1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Pháp giải đáp 7 câu hỏi về bầu cử Mỹ 2020

Nhật báo Les Echos của Pháp mới đây tiếp tục “xới lên” 7 vấn đề xung quanh kết quả bầu cử Mỹ 2020.

Báo Pháp giải đáp 7 câu hỏi về bầu cử Mỹ 2020 - 1

Ông Trump và ông Biden (Ảnh: Getty)

Ngày bầu cử tổng thống Mỹ đã trôi qua được đúng một tuần, song dư âm về nó vẫn còn “nóng hổi” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng loạt vấn đề như kết quả công bố chậm, truy đòi pháp lý, thời điểm chuyển giao, vị trí của đảng Cộng hòa hay tương lai của Tổng thống Donald Trump… đang được giới truyền thông “mổ xẻ”.

Tại sao kết quả của cuộc bỏ phiếu lại mất nhiều thời gian như vậy?

Khoảng hơn 100 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm nhưng việc kiểm phiếu lại kéo dài quá lâu. Nghịch lý này có thể được giải thích: trong khi lá phiếu trực tiếp được máy móc ghi lại với kết quả gần như ngay lập tức, thì việc kiểm đếm 65 triệu lá phiếu nhận được qua thư - một con số chưa từng có do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đòi hỏi nhiều thời gian để kiểm hơn. Một trong những bang quan trọng như Pennsylvania cũng không cho phép mở 2,5 triệu phong bì phiếu nhận được trước ngày 3/11, ngày bầu cử chính thức.

Một số bang thậm chí còn dự tính lấy cả các lá phiếu nhận được cho đến ngày 12/11 (dấu bưu điện đóng ngày 3/11 được lấy làm bằng chứng) và quyết định đợi cho đến ngày này trước khi hoàn thành việc kiểm phiếu.

Trong khi đó, những lá phiếu có lỗi thường được để riêng và xử lý sau cùng. Điều này đã kéo dài thời gian xử lý những lá phiếu cuối cùng.

Với kết quả sít sao và những căng thẳng xung quanh cuộc bầu cử, các quan chức bầu cử ở các bang chủ chốt đều tỏ ra hết sức thận trọng. Các phương tiện truyền thông thông báo kết quả của cuộc bầu cử ở Mỹ cũng phải cẩn trọng đưa tin.

Chiến thắng của ông Biden như truyền thông Mỹ tuyên bố là “vang dội” hay “sít sao”?

Nếu giành được sự ủng hộ của số đại cử tri bang Georgia (với 16 phiếu), ngoài những đại cử tri ở bang Pennsylvania, Nevada và Arizona, những nơi mà công tác kiểm phiếu vẫn đang diễn ra trong những ngày gần đây, ông Biden sẽ nhận được 306 phiếu bầu, vượt đáng kể so với 270 phiếu cần thiết, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Ông Biden có lẽ cũng sẽ ghi được kỷ lục tương tự như đương kim Tổng thống Donald Trump từng đạt vào năm 2016.

Tuy nhiên, sự cách biệt về số phiếu để giành chiến thắng ở một số bang là rất nhỏ. Ví dụ, năm 2016, ông Trump chỉ giành được 80.000 phiếu bầu trước ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton ở bang Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.

Lần này, phe Dân chủ đã giành được số phiếu phổ thông với cách biệt hơn 4 triệu phiếu bầu trong cả nước. Con số này nhiều hơn so với năm 2016 khi bà Hillary Clinton chỉ giành được nhiều hơn ông Trump 2,9 triệu phiếu bầu.

Ai là người chính thức được tuyên bố chiến thắng?

Các bang có thời hạn đến ngày 8/12 để chứng nhận kết quả của cuộc bầu cử. Số phiếu bầu cho mỗi bang (29 phiếu ở Florida, 20 phiếu ở Pennsylvania…) tương ứng với số đại cử tri. Các đại cử tri sẽ nhóm họp tại các bang tương ứng vào ngày 14/12 và bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ cam kết.

Năm 2016, có 7 đại cử tri cuối cùng đã ủng hộ một ứng cử viên khác (gọi là "đại cử tri bất tín") mà họ sẽ ủng hộ, nhưng lại không đặt ra vấn đề về kết quả cuối cùng.

Quốc hội mới được bầu vào ngày 3/11 sẽ triệu tập cử tri đoàn vào ngày 6/1 tới và Chủ tịch Thượng viện (Phó Tổng thống Mike Pence) sẽ công bố tên của tổng thống mới. Tổng thống mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 và nhiệm kỳ của tổng thống hiện tại kết thúc vào buổi trưa cùng ngày.

Liệu kháng án của Tổng thống Trump có cơ hội đạt kết quả không?

Tổng thống Trump đã nhắc lại quan điểm của mình vào cuối tuần, theo đó ông sẽ chiến đấu đến cùng nhằm đảo ngược kết quả của cuộc bầu cử, ngay cả khi những nỗ lực của ông để ngăn chặn các cuộc kiểm phiếu đều vô ích.

Ông Trump tuyên bố hôm 6/11: “Đây không đơn giản chỉ là một cuộc bầu cử, mà còn là tính toàn vẹn của toàn bộ quá trình bầu cử của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục quá trình này thông qua tất cả các khía cạnh của luật pháp, để bảo đảm lòng tin của người dân Mỹ vào Chính phủ".

