1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bệnh viện vỡ trận, Indonesia đứng trước thảm kịch Covid-19 "tồi tệ nhất"

Thành Đạt

(Dân trí) - Indonesia đang kêu gọi sự giúp đỡ từ các nước láng giềng trong bối cảnh nguồn cung ôxy cho các bệnh nhân Covid-19 bị cạn kiệt.

Bệnh viện vỡ trận, Indonesia đứng trước thảm kịch Covid-19 tồi tệ nhất - 1

Nhân viên y tế hướng dẫn tình nguyện viên xử lý thi thể nạn nhân Covid-19 tại Solo, Indonesia (Ảnh: Reuters).

Indonesia đang phải vật lộn để kiềm chế sự bùng phát của dịch Covid-19 và giữ cho hệ thống y tế vốn mong manh của nước này không bị sụp đổ. Bộ Y tế Indonesia ngày 6/7 cho biết nước này ghi nhận thêm 31.189 ca nhiễm mới và 728 ca tử vong vì Covid-19 - cả hai đều là con số kỷ lục được ghi nhận trong một ngày tại Indonesia.

Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng hơn 2,3 triệu ca nhiễm và hơn 61.800 ca tử vong, trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trong khu vực. Đợt bùng phát dịch mới khiến hệ thống y tế của Indonesia có nguy cơ "vỡ trận".

Đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng hơn, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan ngày 6/7 nói rằng nước này đã có sự chuẩn bị để đảm bảo nguồn cung ôxy, thuốc men và cơ sở vật chất tại bệnh viện. Ông Luhut cho biết Indonesia đã "liên lạc với Singapore, Trung Quốc và nhiều nguồn khác".

"Chúng tôi đã đặt mua 10.000 máy tạo ôxy từ Singapore, trong đó một số máy đang được vận chuyển bằng máy bay vận tải Hercules", quan chức Indonesia cho biết thêm.

Ông Luhut cảnh báo Indonesia có thể sẽ phải đối mặt với kịch bản "tồi tệ nhất", khi số ca nhiễm trong một ngày có thể lên tới 40.000 - 50.000 người. Ông Luhut cho biết cơ sở hạ tầng lưu trú, bao gồm các tòa nhà bỏ trống, có thể được chuyển đổi thành các cơ sở cách ly trong tình huống xấu nhất.

Các đảo Java và Bali - khu vực ghi nhận 70% tổng số ca nhiễm trong cả nước - đang bị phong tỏa cho đến ngày 20/7 để hạn chế sự lây lan của virus. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng phát dịch tại Indonesia được cho là do hoạt động đi lại vào dịp lễ và biến thể Delta với tốc độ lây lan đáng báo động.

Indonesia ngày 6/7 cũng thắt chặt các biện pháp chống dịch ở 20 tỉnh khác.

Bệnh viện vỡ trận, Indonesia đứng trước thảm kịch Covid-19 tồi tệ nhất - 2

Bình ôxy được vận chuyển tới một cơ sở ôxy ở Jakarta (Ảnh: AFP).

Chính quyền thủ đô Jakarta cũng đang chuẩn bị cho sự gia tăng đột biến số ca nhiễm do biến thể Delta, cảnh báo số người mắc Covid-19 có thể lên đến hơn 50.000 trường hợp mỗi ngày.

90% giường bệnh tại các bệnh viện ở Jakarta đã kín chỗ. Trong khi đó, hơn 10 cơ sở ở Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, hiện cũng đã kín chỗ và không tiếp nhận thêm bệnh nhân.

Một người phát ngôn của bệnh viện ở Surabaya đã mô tả tình trạng quá tải phòng điều trị tích cực dành cho bệnh nhân Covid-19 và các bác sĩ bị kiệt sức, trong đó một số người bị nhiễm bệnh.

"Bệnh viện không còn phòng cho những bệnh nhân cần máy thở. Các phòng điều trị tích cực cũng đã kín chỗ. Chúng tôi quá tải. Nhiều nhân viên y tế của chúng tôi đã gục ngã vì kiệt sức và một số cũng bị nhiễm bệnh. Chúng tôi đang cố gắng kêu gọi các tình nguyện viên giúp đỡ vì nhiều nhân viên y tế bị suy sụp", người phát ngôn cho biết.

Gần 1.000 nhân viên y tế Indonesia đã chết vì Covid-19, trong đó một số người đã được tiêm chủng đầy đủ.

Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, hơn 30 bệnh nhân đã chết tại một bệnh viện ở thành phố Yogyakarta hôm 3/7 khi cơ sở này tạm hết ôxy dự trữ.

"Biến thể Delta là một đòn giáng mạnh vào hệ thống y tế của chúng tôi... Không có cách nào để kiểm soát tình hình với cấp độ xét nghiệm như hiện tại", chuyên gia y tế công cộng Hermawan Saputra cho biết.

Chính phủ Indonesia cho biết số vụ chôn cất thi thể nạn nhân Covid-19 trong ngày ở Jakarta đã tăng gấp 10 lần kể từ tháng 5.

Indonesia đang nỗ lực tiêm chủng hơn 180 triệu dân trước đầu năm tới. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ khoảng 5% dân số Indonesia đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm