1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bí ẩn chuyện bác sĩ bao che bệnh cho tổng thống Mỹ

Trong gần 12 năm, người dân nước Mỹ nhìn vào những bức ảnh của Tổng thống Franklin D. Roosevelt mà không hề biết rằng nhà lãnh đạo này hầu như không thể đi lại được.

Không muốn bị che mắt lần nữa, người dân Mỹ giờ đây chú ý nhiều hơn đến sức khỏe của ông chủ Nhà Trắng, với sự quan tâm thường chỉ được dành cho con cái họ.

Liệu ông ta có ngủ đủ giấc? Có tập thể dục đủ? Thân nhiệt có bình thường hay không?...

Tại cuộc họp báo kỳ lạ gần đây, bác sĩ Nhà Trắng Ronny Jackson một lần nữa nêu bật nỗi lo ngại nói trên. Phần đánh giá của ông về sức khỏe Tổng thống Trump chỉ kéo dài 3 phút. Thay vì cập nhật thông tin về tình hình sức khỏe của Tổng thống Donald Trump, ông Jackson dành phần lớn thời gian nói những lời "có cánh" khó tin dành cho nhà lãnh đạo này, như nếu "ông Trump có chế độ ăn uống lành mạnh hơn trong 20 năm qua, ông có thể sống đến 200 năm".

Cuộc phẫu thuật bí mật

Các phóng viên tỏ vẻ hoài nghi. Con số về cân nặng của ông Trump được đưa ra là 108,5 kg, tức chỉ thiếu 0,5 kg nữa là bị xếp vào loại "béo phì"? Chiều cao của tổng thống được công bố là 1,91 m trong khi bằng lái xe của ông cấp ở New York chỉ ghi 1,88 m. Không lẽ chiều cao của một người đàn ông 71 tuổi có thể tăng được như vậy?

Không có lý do gì để tin bác sĩ Jackson, một người được bổ nhiệm bởi Tổng thống Barack Obama, cung cấp thông tin sai. Tuy nhiên, luật lệ về sự riêng tư có nghĩa những gì ông Jackson cung cấp hoàn toàn do Tổng thống Trump quyết định.

Lịch sử Mỹ ghi nhận mối quan hệ phức tạp giữa tổng thống và bác sĩ của họ. Đây không phải là lần đầu tiên người dân Mỹ tưởng rằng họ biết rõ về sức khỏe của người đang lãnh đạo mình nhưng sự thật lại không phải thế.


Tổng thống Grover Cleveland hồi tháng 8-1892, gần 1 năm trước khi trải qua cuộc phẫu thuật bí mật. Ảnh: AP

Tổng thống Grover Cleveland hồi tháng 8-1892, gần 1 năm trước khi trải qua cuộc phẫu thuật bí mật. Ảnh: AP

Năm 1893, Tổng thống Grover Cleveland bị bệnh. Ông thức dậy vào buổi sáng và thấy đau ở miệng. W. W. Keen, một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng thời đó, chẩn đoán tổng thống bị ung thư. Vấn đề là nước Mỹ khi đó đang trong cơn hoảng loạn tài chính. Cái chết của tổng thống, nếu có, sẽ gây ra cảnh hỗn loạn trong cộng đồng doanh nghiệp.

Vì vậy, vào tháng 7 cùng năm, ông Cleveland đã lên du thuyền ở New York, nơi đội ngũ bác sĩ tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u ung thư. Công chúng khi đó chỉ biết ông chủ Nhà Trắng bị đau răng. Sau khi ông Cleveland qua đời, bác sĩ Keen mới tiết lộ sự thật trong một bài viết đăng trên tờ Saturday Evening Post, trong đó biện hộ rằng sự che giấu này nhằm bảo vệ nền kinh tế.

Được "bao bọc" kỹ

Nền kinh tế này cũng không biết rằng chỉ một thập kỷ trước đó, Tổng thống Chester Arthue bị bệnh "Bright" - một loại bệnh thận khiến ông tử vong sau khi rời nhiệm sở vài năm.

Không ai hay rằng Geogre Washington suýt mất mạng vì bệnh cúm và ông có một mụn nhọt lớn trên mông chứ không phải ở trên đùi như những gì công chúng được nghe nói đến. Sau này, bác sĩ Samuel Bard của ông Geogre Washington giải thích rằng lời nói dối là để bảo vệ "phẩm giá của tổng thống".

Woodrow Wilson có lẽ là tổng thống Mỹ được bác sĩ "bao che" bệnh tật nhiều nhất. Khi ông bị đột quỵ nghiêm trọng, bác sĩ riêng của Nhà Trắng, Cary Grayson, tuyên bố một cách mơ hồ nhưng lạc quan rằng ông Wilson chỉ bị "kiệt sức" và "không có chuyện gì đáng lo".


Tổnng thống Franklin D. Roosevelt năm 1937. Ảnh AP

Tổnng thống Franklin D. Roosevelt năm 1937. Ảnh AP

Thực tế, Grayson đã phải thốt lên sau khi kiểm tra : "Chúa ơi, tổng thống bị liệt rồi". Ông bác sĩ này và đệ nhất phu nhân Edith thông đồng điều hành chính phủ trong hơn một năm tổng thống nằm liệt giường.

"Đã có rất nhiều tin đồn như ông Wilson đã chết, hoặc phát điên và chạy khắp Nhà Trắng. Tuy nhiên, không có gì được xác nhận. Không ai biết gì cả. Bí mật này đã được giữ kín" - ông Andrew Phillips, người quản lý Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Wilson nói.

Nói dối vì "lòng yêu nước"

Hết lần này qua lần khác, các tổng thống và bác sĩ riêng nói dối về tình hình sức khỏe bởi tin rằng đó là lòng yêu nước, là điều cao quý.

"Các bác sĩ tổng thống ở trong tình thế rất khó khăn. Với tư cách bác sĩ, họ đã thề phải bảo vệ sự riêng tư của bệnh nhân. Không dễ để yêu cầu một bác sĩ phá vỡ cam kết đó" - nhà sử học H. W. Brands nhận định.

Bác sĩ riêng của Tổng thống Warren Harding là một người bạn của gia đình từ khi họ còn ở Ohio. Ông nói với tổng thống các cơn đau ngực của ông là bệnh khó tiêu dù sự thật đó là bệnh tim. Ông nói rằng tổng thống đã bị ngộ độc thực phẩm khi đang đi thăm bang Alaska dù đó là cơn đau tim. Tổng thống Harding tử vong khi mới hoàn thành 2 năm của nhiệm kỳ (năm 1923).


Tổng thống John F. Kennedy năm 1961. Ảnh: AP

Tổng thống John F. Kennedy năm 1961. Ảnh: AP

Ross McIntire là bác sĩ của Nhà Trắng sau lễ nhậm chức đầu tiên của Tổng thống Franklin D. Roosevelt năm 1933. Đến năm 1944, Tổng thống Roosevelt bị suy tim sung huyết, trông nhợt nhạt. Các thành viên đảng Dân chủ nói bóng gió chuyện ông không nên tiếp tục tranh cử nhưng ông McIntire khẳng định đương kim tổng thống vẫn còn khỏe mạnh.

Kết quả là ông Roosevelt đã tái đắc cử nhưng qua đời chỉ 3 tháng sau khi đảm nhận nhiệm kỳ thứ 4.

"Có một khoảng cách lớn giữa cách chúng ta nhìn vào y học hiện nay và những năm 1950. Thời đó, khi bác sĩ Nhà Trắng, một người có thẩm quyền, nói rằng sức khỏe của tổng thống ổn, cuộc tranh luận coi như kết thúc" - ông William Hitchcock, chuyên gia Trường ĐH Virginia, nhận định.

Che giấu hay công khai?

Thời đó, phòng họp báo không có người có thể sử dụng chính kiến thức y học của mình để kiểm tra báo cáo của bác sĩ Nhà Trắng. Công chúng có lẽ nghĩ rằng sức khỏe tổng thống rốt cuộc là vấn đề cá nhân.

Bên cạnh đó, lịch sử Mỹ ghi nhận các tổng thống đều là người có tuổi nên người dân nước này không lấy làm ngạc nhiên nếu các lãnh đạo của họ hay gặp các vấn đề sức khỏe.


Tổng thống Bill Clinton hồi tháng 2-1993. Ảnh: AP

Tổng thống Bill Clinton hồi tháng 2-1993. Ảnh: AP

Trước khi bị ám sát, Tổng thống John F. Kennedy xuất hiện trước công chúng như là một người khỏe mạnh, cường tráng. Tuy nhiên, bà Barbara Perry, chuyên gia của Trung tâm Miller thuộc Trường ĐH Virginia, cho biết sức khỏe ông Kennedy có không ít vấn đề, từ bệnh Addison (suy tuyến thượng thận), đau lưng, viêm ruột kết...

Dĩ nhiên là công chúng không biết rõ điều này.

Câu hỏi đặt ra là liệu người Mỹ có bầu chọn (hoặc bầu lại) cho những nhà lãnh đạo bị đau yếu nói trên nếu các bác sĩ của họ thành thật? Những bác sĩ này thật sự làm việc cho ai?

Các tổng thống không được yêu cầu công bố hồ sơ y tế của mình, tương tự như hồ sơ thuế. Dù vậy, trong kỷ nguyên hiện đại, nhiều nhà lãnh đạo hoặc ứng viên tổng thống chọn cách công khai thông tin về sức khỏe mình.

Chẳng hạn như ông Bill Clinton (làm tổng thống từ 1993-2001) tiết lộ trước khi vào Nhà Trắng rằng mình bị các chứng dị ứng, mất thính lực nhẹ và đau dây chằng đầu gối trái.

Theo P.Võ

Người lao động