1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cung đường tử thần của những kẻ buôn người

Vụ lực lượng an ninh Ai Cập bắn nhầm du khách khiến ít nhất 12 du khách thiệt mạng xảy ra cách đây vài ngày khiến không ít người bàng hoàng. Nhưng thực tế cho thấy đây là một thực trạng đã diễn ra từ lâu trên tuyến đường vận chuyển người và buôn lậu đầy tai tiếng ở quốc gia Bắc Phi này.

Cung đường tử thần của những kẻ buôn người - 1

Ốc đảo Siwa trở thành điểm dừng chân không thể thiếu trên tuyến đường buôn lậu vượt biên.

Tuyến đường buôn người trên sa mạc

Có ít nhất 2 nạn nhân thiệt mạng là du khách mang quốc tịch Mexico - Bộ Ngoại giao Mexico cho hay. Một tuyên bố của cơ quan này nói rằng, những người này bị bắn chết trong tình huống “chưa được làm rõ”. Ngoài ra còn có 10 người khác bị thương, trong đó có 5 người Mexico. Tất cả đã được đưa vào bệnh viện.

Sự việc nghiêm trọng xảy ra tại khu vực sa mạc phía Tây của Ai Cập, nơi mà chính quyền gần như bất lực trong việc ngăn chặn các tổ chức phiến quân từ Libya vượt biên giới tràn vào nước này.

Vùng sa mạc phía Tây của Ai Cập, được tính từ sông Nile trải dọc từ Bắc xuống Nam, chiếm đến 90% diện tích của nước này. Không chỉ có cát và cát bao phủ, trên vùng sa mạc có vô số các ốc đảo nhỏ mà từ xa xưa đã được người ta đặt cho cái tên “những hòn đảo thiêng” và được xem như những điểm dừng chân tuyệt hảo trên tuyến đường này.

Ốc đảo nằm xa nhất trong số này có tên Siwa, cách sông Nile khoảng 640 km và cách bờ biển Địa Trung Hải khoảng 320 km, được bao quanh bởi hàng nghìn km vuông sa mạc. Từng được coi như trạm trung chuyển của các đoàn lữ hành trong nhiều thế kỷ qua, giờ Siwa cũng được người dân xem như một điểm dừng chân không thể thiếu trên tuyến đường sang Libya.

Các thương nhân, người hành hương hay quân đội cũng thường xuyên sử dụng nguồn cung cấp nước, hoa quả từ ốc đảo Siwa khi phải băng qua một trong những vùng sa mạc khắc nghiệt nhất của Sahara. Du khách nổi tiếng nhất từng đặt chân đến ốc đảo này có lẽ là Alexander Đại đế từ hồi thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.

Cung đường tử thần của những kẻ buôn người - 2

Nhân công Ai Cập bất chấp nguy hiểm để đến Libya kiếm việc làm mong thoát cảnh nghèo khó. (Nguồn: BBC)

Nhân công Ai Cập đổ xô đến Libya

Thế nhưng, sau làn sóng biến động chính trị quét qua Libya hồi năm 2011, ốc đảo Siwa đã bắt đầu đón nhận một kiểu du khách hoàn toàn mới. Do tình hình bất ổn đã khiến người ta không thể vượt qua biên giới ở cửa khẩu Sallum, nên Siwa – chỉ cách biên giới hai nước có 60 km – đã trở thành điểm dừng chân cuối cùng cho những người Ai Cập muốn rời bỏ quê hương để tìm việc làm có mức lương cao hơn ở quốc gia giàu dầu mỏ Libya.

Bất chấp nhiều cảnh báo của Chính phủ về tình hình bất ổn ở Libya, dòng người di cư từ Ai Cập đến Libya vẫn không giảm, và số người chết cũng tăng dần trong những hành trình vượt biên. Vào thời điểm cuối năm 2013, tức 2 năm sau cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi, người ta ước tính rằng có khoảng từ 700.000 – 1,5 triệu nhân công Ai Cập đến Libya.

Đa phần những người này đều phải trải qua một hành trình dài trên sa mạc để đến ốc đảo Siwa, sau đó phải nhờ đến đoàn xe của một người tên là Mohamed, tài xế 44 tuổi đã giành gần trọn cuộc đời mình để vận chuyển người qua biên giới.

Theo Mohamed, hầu hết thu nhập của những “tài xế sa mạc” như ông đến từ việc buôn lậu các loại hàng hóa từ Libya đến Ai Cập. Các mặt hàng rất đa dạng, từ thuốc lá, thuốc men, thực phẩm cho đến súng đạn. Người này còn thêm rằng súng giờ có giá rẻ đến nỗi hộ gia đình nào cũng sở hữu một khẩu.

Ngoài việc buôn lậu ra thì việc vận chuyển nhân công di cư từ Ai Cập đến Libya cũng mang lại thu nhập không nhỏ. Hiện nay để có thể đi qua cửa khẩu Sallum, một nhân công cần có thị thực, giấy tờ tùy thân, giấy đăng ký và quan trọng nhất là tiền để hối lộ. Bởi vậy, họ chọn tuyến đường đơn giản và bí mật hơn.

Bị phát hiện…là chết

Hành trình bí mật này không hề dài, chỉ khoảng 90 km là đến điểm trả khách, nhưng lại là tuyến đường nguy hiểm nhất.

Kể từ khi ông Abdul Fattah al-Sisi được chỉ định làm Tổng thống Ai Cập năm 2014, Chính phủ đã rất mạnh tay truy quét buôn lậu trên các tuyến đường vận chuyển gần biên giới. Những mối đe dọa về phiến quân băng qua biên giới tràn vào Ai Cập, hay lo ngại về việc vũ khí tuồn vào từ Libya…đã khiến cho lực lượng an ninh nước này buộc phải có một cách tiếp cận không nhân nhượng.

“Khi Chính phủ tuyên bố kiểm soát chặt tuyến đường này và lực lượng an ninh bắt đầu nổ súng một cách không nhân nhượng, đã có rất nhiều người bị chết” – Mohamed cho hay – “Khi tài xế không chịu dừng xe, binh sỹ sẽ bắn anh ta ngay mà không cần hỏi thêm. Nếu họ gặp bạn trên sa mạc, họ có thể bắn ngay dù cho bạn không mang súng”.

Hồi tháng 2 năm nay, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đăng tải đoạn băng hành quyết 21 con tin người Ai Cập ở Libya, khiến cho dòng người Ai Cập tìm đến Libya giảm mạnh. Tuy nhiên, đến giờ số người tìm cách vượt biên lại tăng, do nỗi sợ hãi IS không thể chiến thắng được khao khát thoát khỏi cuộc sống vô cùng nghèo khó của một bộ phận không nhỏ người dân Ai Cập.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), vùng Thượng Ai Cập là khu vực tập trung 40% dân số của nước này, nhưng lại là khu vực tập trung 60% dân số sống ở mức nghèo khó và 80% dân số sống ở mức dưới nghèo khó. Có đến 1/3 dân số Ai Cập ở dưới độ tuổi 30, nhưng ½ số người trẻ tuổi trong tình trạng thất nghiệp.

Libya đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhân công di cư từ Ai Cập kể từ khi công nghiệp dầu khí bùng nổ trong những năm 1970. Quốc gia này vẫn sẽ duy trì vị thế “thiên đường sống” như vậy nếu tình trạng sống của người dân Ai Cập còn chưa được cải thiện – bất chấp nhiều mối nguy hiểm rình rập trên hành trình vượt biên.

Theo Linh Chi

Đại đoàn kết

Cung đường tử thần của những kẻ buôn người - 3