1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bầu cử Mỹ 2020: Trận chung kết bắt đầu

Cuộc đua tranh ghế Tổng thống tại Mỹ đã thực sự nóng! Bầu cử Mỹ 2020 mang nhiều điểm độc đáo và đặc biệt, với khác biệt căn bản so với cuộc đua 4 năm về trước. Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.

Bầu cử Mỹ 2020: Trận chung kết bắt đầu - 1

Bầu cử Mỹ 2020: Cái đặc biệt và độc đáo của ganh đua không chỉ ở hình thức vận động trực tuyến mà còn ở thực trạng chính trị xã hội hiện tại ở nước Mỹ. (Nguồn: AP/TTXVN)

Hai đảng phái chính trị lớn nhất và có đại diện thay nhau cầm quyền ở nước Mỹ từ khi lập quốc đến nay tiến hành đại hội đảng để chính thức đề cử ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống của đảng cho cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ.

Cuộc đua độc đáo năm 2020

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra đã buộc cả hai phải từ bỏ cách tổ chức sự kiện lớn này như truyền thống xưa nay và tạo tiền lệ mới là tổ chức đại hội đảng trực tuyến. Phía Đảng Dân chủ đề cử cựu phó tổng thống Joe Biden làm ứng cử viên tổng thống và nữ thượng nghị sỹ Kamala Harris làm ứng cử viên phó tổng thống. Phe Đảng Cộng hoà đưa vào cuộc đua quyền lực này cặp bài trùng cũ là tổng thống đương nhiệm Donald Trump và phó tổng thống đương tại vị Mike Pence. Như vậy có thể nói trận chung kết quyền lực năm nay giữa hai đảng này đã bắt đầu, hai tháng rưỡi trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở Mỹ.

Bốn năm trước, nước Mỹ chứng kiến cuộc ganh đua giành quyền lực cao nhất ở Mỹ đặc biệt chưa từng thấy trong lịch sử đất nước. Lần đầu tiên có một phụ nữ là ứng cử viên tổng thống - nữ thượng nghị sỹ Hillary Clinton thuộc phe Đảng Dân chủ - và cũng lần đầu tiên có ứng cử viên tổng thống chưa từng hoạt động chính trị và chưa từng đảm trách bất cứ chức vụ lớn nhỏ nào trong bộ máy công quyền nhà nước - tỷ phú Donald Trump ở phía Đảng Cộng hoà. Khi ấy, gần như tất cả mọi dự báo đều cho rằng bà Clinton sẽ đắc cử. Kết quả bầu cử cuối cùng là bà Clinton có được đa số phiếu bầu phổ thông, vượt xa ông Trump, nhưng lại thua xa ông Trump về số lượng đại cử tri.

 

Năm nay, cái đặc biệt và độc đáo của cuộc ganh đua quyền lực này không chỉ ở hình thức vận động tranh cử trực tuyến mà không ít người coi như mở ra kỷ nguyên mới về vận động tranh cử ở Mỹ mà còn ở thực trạng chính trị xã hội hiện tại ở nước Mỹ và ở đề cử nhân sự của phía Đảng Dân chủ. Nếu đắc cử tổng thống thì ông Biden vào thời điểm chính thức nhậm chức sẽ 78 tuổi và sẽ là tổng thống cao tuổi nhất của nước Mỹ khi bắt đầu cầm quyền.

Với bà Harris, lần đầu tiên có người phụ nữ da đen và gốc nước ngoài - cha người Jamaica và mẹ người Ấn Độ - được một chính đảng lớn đề cử làm ứng cử viên phó tổng thống. Cái khó đối với ông Trump là không thể dùng cách đối phó ông Biden lâu nay để đối phó bà Harris. Qua những phát ngôn của ông Trump về bà Harris kể từ sau khi người phụ nữ này được ông Biden mời tham gia liên danh tranh cử thì có thể thấy ông Trump chưa có được cách thích hợp để đối phó bà Harris.

Ba khác biệt của bầu cử Mỹ 2020

So với cách đây 4 năm, cuộc tranh cử tổng thống hiện tại ở nước Mỹ có 3 khác biệt rất cơ bản.

