1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Belarus nêu giải pháp duy nhất chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhà ngoại giao Belarus cho rằng đàm phán vẫn là giải pháp khả thi nhất cho cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.

Belarus nêu giải pháp duy nhất chấm dứt xung đột Nga - Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine chiến đấu ở thành phố Bakhmut (Ảnh: Reuters).

"Belarus tin rằng cơ hội duy nhất để chấm dứt xung đột là bắt đầu đàm phán ngay lập tức mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Tổng thống Belarus (Alexander Lukashenko) đã nhiều lần tuyên bố điều này trong suốt cuộc xung đột kéo dài một năm qua", Trưởng phái đoàn Belarus tại Liên hợp quốc Valentin Rybakov phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 22/2.

Các cuộc đàm phán cho đến nay vẫn bế tắc do lập trường khác biệt giữa các bên. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Kiev phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Điều này có nghĩa là Ukraine phải công nhận việc 4 vùng ly khai ở Ukraine, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, đã sáp nhập vào Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 11 năm ngoái đã công bố công thức hòa bình gồm 10 điểm tại hội nghị thượng đỉnh G20, trong đó yêu cầu Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch tại Ukraine.

Tổng thống Lukashenko từng nói rằng, Belarus coi xung đột giữa hai "dân tộc anh em" Nga và Ukraine là một thảm kịch lớn. Ông nhận định cuộc chiến này là hệ quả trực tiếp của những toan tính chiến lược chủ yếu của phương Tây.

Tổng thống Lukashenko khẳng định Belarus đã rất nỗ lực để ngăn chặn xung đột. Ông cũng tuyên bố, tuy là đồng minh của Nga, song Belarus sẽ không tham chiến ở Ukraine.

Belarus có chung đường biên giới dài 1.085km với Ukraine và cách thủ đô Ukraine tại điểm gần nhất chưa đầy 100km. Belarus cũng là đồng minh thân cận của Nga, cho phép Nga triển khai hàng chục nghìn binh sĩ diễn tập quân sự từ trước khi Moscow mở chiến dịch ở Ukraine. 

Phương Tây nhiều lần cáo buộc Belarus sẽ điều quân đến Ukraine để tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow. Tổng thống Lukashenko đầu tháng này tuyên bố, quân đội Belarus sẵn sàng chiến đấu cùng Nga nếu một nước khác tấn công Belarus. Ông Lukashenko khẳng định Nga và Belarus có lực lượng hiệp đồng quân sự, nhưng Moscow chưa bao giờ đề nghị Minsk tham gia cuộc chiến chống lại Ukraine. 

Chính quyền Tổng thống Lukashenko khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất của Minsk là ngăn chặn xung đột lan sang lãnh thổ Belarus, đồng thời bảo vệ người dân nước này khỏi nguy cơ bị tấn công từ các quốc gia không thân thiện trong khu vực.

Tổng thống Belarus ngày 20/2 thông báo, ông đã ra lệnh thành lập lực lượng phòng vệ lãnh thổ tình nguyện mới để mọi người biết cách sử dụng vũ khí và sẵn sàng đáp trả hành vi xâm lược cũng như giữ gìn an ninh trong thời bình.

"Tình hình hiện không dễ dàng. Tôi từng nói rằng, tất cả mọi người ít nhất cũng nên biết sử dụng vũ khí, ít nhất để bảo vệ gia đình mình, ngôi nhà của mình, mảnh đất của mình, đất nước của mình", ông Lukashenko nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin ước tính lực lượng mới sẽ gồm khoảng 100.000-150.000 thành viên. Con số này có thể tăng lên nếu nhiều người tình nguyện tham gia.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế năm 2022, Belarus hiện có khoảng 48.000 quân nhân chuyên nghiệp và khoảng 12.000 lính biên phòng.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine