraq, trả lời báo giới tại Lầu Năm Góc trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 20-1.
Mỹ đã không kích 9 lần nhằm vào các mục tiêu tài chính của IS, phá hủy "hàng chục triệu USD", theo Đại tá Warren. Tấn công các mục tiêu tài chính của IS là một phần quan trọng trong chiến lược tiêu diệt nhóm phiến quân.
Bộ trưởng Tài chính Iraq ước tính IS cướp được gần nửa tỉ USD từ ngân hàng ở các thành phố Mosul, Tikrit và Baiji trong năm 2015. Theo số liệu từ Lầu Năm Góc, liên minh quốc tế đã tấn công 3 kho tiền của IS trong khoảng thời gian từ ngày 1-7-2015 đến 19-1-2016, gồm một kho ở Mosul, Iraq và 2 kho ở Deir al-Zor, Syria.
"Chúng tôi đang chờ xem cách chúng phản ứng. Chúng sẽ giảm lượng tiền lưu trữ, chia ra nhiều địa điểm hay di chuyển tiền thường xuyên hơn", ông Warren cho biết thêm.
Phiến quân IS tháo chạy khỏi Damascus từ hôm 21-1.
Mặc dù có thể cho rằng IS đang tạm thời suy yếu do bị các lực lượng quốc tế đánh cấp tập, nhưng giới quan sát quan ngại rằng tổ chức này vẫn đang tìm cách mở rộng địa bàn lãnh thổ sang Bắc Phi và trực tiếp đe dọa châu Âu. Thông tin báo chí hôm 20-1 cho biết, IS hiện đang nhắm đến Morocco và Tunisia, hai quốc gia Arập Hồi giáo quan trọng ở Bắc Phi.
Ngoài lý do mở rộng lãnh thổ để thực hiện mục tiêu hình thành Caliphate, thì việc tìm kiếm nguồn thu tài chính mới cũng là một lý do chính yếu khiến IS phải chú ý đến Morocco và Tunisia. Hai quốc gia này có cùng điểm thuận lợi cho IS xâm chiếm, đó là dân số chủ yếu theo Hồi giáo, đặc biệt là Tunisia, tuy là quốc gia khơi mào cho làn sóng "Mùa xuân Arập", nhưng người Hồi giáo vẫn đang bị kìm hãm và họ dễ dàng bị guồng máy tuyên truyền của IS thuyết phục.
Một lợi thế nữa, Morocco giáp với Đại Tây Dương, còn Tunisia giáp Địa Trung Hải, là hai cửa ngõ quan trọng có thể giúp IS tìm kiếm nguồn thu mới có thể lớn hơn các nguồn thu hiện tại vốn đang bị các liên minh của Nga và Mỹ đánh phá dữ dội.
Trong khi đó, việc chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế về hòa bình cho Syria nhằm thống nhất lực lượng chống IS vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó vấn để nổi cộm nhất, gây bất đồng nhiều nhất vẫn là thành phần nào sẽ tham dự hội nghị. Nga phản đối sự tham gia của một số thành viên của một số nhóm bị Nga, Syria xem là "khủng bố", chẳng hạn như nhóm Jaysh al-Islam, được phe đối lập xem là thành viên quan trọng.
Mặc dù vậy, sau cuộc họp chung vào ngày 21-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng tuyên bố khó khăn gì thì cũng phải giải quyết để Hội nghị quốc tế về hòa bình Syria tại Geneva vẫn phải diễn ra như kế hoạch đã định, vì đây là điều cần thiết nhất để có được một "đại liên minh" toàn cầu để chống IS một cách hiệu quả hơn.
Theo Văn Trương (tổng hợp)
An ninh thế giới