1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những tên lái buôn "Giấc mơ châu Âu” (*):

Bất ngờ với “người vận chuyển”

Trên đường đến miền đất hứa Tây Âu, những người tị nạn cần đến “người vận chuyển” đường biển và đường bộ. Đây là cơ hội vàng cho các băng nhóm buôn người làm giàu.

Trong giới lái buôn “giấc mơ châu Âu” có thành phần gọi là “người vận chuyển” - chuyên đưa người tị nạn vượt biển, vượt biên giới đất liền bằng những phương tiện bình dân. Thành phần này rất đa dạng, bành trướng cấp số nhân theo làn sóng nhập cư ồ ạt vào các nước châu Âu mấy tháng gần đây.

Đội quân lái mô tô nước

Một trong những con đường nhập cư lậu vào Tây Ban Nha từ Morocco là eo biển Gibraltar với khoảng cách hẹp nhất chỉ có 13 km. Đây là vùng biển sầm uất, nhiều tàu bè các nước qua lại. Chỉ cần 20 phút, “người vận chuyển” có thể đưa người tị nạn từ Morocco đến Tây Ban Nha bằng mô tô nước.

Mô tô nước là phương tiện buôn lậu hàng hóa tồn tại từ nhiều năm qua tại eo biển này. Hàng hóa phổ biến lúc bấy giờ là thuốc lá và cần sa. Và bây giờ là người tị nạn. Thời đại mới, cơ hội làm ăn mới. Điểm xuất phát là một điểm nào đó ở Morocco. Điểm đến là một bãi tắm du lịch bình dân, đặc biệt là bãi biển gần khu resort thị trấn Tarifa của Tây Ban Nha.

Đến nơi, người tị nạn đóng vai du khách hòa lẫn vào đám đông với cơ hội trót lọt khá lớn. Tuy nhiên, nếu giữa đường gặp phải tàu canô của cảnh sát tuần tra Tây Ban Nha, “người vận chuyển” không ngần ngại đẩy khách xuống biển “sống chết mặc bay” rồi quay đầu chạy trối chết về phía Morocco.

Một cuộc hải trình như vậy được thực hiện trong đêm tối, có khi giữa ban ngày, với giá trung bình 4.000 euro/người. Một chiếc có thể chở ba (tính luôn người lái). Nguy hiểm và tốn kém như vậy nhưng nhiều người tị nạn có tiền (dạng tị nạn kinh tế) vẫn chọn vì nói cho cùng thì nhanh hơn, tiện nghi hơn so với bị nêm như cá mòi trên tàu đánh cá bé xíu hoặc chui rúc trong thùng container xe tải đường dài hay giấu mình trong vali suốt 5 giờ trên một chiếc phà đi biển để rồi có thể chết đuối, chết ngạt như đã từng xảy ra.

Bất ngờ với “người vận chuyển” - 1

Mô tô nước chở người tị nạn vượt eo biển Gibralta. (Ảnh: TELEGRAPH)

Cuối tháng 8 vừa qua, cảnh sát biển Tây Ban Nha đã bắt được 15 tên đang chở khách vượt biển trong đêm. Phương tiện vận chuyển mới này khiến Tây Ban Nha điên đầu, phải tăng cường lực lượng tuần tra biển (đồng nghĩa với tăng ngân sách) nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư lậu đang có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng sau khi EU bắt buộc phải mở cửa biên giới đón người tị nạn, chủ yếu là người Syria.

Đưa người tị nạn trong nước đến Tây Ban Nha bằng mô tô nước có vẻ như là một cách làm ăn cò con. Chỉ cần sở hữu một chiếc mô tô nước, một người Morocco bình thường có thể cải thiện đời sống, kiếm được nhiều tiền mà không quá nguy hiểm như buôn lậu ma túy. Thực ra, theo nhà chức trách Tây Ban Nha, việc đưa người vượt biển bằng phương thức mới mẻ này được tổ chức quy củ và hầu hết những “người vận chuyển” nằm trong một đường dây buôn người hẳn hoi.

