1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bất chấp đối thoại, Mỹ - Trung khó hàn gắn căng thẳng về Biển Đông

(Dân trí) - Cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao cấp cao được mong đợi từ lâu giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra gần đây, song hai bên vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển trong các vấn đề gây chia rẽ trong quan hệ song phương, đặc biệt là căng thẳng trên Biển Đông.

Mỹ - Trung đối thoại an ninh giữa lúc căng thẳng


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đón người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa tại Virginia ngày 9/11. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đón người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa tại Virginia ngày 9/11. (Ảnh: Reuters)

Ngày 9/11, Đối thoại An ninh và Ngoại giao Mỹ - Trung thường niên lần thứ 2 đã diễn ra tại Washington, Mỹ. Phía Mỹ có sự tham gia của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, trong khi phía Trung Quốc có Ủy viên quốc vụ viện Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa.

Sự kiện này ban đầu được lên kế hoạch tổ chức từ hồi tháng 9 tại Bắc Kinh, tuy nhiên sau đó bất ngờ bị hủy do Trung Quốc không muốn để Bộ trưởng Ngụy Phụng Hoà gặp người đồng cấp James Mattis. Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa lực lượng quân sự hai nước, việc cả Mỹ và Trung Quốc đều nhất trí tổ chức lại cuộc đối thoại từng bị trì hoãn và Bắc Kinh cũng đồng ý cử các quan chức đại diện tới Washington dự họp được xem là động thái gây bất ngờ.

Theo Mark J. Valencia, học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia ở Trung Quốc, Đối thoại An ninh và Ngoại giao Mỹ - Trung diễn ra do hai nước nhận thấy có những vấn đề an ninh cấp bách cần thảo luận, cũng có thể do Trung Quốc mong muốn đạt được điều gì đó, hoặc vì cả hai lý do trên.

Mục đích chính của Trung Quốc khi đối thoại với Mỹ lần này được cho là nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, dự kiến diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào cuối tháng 11. Mục đích thứ hai của Bắc Kinh có thể nhằm xác định xem liệu ông Mattis có còn giữ ghế bộ trưởng quốc phòng Mỹ nữa hay không giữa lúc xuất hiện nhiều tin đồn nói rằng ông sắp rời Lầu Năm Góc, và nếu ông Mattis thực sự rời đi thì quan chức nào sẽ là người thay thế ông. Ngoài ra, Trung Quốc có thể cũng muốn xác định xem liệu mối quan hệ quân sự giữa nước này với Mỹ có thể tiếp tục phát huy hiệu quả nữa hay không.

Mặc dù cùng đưa ra những tuyên bố mềm mỏng, song rõ ràng cả Mỹ và Trung Quốc đều có những quan ngại nhất định. Hợp tác quân sự có lẽ là khía cạnh quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung vì đây được xem là yếu tố giữ ổn định khi quan hệ song phương trong những lĩnh vực khác bị đổ vỡ. Hồi tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi quan hệ quân sự Mỹ - Trung là “yếu tố hình mẫu cho quan hệ song phương tổng thể”. Tương tự ông Tập, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng hy vọng mối quan hệ quân sự với Mỹ có thể trở thành yếu tố “giữ ổn định” cho toàn bộ quan hệ song phương.

Cuộc gặp "xã giao"


Hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc dự Đối thoại An ninh và Ngoại giao Mỹ - Trung tại Washington hôm 9/11. (Ảnh: Reuters)

Hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc dự Đối thoại An ninh và Ngoại giao Mỹ - Trung tại Washington hôm 9/11. (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay, đối thoại an ninh được xem là sự kiện quan trọng để tạo bầu không khí cho tương lai của quan hệ Mỹ - Trung. Giới quan sát từng hy vọng cuộc đối thoại sẽ dẫn tới các thỏa thuận giúp “tháo ngòi nổ” căng thẳng Mỹ - Trung, hoặc ít nhất hai bên cũng sẽ cố gắng để thể hiện điều đó trong các văn bản được công bố chính thức. Tuy vậy, cuộc họp báo chung sau hội đàm giữa 4 quan chức cấp cao Mỹ - Trung đã không được như kỳ vọng.

Cả hai bên đều khẳng định cuộc đối thoại diễn ra “thẳng thắn”, bất chấp những bất đồng sâu sắc trong quan hệ song phương. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc về cơ bản vẫn tái khẳng định lập trường của từng nước và ngầm “phản pháo” lẫn nhau.

Trong khi ông Dương Khiết Trì tuyên bố Trung Quốc có quyền xây dựng “các cơ sở phòng vệ cần thiết” trên lãnh thổ của mình, Ngoại trưởng Pompeo nói: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại liên tục về các hoạt động và động thái quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc thực hiện đúng những cam kết trước đây tại khu vực này”.

Trung Quốc từng nhiều lần cảnh báo sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng vệ nếu Mỹ tiếp tục tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo cũng như các chiến dịch tự do hàng hải mà Bắc Kinh cho là hành vi khiêu khích ở gần bờ biển và các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Do vậy, Trung Quốc không coi các hoạt động của nước này tại các thực thể tranh chấp trên Biển Đông là hành vi “quân sự hóa” như cáo buộc của Mỹ, mà là các hành động “phòng vệ”.

Quan chức Mỹ - Trung họp báo sau đối thoại an ninh

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mattis cho biết hai bên đã thảo luận về tầm quan trọng của việc cho phép các tàu và máy bay, cả quân sự và dân sự, “hoạt động theo cách an toàn và chuyên nghiệp, phù hợp với luật quốc tế” tại các vùng biển. Đây được cho là ngụ ý ngầm của ông chủ Lầu Năm Góc sau vụ chạm trán giữa hai tàu chiến Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông hồi cuối tháng 9, trong đó Washington đổ lỗi cho tàu Trung Quốc áp sát “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc có thể đã trao đổi về các biện pháp giảm nguy cơ rủi ro tại cuộc đối thoại, song không công khai bất kỳ thông tin nào trước công chúng.

Theo học giả Valencia, để giữ thể diện và tránh bị coi là không đạt được tiến triển sau đối thoại, các quan chức Mỹ và Trung Quốc cho biết hai bên đã cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và tuân thủ luật biển. Các bộ trưởng cũng đề cập tới việc bảo đảm an toàn trên không và trên biển, quản lý rủi ro theo hướng mang tính xây dựng. Tuy vậy, đây vẫn được xem là những tuyên bố “xã giao”. Nếu cả hai phái đoàn cấp cao gặp mặt chỉ với mục đích giảm thiểu căng thẳng và nguy cơ xung đột, rõ ràng cuộc gặp này là một sự thất bại.

Thành Đạt

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm