1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Berlusconi ra đi, vấn đề của Italia vẫn còn

(Dân trí) - Đa phần châu Âu cho rằng Berlusconi chính là hiện thân của vấn đề ở Italia và ông càng ra đi sớm bao nhiêu thì những cải cách về cấu trúc và tài chính càng có thể được thực hiện sớm bấy nhiêu. Nhưng thực chất có phải vậy?

Berlusconi ra đi, vấn đề của Italia vẫn còn - 1
Thủ tướng Italia Berlusconi sẽ từ chức trong vòng "vài ngày nữa"

 

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Cannes vào tuần trước, ông Silvio Berlusconi không mấy hào hứng trong các cuộc đàm phán tìm cách ngăn chặn Italia trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro. Ông thậm chí còn thiếp đi và chỉ thức tỉnh nhờ những cái huých tay của các quan chức khác. Tất cả nói lên sự thiếu vắng về mặt lãnh đạo chính trị trong sứ mệnh lèo lái nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng tiền chung châu Âu, khi nó có vẻ như đang sắp chìm một cách vô phương cứu chữa.

 

Các nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu đều cho rằng ông Berlusconi chính là hiện thân của vấn đề ở Italia và ông càng ra đi sớm bao nhiêu thì những cải cách về cấu trúc và tài chính càng có thể được thực hiện sớm bấy nhiêu. Mối đe dọa vỡ nợ của Italia cũng được loại bỏ.

 

Tổng thống Italia Giorgio Napolitano cho biết Thủ tướng Berlusconi sẽ từ chức trong vòng "vài ngày nữa", nhằm xóa tan "nghi ngờ và hiểu nhầm" về cam kết từ chức của vị thủ tướng nắm quyền 17 năm. Tổng thống Italia cũng cho biết sẽ không có chậm trễ trong việc thông qua các cải cách kinh tế, như  yêu cầu của các đối tác khu vực đồng tiền chung euro.

Song thật không may, đây chỉ là mơ tưởng. Ông Berlusconi, người bị xem là đã sống sót qua số cuộc đảo chính trong suốt nhiều năm qua bằng với số “tình nhân” của ông, sẽ sớm từ chức. Quy mô thách thức kinh tế nước ông phải đối mặt, và áp lực do trục Pháp – Đức, cuối cùng đã bật từ nắm tay của Berlusconi sang hệ thống chính trị của nước này.

 

Mặc dù ông Berlucsoni có thể chưa kiềm tỏa được nền kinh tế với tình trạng thạm nhũng nặng nề ở Italia, nhưng việc loại bỏ ông chưa chắc đã mang đến được điều gì ngoài sự khuây khỏa trong ngắn hạn. Không có lý do gì để tin rằng người kế nhiệm ông sẽ có khả năng đưa ra được những cải cách cần có.

 

Xét về tất cả các sai lầm, chính phủ của ông Berlusconi nằm trong số chính phủ ổn định hơn thời hậu chiến. Về mặt triết lý, chính phủ của ông đã ủng hộ cải cách thị trường tự do. Chính vì vậy mà việc ông ra đi chắc chắn đồng nghĩa với việc quay lùi trở lại những bất ổn chính trị trong quá khứ.

 

Ngay cả khi một chính phủ đoàn kết dân tộc hoàn hảo được thành lập, nó cũng sẽ không giải quyết được khó khăn cơ bản, đó là thực chất không phải do Italia phản đối cải cách, mà chính là đồng euro. Điểm mấu chốt là Italia đang bị đặt "nhầm" đồng tiền tệ. Các nền kinh tế hoàn toàn có thể phục hồi được khả năng cạnh tranh qua các biện pháp sửa chữa khắc khổ mà khu vực đồng tiền chung châu Âu đã “kê toa” – trong đó có cắt giảm lương, cắt giảm chi tiêu – nhưng thiệt hại về chính trị, xã hội của những sửa chữa đó sẽ là rất lớn.

 

Là thành viên của một đồng tiền chung có nghĩa là Italia không thể tái khởi động nền kinh tế qua các cơ chế phá giá và lạm phát. Thay vào đó họ phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng kéo dài, giảm phát và thất nghiệp gia tăng.

 

Do vậy chấm dứt thời kỳ của Berlusconi có thể trả lại cho Italia chút kiêu hãnh, nhưng hoàn toàn không giải quyết được vấn đề gì.

 

Phan Trung

Theo Telegraph