Con đường đau khổ mang tên Balkan

Hôm 27-8-2015, cảnh sát Áo phát hiện một chiếc xe đông lạnh chở 71 người tị nạn mang giấy tờ Syria đi từ Hungary đến Đức. Tất cả đều bị chết ngạt, trong đó có 8 phụ nữ và 4 trẻ em. Sự kiện bi thương này nhắc nhở mọi người một thực tế bẽ bàng: Tránh đường biển quá nguy hiểm vì tai nạn chìm tàu hoặc bị chủ tàu vô lương tâm bỏ rơi giữa biển dễ chết đuối, nhiều người tị nạn chọn “đường Balkan” mà họ tin rằng ít nguy hiểm hơn.

Đó là con đường bộ trải dài từ đảo Kos (Thổ Nhĩ Kỳ) qua Hy Lạp, Macedonia, Serbia, Hungary, Áo tới Đức, Đan Mạch và Thụy Điển. Phần lớn những người tị nạn ít tiền hiện đang đổ như thác lũ vào con đường đau khổ này. Đường dài vạn dặm không thể đi bộ, họ rất cần “người vận chuyển” từ nước này sang nước khác.

Đây chính là cơ hội kiếm tiền của nhiều người dân Macedonia, Serbia và Hungary không nằm trong “giấc mơ châu Âu” và chính phủ cũng không muốn cưu mang họ. Một thị trường mang lại hàng chục triệu euro cho những “người vận chuyển” nghiệp dư nói riêng và chuyên nghiệp nói chung.

Zsuzsanna Zsohar, người phát ngôn của Tổ chức Migration Aid, cho biết Budapest - thủ đô Hungary - là điểm dừng quan trọng nhất của dòng người tị nạn. Tại đây, họ thường ở lại 4-5 ngày, bán một mớ vật dụng quý giá hoặc chờ người nhà chuyển ngân lấy tiền mướn “người vận chuyển” đến trạm cuối là Áo trước khi tới Đức. “Trong 6 tháng qua, không dưới 100.000 người tị nạn đã tới đây. Cứ tính trung bình mỗi người bỏ ra ít nhất 500 euro mướn xe chở tới Budapest thì sẽ thấy thị trường này lớn biết dường nào” - bà Zsohar nhấn mạnh.

Ở Hungary, thu nhập bình quân của người dân là 500 euro. Vì vậy, thật dễ hiểu khi số người có xe tải nhỏ hăng hái đưa người qua biên giới là rất lớn. Hầu hết những chiếc xe này mang biển số Đức, không có cửa sổ, thường chở quá tải, hoạt động nhộn nhịp nhất ở biên giới Serbia - Hungary, nơi bọn buôn người cắm dùi từ lâu.

“Giấc mơ châu Âu” của những người tị nạn thành hay bại tùy thuộc vào số “người vận chuyển” này.

(Kỳ tới: Gian nan phòng chống)

Quái xế Bulgaria

Không nằm gần trục chính đường Balkan dẫn đến các nước Tây Âu nhưng vai trò của những “người vận chuyển” Bulgaria lại thuộc hàng then chốt. Trong số 6 nghi phạm bị bắt liên can đến cái chết bi thảm của 71 người tị nạn Syria hôm 28-8 có đến 5 người Bulgaria, mặc dù những nạn nhân không hề quá cảnh Bulgaria. Điều này không lạ đối với Frontex - cơ quan phòng chống nhập cư lậu của EU. Nằm giữa Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria là nơi có nhiều băng nhóm tội phạm dày dạn kinh nghiệm trong việc buôn lậu ma túy và buôn người giữa lòng EU.

Bulgaria cũng nổi tiếng trong việc vận chuyển hàng hóa quốc tế đường bộ. Xe tải đường dài của nước này chỉ đứng sau Thổ Nhĩ Kỳ về số lượng. Ngược lại, tài xế Bulgaria có ưu thế hơn tài xế Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều nhờ mang hộ chiếu EU. Xuất thân nghèo khó càng khiến họ liều lĩnh hơn. Trong bối cảnh hơn 340.000 người tị nạn tìm đường đến các nước Tây Âu giàu có từ đầu năm tới nay, đây chính là cơ hội làm giàu của các tổ chức buôn người Bulgaria.

Theo Nguyễn Cao

Người Lao động

Bất ngờ với “người vận chuyển” - 2