Khi kết quả kiểm phiếu ngày càng cách biệt, cơ hội của ông Trump ngay cả tại tòa án cũng giảm dần. Nếu khoảng cách kết quả kiểm phiếu giữa ông Trump và ông Biden là sít sao và kết quả kiểm phiếu thay đổi ở một bang thì ông Trump mới có thể hy vọng vào điều đó.

Tranh chấp kết quả cùng một lúc ở 3, 4 hay 5 bang sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn nhiều. Rõ ràng, ngoại trừ ở bang Georgia, sự cách biệt kết quả kiểm phiếu dường như đủ lớn để không làm thay đổi kết quả của các cuộc kiểm phiếu lại.

Tóm lại, trái ngược với những tuyên bố trước đó, ông Trump sẽ không thể "kiện lên Tòa án Tối cao" được. Cấp xét xử cao nhất của Mỹ thực sự phải do tòa án liên bang hoặc một bang thụ lý, nhưng điều này chưa từng xảy ra cho đến nay. Tuy nhiên, ông Trump có thể tìm được các đồng minh ở cấp địa phương, ví dụ như ở Pennsylvania hoặc Wisconsin, nơi các kỳ đại hội địa phương thường do đảng Cộng hòa tổ chức.

Liệu có nguy cơ xuất hiện bạo loạn hậu bầu cử không?

Kết thúc ngày bầu cử (3/11), những người ủng hộ ông Trump đã xuống đường, khi thì yêu cầu dừng việc kiểm phiếu, khi thì lại yêu cầu kiểm đếm từng lá phiếu... Không có vụ việc nghiêm trọng nào được ghi nhận nhưng ở một số bang, người biểu tình tiếp tục gây sức ép.

Ngày 7/11, những người ủng hộ Tổng thống Trump tiếp tục tụ tập trước các tòa thị chính của một số bang, trong đó một số người mang theo cả vũ khí. Tại các bang như Atlanta, Tallahassee, Austin, Boise hay Phoenix, những người ủng hộ ông Trump đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử vẫn chưa kết thúc. Một số người nói rằng họ đã sẵn sàng đến Washington để biểu tình trước Tòa án Tối cao, trong khi các luật sư của ông Trump hứa sẽ chuẩn bị hồ sơ khởi kiện.

Đảng Cộng hòa sẽ phản ứng như thế nào?

Các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa đang bị chia rẽ xung quanh chủ trương của ông Trump. Thượng nghị sỹ Lindsey Graham của bang South Carolina, người thân cận với ông Trump, thì ủng hộ quyết định kiện đến cùng của Tổng thống.

Ông Lindsey Graham nói: “Nền dân chủ Mỹ cần các cuộc bầu cử công bằng. Đội ngũ của Tổng thống Trump sẽ có cơ hội tranh luận chống lại những bất thường trong cuộc bỏ phiếu. Tôi ủng hộ ông Trump”.

Còn những nhân vật khác lại bày tỏ do dự, trong đó có lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, người đã tranh cãi với phe của ông Biden về cơ sở của một cuộc đối thoại tại Quốc hội. Theo ông McConnell, bất kỳ lá phiếu hợp pháp nào cũng phải được kiểm đếm và bất kỳ lá phiếu nào nhận được ngoài khuôn khổ pháp lý đều không được tính.

Ngoài ra, vẫn còn những nhân vật đảng Cộng hòa khác chỉ trích nặng nề hơn. Thượng nghị sĩ bang Pennsylvania, ông Pat Toomey, cho rằng những nhận xét của ông Trump là "đáng lo ngại". Pat Toomey quả quyết: “Tôi đã xem bài phát biểu của Trump và thực sự rất khó xem. Những tuyên bố của Trump đơn giản là không có cơ sở".

Liệu ông Trump có thực sự thua?

Ngay từ những giờ đầu tiên sau cuộc thăm dò, ông Trump đã nói chuyện với các cố vấn của mình về việc nghỉ hưu vào năm 2024. Thật khó để hình dung việc ông Trump rút lui cho đảng Dân chủ trở lại nắm quyền. Thậm chí cuối cùng nếu ông Trump thực sự thua cuộc, thì ông cũng đã thành công trong việc xây dựng được một lực lượng chính trị khá vững chắc.

Sự ủng hộ mà ông Trump đã tạo dựng được với gần một nửa dân số Mỹ rất bền chặt. Dù thắng hay thua, ông chắc chắn vẫn đóng một vai trò quan trọng. Trong bối cảnh đó, một thế hệ chính trị gia mới, những người tự đặt mình ra ngoài các đảng viên Cộng hòa chính thống, đã xuất hiện và chắc chắn sẽ thừa nhận di sản của ông Trump.

Điển hình như trường hợp của Nghị sĩ bang Florida, Matt Gaetz (38 tuổi) hoặc Thượng nghị sĩ Josh Hawley (40 tuổi) của Missouri.

Chưa kể một số nhân vật từng giúp đỡ rất tích cực cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử vừa qua đang “gieo mầm” cho những tham vọng chính trị đối với các con của Trump là Ivanka Donald Jr. Phải chăng đây là sự khởi đầu của một "triều đại Trump" mới?