Thứ nhất, nội bộ phe Đảng Dân chủ ở lần vận động tranh cử tổng thống này đoàn kết thống nhất hơn nhiều và điều này có lợi rất quan trọng đối với cặp đôi Biden/Harris. Dẫu là cánh tả xung quanh nữ thượng nghị sỹ Elizabeth Warren hay phe cấp tiến của thượng nghị sỹ Bernie Sanders, tất cả đều có chung mục tiêu với phe của ông Biden và bà Harris là không để cho ông Trump tiếp tục cầm quyền, là chủ trương giành quyền làm chủ Nhà Trắng trước và xử lý chuyện bất đồng quan điểm nội bộ sau. Như thế có nghĩa là ông Trump phải đấu với phe Đảng Dân chủ mạnh hơn cách đây 4 năm rất đáng kể cả về cương lĩnh tranh cử lẫn đoàn kết thống nhất nội bộ.

Thứ hai, chưa khi nào mà ứng cử viên phó tổng thống, ở đây cụ thể là bà Harris, lại đóng vai trò quan trọng, thậm chí còn cả rất quyết định nữa, trong cuộc vận động tranh cử. Bà Harris có thể giúp ông Biden tranh thủ được cả bộ phận cử tri lần trước không bỏ phiếu bầu bà Clinton hoặc không tham gia bầu cử lẫn bộ phận cử tri nhất định bốn năm trước đã bầu ông Trump nhưng rồi thất vọng về ông Trump.

Điều có thể chắc chắn được là diện cử tri là người da mầu và gốc nước ngoài, phụ nữ và cả ở vùng nông thôn hay ngoại ô thành thị nữa sau cái chết bi thảm của người đàn ông da mầu 46 tuổi George Floyd ở Minneapolis sẽ thiên về bầu ông Biden vì có bà Harris trong liên danh tranh cử. Có thể thấy là phe Đảng Dân chủ năm nay đã thức thời và rất cầu thị khi hết sức tránh những sai lầm và bài học thất bại của bà Clinton hồi năm 2016. Với cách thức vận động tranh cử như thời ganh đấu với bà Clinton, ông Trump khó lòng có thể thắng nổi cặp đôi Biden/Harris. Hiện tại, ông Trump có thời gian hai tháng rưỡi để thay đổi chiến lược và sách lược vận động tranh cử.

Thứ ba, bốn năm trước, ông Trump nhảy từ thương trường vào chính trường và cử tri Mỹ chưa được trải nghiệm năng lực và bản lĩnh lãnh đạo đất nước của ông Trump. Bây giờ, dân Mỹ thấm thía khi thành quả cầm quyền của ông Trump không nhiều nhặn và đáng kể gì, đặc biệt qua cách thức ông Trump đối phó dịch bệnh. Thực trạng chính trị, kinh tế và xã hội hiện tại ở nước Mỹ bất lợi rất cơ bản đối với ông Trump mà ông Trump gần như tự sa vào tình trạng ấy. Nhờ thế, phe Đảng Dân chủ trong chừng mực nhất định nhưng rất quyết định chẳng khác gì "ngồi mát ăn bát vàng".

Trước nguy cơ rất thực tế là bị thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ông Trump rồi đây sẽ tăng cường thái cực hoá cuộc vận động tranh cử và cực đoan hoá chiêu bài dân tuý. Hai chiêu thức vận động tranh cử này càng thêm quyết định đối với ông Trump khi khả năng nước Mỹ có được vaccine phòng ngừa dịch bệnh trước ngày bầu cử tổng thống mỗi lúc càng thêm mong manh, triển vọng kinh tế Mỹ phục hồi tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp giảm càng thêm mờ mịt.

Ông Trump sẽ dùng đối ngoại để phục vụ đối nội và tập trung chủ yếu vào việc chơi con bài Trung Quốc bởi gần như mọi hồ sơ đối ngoại khác như vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và Iran, rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan, Trung Đông hay Syria, Venezuela hay Cuba, EU và NATO hay Nga..... đều không còn là những chủ đề nội dung thu hút mỗi quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ trong những ngày tháng diễn ra trận chung kết này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm