1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bầu cử Thái Lan trước giờ G: Đua nhau đổi tên thành Thaksin, Yingluck để dễ trúng cử

(Dân trí) - Nhằm thu hút sự chú ý và thuyết phục nhóm đông đảo cử tri vẫn ủng hộ hai cựu thủ tướng sống lưu vong Thaksin và Yingluck Shinawatra, nhiều ứng viên đã lấy tên của anh em họ dùng trong khẩu hiệu tranh cử của mình trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan vào ngày 24/3 tới.

thaksin.jpg
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin và bà Yingluck Shinawatra tại Tokyo hồi tháng 3 năm ngoái. (Ảnh: SCMP)


Người dân ở vùng quê Nakhon Ratchasima (Thái Lan) vô cùng thích thú với khẩu hiệu tranh cử giăng dọc các tuyến đường ở đây khi cuộc tổng tuyển cử đang đến rất gần: "Thaksin đến đây". Đó là khẩu hiệu tranh cử của một người đàn ông tên Thaksin nhưng không phải cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Người đàn ông này mới chỉ đổi tên thành Thaksin khoảng hơn 1 tháng qua, còn 55 năm trước đó tên của ông là Sathitkhun.

"Vì sao tôi thay tên thành Thaksin ư? Mọi người có biết tôi không? Có, họ có biết, nhưng không nhiều người biết. Bây giờ cứ đi đến đâu, tôi sẽ nói "xin chào các bạn, Thaksin đây", và mọi người rất chào đón tôi", ông Sathitkhun cho biết với hãng tin Channel News Asia.

thaksin 2.PNG
Chính trị gia Sathitkhun đổi tên thành Thaksin Kuankoksung. (Ảnh: CNA)

Ông Sathitkhun chính thức đổi tên hợp pháp thành Thaksin hôm 31/1, gần 3 tháng trước cuộc bầu cử vào ngày 24/3 tới. Đây được coi là một quyết định chiến lược nhằm thu hút sự ủng hộ của cộng đồng cử tri Thái Lan vẫn mong muốn gia tộc Shinawatra trở lại chính trường.

“Mọi người không biết nhiều về chúng tôi với tên cha sinh, mẹ đẻ. Chúng tôi cần họ biết đến mình. Chúng tôi quyết định tạo ra “thương hiệu”, ông Sathitkhun nói.

Ở vùng Isaan, đông bắc Thái Lan, gia tộc Shinawatra vẫn được cử tri ngưỡng mộ mặc dù anh em Thaksin và Yingluck Shinawatra đều phải sống lưu vong để tránh bị luận tội trong nước. Sở dĩ họ vẫn nhận được sự ủng hộ là nhờ các chính sách dân túy có lợi cho các cộng đồng người nghèo, vùng nông thôn.

“Người nghèo và người dân ở các vùng nông thôn vẫn rất yêu mến anh em Thaksin, Yingluck. Tôi tin rằng, không có người dân Isaan nào không yêu mến Thaksin”, Thaksin Kuankoksung, một ứng viên khác đổi tên theo cựu thủ tướng nhà Shinawatra, cho biết.

thaksin 3.PNG
Cô Kanokwan Petraska đổi tên thành Yinglak. (Ảnh: CNA)

Trong khi nhiều ứng viên nam có xu hướng đổi tên thành Thaksin, thì ứng viên nữ cũng đổi tên thành Yingluck. Cô Kanokwan Petraska làm trong chính quyền cấp địa phương hơn 20 năm qua, song cô coi cựu thủ tướng Thaksin là hình mẫu với hy vọng bước cao hơn trong nấc thang sự nghiệp.

Do vậy, cô quyết định đổi tên theo tên của em gái ông Thaksin, cựu thủ tướng Yingluck. Tên trên căn cước của cô chính thức là Yinglak. Cô hy vọng việc đổi tên này có thể mang lại kết quả tốt cho cô và đảng của cô trong cuộc bầu cử sắp tới.

Ông Thaksin từng giữ chức thủ tướng Thái Lan trong giai đoạn 2001-2006 trước khi bị phế truất. Ông đang sống lưu vong để tránh bị luận tội ở Thái Lan.

Bà Yingluck, em gái ông Thaksin, được bầu làm thủ tướng năm 2011. Bà cũng bị tòa án phế truất vào năm 2014 vì chính sách trợ giá lúa gạo gây thiệt hại hàng tỷ USD cho chính phủ. Mặc dù sống lưu vong để tránh bị luận tội, song anh em nhà Shinawatra được cho là vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến chính trường Thái Lan.

Minh Phương
Theo CNA

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm