Hàng loạt bệnh nhân Covid-19 Indonesia chết trong "cơn khát" ôxy
(Dân trí) - Nguồn cung ôxy y tế tại Indonesia ngày càng cạn kiệt, trong khi số bệnh nhân Covid-19 cần ôxy liên tục tăng lên.
"Do lượng ôxy cần thiết tăng gấp 3-4 lần, việc phân phối đã bị cản trở", Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến hôm nay 5/7.
Bộ trưởng Pandjaitan cho biết chính phủ Indonesia đang yêu cầu các nhà sản xuất ôxy dành toàn bộ nguồn cung của họ cho nhu cầu y tế và sẽ nhập khẩu ôxy nếu cần.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikit cho biết chính phủ sẽ đảm bảo nguồn cung ôxy cho bệnh nhân Covid-19 tại nước này.
Ít nhất 63 bệnh nhân Covid-19 đã tử vong trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Dr Sardjito ở thành phố Yogyakarta kể từ ngày 3/7, trong đó có 33 người chết khi bệnh viện tạm dừng cung cấp ôxy lỏng.
Nguồn cung ôxy của bệnh viện hoạt động trở lại vào 4h45 sáng 4/7, sau khi 15 tấn ôxy lỏng được chuyển đến.
Bệnh viện cho biết họ đã tìm kiếm thêm nguồn cung ôxy trong nhiều ngày trước khi sự cố xảy ra, nhưng hàng loạt bệnh nhân mắc Covid-19 từ ngày 2/7 đã tiêu thụ ôxy nhanh hơn dự kiến, khiến nguồn cung bị cạn kiệt.
Thống đốc thành phố Yogyakarta, Sri Sultan Hamengkubuwono X, cho biết các bệnh viện cần nhiều ôxy hơn trước do số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng.
"Chúng tôi cần cung cấp nhiều ôxy hơn. Nhưng không có nghĩa là không có nguồn cung nào", ông Hamengkubuwono cho biết.
Chính phủ Indonesia đã yêu cầu các nhà sản xuất tăng cường nguồn cung ôxy y tế,
"Chúng tôi cũng hy vọng mọi người không tích trữ oxy", Siti Nadia Tarmizi, quan chức Bộ Y tế Indonesia, cho biết.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới, đã ghi nhận sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 trong 2 tuần qua. Bộ Y tế Indonesia ghi nhận 27.233 ca nhiễm mới và 555 trường hợp tử vong vì Covid-19 hôm 4/7.
Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng hơn 2,2 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 60.500 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Pandjaitan cho biết thời gian ủ bệnh đồng nghĩa với việc số người nhiễm bệnh sẽ liên tục tăng cho đến giữa tháng 7.
"Số ca nhiễm có thể tăng trở lại trong tương lai nếu chúng ta không siết chặt kiểm soát", ông Pandjaitan nói.
Các đảo Bali và Java - bao gồm cả thủ đô Jakarta - đã bị phong tỏa khẩn cấp từ ngày 3/7 để hạn chế sự lây lan của virus.
Các bệnh viện trên khắp Java đang đứng trên bờ vực sụp đổ do sự lây lan của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ.
Tại Jakarta, chính phủ cho biết đám tang bệnh nhân Covid-19 đã tăng gấp 10 lần kể từ đầu tháng 5, với 392 đám tang chỉ tính riêng trong ngày 3/7.
Chính phủ Indonesia đang xây dựng bệnh viện dã chiến tại một sân vận động ở Jakarta, nơi sẽ cung cấp thêm 5.000 giường bệnh. Chính phủ cũng đang tìm cách tuyển dụng các y tá và bác sĩ mới tốt nghiệp trên khắp cả nước nhằm hỗ trợ điều trị bệnh nhân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Bắt đầu từ ngày 6/7, Indonesia sẽ hạn chế số lượng du khách nước ngoài, chỉ cho phép những người đã được tiêm chủng đầy đủ và xét nghiệm âm tính nhập cảnh. Du khách sẽ phải trải qua 8 ngày cách ly sau khi nhập cảnh.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, mặc dù Indonesia đã bắt đầu triển khai tiêm chủng từ tháng 1, nhưng tiến độ tiêm chủng tại nước này vẫn diễn ra chậm chạp, khi chỉ có 5,14% dân số được tiêm chủng đầy đủ tính đến thời điểm hiện tại.