1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Philippines: Hai cuộc bầu cử ám ảnh "giấc mộng Trung Hoa”

(Dân trí) - Trong năm 2016, Mỹ và Đài Loan sẽ bước vào bầu cử quan trọng với hai nữ ứng viên sáng giá nhất là bà Hillary Clinton và bà Thái Anh Văn. Tờ Philstar nhận định Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới nếu hai "bông hồng thép" này lên nắm quyền.

Hai nữ ứng cử viên Hillary Clinton (

Hai nữ ứng cử viên Hillary Clinton (trái) của Mỹ và Thái Văn Anh (phải) của Đài Loan. (Ảnh: AFP)


Theo Philstar, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuần trước hùng hồn khẳng định yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Trường Sa là không thể rút lại bởi Trung Quốc “sẽ không thể đối mặt với tổ tiên và cha ông”. Tuyên bố này khớp với “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình: "Biến Trung Quốc thành siêu cường thống trị thế giới".

Báo Philippines nhận định, thời kỳ Barack Obama được xem là “thuận lợi” cho Bắc Kinh. Dưới thời Obama, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của một Trung Quốc tự cao và hung hăng với sự dẫn dắt của Chủ tịch Tập. Việc Mỹ liên tục né tránh đối đầu đã buộc các đồng minh Đông Á, gồm Đài Loan và Philippines, cũng phải hết sức thận trọng nhằm tránh xung đột.

Bất chấp chính sách của Washington xoay trục và tái cân bằng quyền lực tại Đông Á, Trung Quốc vẫn ngang nhiên gây hấn trên Biển Đông. Mỹ xem ra cũng "bất lực" trước tình trạng Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại các khu vực tranh chấp, khiến cho người ta có cảm nhận Trung Quốc và Chủ tịch Tập đang "xem nhẹ" Tổng thống Obama (?)

Hillary Clinton – nữ ứng viên cứng rắn

Tuy nhiên, sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, tình hình có lẽ sẽ khác, Philstar lập luận. Ứng cử viên được coi như sáng giá nhất hiện nay là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Bà là một chính khách mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ trở thành một vị tổng thống có lập trường cứng rắn, sẵn sàng tái khẳng định "vai trò căn bản của Mỹ tại châu Á".

Phát biểu trong chiến dịch tranh cử đầu tiên tại đảo Roosevelt, New York, bà Hillary cho biết đã sẵn sàng đối mặt với những mối đe dọa ngoại giao nghiêm trọng nhất của Mỹ, cụ thể là Nga, Iran, Triều Tiên và đặc biệt là Trung Quốc.

Hồi tháng 11/2011, khi đến thăm Philippines giữa lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng, đứng trên một chiếc tuần dương hạm tên lửa, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tái khẳng định quan hệ quân sự bền chặt giữa Mỹ và Philippines. Ngôn từ không mới, nhưng hình ảnh của bà đã để lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, Philstar cho hay.

Trong một cuộc họp báo khác, bà Hillary nói: “Quan điểm của chúng tôi về tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông nên được giải quyết một cách hòa bình. Tất cả các bên đều có quyền chứng minh yêu sách của mình, nhưng không quốc gia nào có quyền theo đuổi yêu sách bằng đe dọa và ép buộc”.

Đài Loan cần lãnh đạo mới "không phụ thuộc"

Tờ Philstar tiếp tục phân tích cuộc bầu cử Đài Loan, bán đảo có vai trò "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Báo này nhận định nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, thuộc Quốc dân Đảng, luôn là đồng minh thân cận của Trung Quốc.

Cho rằng trao đổi thương mại với đại lục là chìa khóa để phát triển kinh tế xứ Đài, ông Mã đã ký 21 hiệp định thương mại với Bắc Kinh, khiến độ tín nhiệm của ông giảm thấp đến mức Quốc dân Đảng phải tìm một ứng cử viên khác cho cuộc bầu cử năm tới.

Giới doanh nhân Đài Loan từ lâu đã là những nhà đầu tư lớn tại Trung Quốc với nhiều nhà máy, cung cấp hàng trăm nghìn việc làm. Tuy nhiên, phần lớn người dân xứ Đài, đặc biệt là giới trẻ, cho rằng quan hệ thương mại này chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, chất lượng cuộc sống chung của người dân không được cải thiện, tiền lương không tăng, các cơ hội việc làm đều bị chuyển tới Trung Quốc.

Người dân cũng lo lắng việc hội nhập kinh tế với Trung Quốc có thể khiến Đài Loan phải chịu áp lực chính trị từ Bắc Kinh. Tháng 9/2014, Chủ tịch Tập tuyên bố Trung Quốc và Đài Loan một ngày nào đó có thể hợp nhất theo mô hình “một quốc gia, hai hệ thống” như tại Hồng Kông. Song các sự kiện gần đây lại cho thấy Bắc Kinh không có ý định trao quyền tự do thực sự cho đặc khu kinh tế này.

Đến tháng 1/2016, Đài Loan sẽ bước vào chiến dịch tranh cử vị trí lãnh đạo. Ứng cử viên sáng giá nhất lần này là bà Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP). Bà tỏ rõ quan điểm trước tiên phải phát triển kinh tế, sự thịnh vượng và văn hóa của chính xứ Đài. Điều này phù hợp với tư tưởng của giới trẻ...

Chương trình vận động tranh cử của bà tập trung vào ý tưởng đưa Đài Loan thoát "vòng kiềm tỏa" của Bắc Kinh. Hiến chương của đảng DPP cũng khẳng định cố gắng “thiết lập chủ quyền độc lập cho Đài Loan”. Bởi vậy, bà Thái bị coi là “cái gai trong mắt” Trung Quốc đại lục.

Tóm lại, cuộc tranh cử vị thế nhà lãnh đạo của hai nữ ứng cử viên, Hillary Clinton tại Mỹ và Thái Văn Anh tại Đài Loan, được dự đoán sẽ rất ám ảnh tham vọng “giấc mộng Trung Hoa” của Bắc Kinh và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nghi Phương
Theo Philstar