1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bao nhiêu chiến binh IS ngoại nguy hiểm còn sót lại ở Iraq và Syria?

Sau khi tổ chức khủng bố Hồi giáo IS cơ bản thất bại, tình trạng các chiến binh ngoại đến Syria và Iraq tham gia IS trở thành mối quan tâm lớn.

Hàng chục ngàn công dân các nước được cho là đã đổ về Syria và nước láng giềng Iraq để chiến đấu cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Với việc Vương quốc Hồi giáo IS này sụp đổ về mặt lãnh thổ, Mỹ đã kêu gọi hồi hương hàng trăm chiến binh IS như vậy. Nhưng cho tới nay nhiều nước đã từ chối.

Bao nhiêu chiến binh IS ngoại nguy hiểm còn sót lại ở Iraq và Syria? - 1..jpg

Cờ đen của tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS. Ảnh: Reuters.

 

Vì sao những kẻ này muốn sang Syria và Iraq?

Các chiến binh thánh chiến bắt đầu đổ sang Iraq vào năm 2003 khi Mỹ chỉ huy một cuộc xâm chiếm Iraq và lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein, tạo điều kiện cho một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo dòng Sunni. Vào thời gian đó, hàng trăm người được cho là đã gia nhập al-Qaeda chi nhánh Iraq – tiền thân của IS.

Khi nội chiến Syria bùng bổ vào năm 2011, có thêm nhiều người nữa chạy sang Syria. Sự hiện diện của những phần tử này tại đây làm phức tạp thêm tình hình, đào sâu thêm hận thù giáo phái ở quốc gia Trung Đông này, tạo sự đối đầu giữa cộng đồng đa số Sunni với giáo phái Alawite Shiite thiểu số của Tổng thóng Bashar al-Assad.

Sau khi IS chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn của Syria và Iraq vào năm 2014 và hối thúc người Hồi giáo di cư tới Vương quốc Hồi giáo mới, số lượng người tới đây tăng mạnh.

Có bao nhiêu người nước ngoài gia nhập IS?

Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 40.000 chiến binh nước ngoài từ 110 nước có thể đã sang Syria và Iraq để gia nhập các nhóm khủng bố tại đây.

Một nghiên cứu vào tháng 7/2018 do Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Cực đoan hóa (ICSR) tại trường King's College London thực hiện dựa trên các dữ liệu chính thức, học thuật và các dữ liệu khác kết luận rằng có 41.490 người, bao gồm 32.809 nam, 4.761 nữ và 4.640 trẻ em đến từ 80 nước có mối liên hệ trực tiếp với riêng nhóm khủng bố IS.

Các nhà nghiên cứu phát hiện 18.852 trường hợp là đến từ Trung Đông và Bắc Phi, 7.252 đến từ Đông Âu, 5.965 đến từ Trung Á, 5.904 từ Tây Âu, 1.010 đến từ Đông Á, 1.063 đến từ Đông Nam Á, 753 đến từ châu Mỹ, Australia, New Zealand, 447 đến từ Nam Á, và 244 đến từ vùng cận Sahara của châu Phi.

Trong số này có xấp xỉ 850 người đến từ nước Anh (bao gồm 145 phụ nữ và 50 trẻ em).

Bao nhiêu chiến binh IS ngoại nguy hiểm còn sót lại ở Iraq và Syria? - 2..jpg

Lãnh thổ IS bị thu hẹp qua thời gian.

 

Bao nhiêu phần tử IS đã chết?

“Liên minh toàn cầu do Mỹ chỉ huy nhằm đánh bại IS” cho hay phần lớn các chiến binh IS đã chết hoặc bị bắt giam. Liên minh này đã yểm trợ bằng đường không và cung cấp cố vấn quân sự cho các lực lượng bản địa tại Iraq và Syria kể từ năm 2014. Tuy nhiên liên minh này từ chối đưa ra thông tin về con số chiến binh nước ngoài đã bị tiêu diệt.

Người đứng đầu MI5 (cơ quan phản gián Anh) vào tháng 10/2017 có nói rằng hơn 130 công dân Anh đi sang Iraq và Syria chiến đấu cho IS đã tử vong.

Những kẻ bị tống giam thì sao?

Một quan chức thuộc liên minh các dân quân người Kurd và Arab được Mỹ hậu thuẫn – Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), vào hôm 18/2 cho hay họ giam giữ khoảng 800 chiến binh ngoại đến từ gần 50 nước. Quan chức Abdul Karim Omar cho biết thêm, ít nhất 700 phụ nữ và 1.500 trẻ em đã bị nhốt tại các trại dành cho người tị nạn.

Trong số những người mà SDF bắt giữ, ít người được xác định danh tính. Tuy nhiên trong 6 kẻ đến từ Anh, có El Shafee Elsheikh và Alexanda Kotey được nhận diện. Cặp đôi này bị cáo buộc là thành viên của một biệt đội hành quyết của IS đã chặt đầu ít nhất 27 con tin người phương Tây.
 
Ông Omar nhắc lại việc SDF muốn các chiến binh ngoại được hồi hương. Ông cảnh báo rằng đây là một “quả bom hẹn giờ” và một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria có thể gây ra tình trạng hỗn loạn, giúp các chiến binh Hồi giáo cực đoan này trốn thoát.
 
Tuy nhiên, các nước “quê nhà” của các phần tử khủng bố này lại bày tỏ quan ngại về việc hồi hương các phần tử IS cứng rắn cũng như về việc thu thập bằng chứng hỗ trợ cho việc truy tố chúng.

 

Bao nhiêu chiến binh IS ngoại nguy hiểm còn sót lại ở Iraq và Syria? - 3..jpg

Một nữ thành viên IS (đến từ Pháp) bị kết án tù chung thân. Ảnh: AFP.

 

Theo nguồn tin của Liên Hợp Quốc, có thể còn 1.000 chiến binh ngoại nữa thuộc các quốc tịch khác nhau bị bắt ở Iraq.

Không rõ liệu con số này có bao gồm cả phụ nữ và trẻ em hay không. Tuy nhiên có hơn 1.300 người như thế bị bắt giữ gần Tal Afar vào năm 2017.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, ít nhất 72 người trong số phụ nữ IS đã bị xét xử vào tháng 6/2018, bị kết tội nhập cảnh trái phép và làm thành viên IS hoặc hỗ trợ IS. Theo tổ chức này, đa số những phụ nữ đó đã bị kết án tử hình hoặc chung thân. Họ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Đức. Trẻ em từ 9 tuổi trở lên cũng bị truy tố.

Bao nhiêu chiến binh ngoại vẫn đang chiến đấu?

Sau 5 năm chiến đấu dữ dội và đẫm máu, các lực lượng Syria và Iraq được sự hậu thuẫn của các nước trên thế giới đã đánh bật IS ra khỏi hầu hết các lãnh thổ do chúng kiểm soát.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói với Hội đồng Bảo an vào đầu tháng 2/2018 rằng IS được cho là vẫn kiểm soát khoảng 14.000-18.000 chiến binh ở Iraq và Syria, trong đó có tới 3.000 chiến binh ngoại.

Ông Guterres công bố các phát hiện này trong bối cảnh SDF mở một cuộc tấn công đánh chiếm nơi kiểm soát cuối cùng của IS ở Syria.

Bao nhiêu kẻ đã trở về nhà?

Các nhà nghiên cứu của ICSR nhận thấy rằng ít nhất 7.366 người nước ngoài có mối liên hệ với IS đã quay trở về đất nước quê hương tương ứng. Trong số này có 256 phụ nữ và tới 1.180 trẻ em.

Vào tháng 6/2018, 3.906 người đã trở lại Tổ quốc của họ ở Trung Đông và Bắc Phi, 1.765 về Tây Âu, 784 về Đông Âu, 338 về Trung Á, và 12 về vùng châu Phi cận Sahara.

Theo ICSR, trong số 425 người trở về Anh, mới chỉ 2 phụ nữ và 4 trẻ em được xác nhận.

Liên Hợp Quốc bày tỏ quan ngại về những người trở về này một khi ra tù có thể “hoạt động” trở lại. Tổ chức quốc tế này cùng cho rằng những phụ nữ bị cực đoan hóa và các em nhỏ bị tổn thương có thể tạo một mối đe dọa về an ninh./.

Theo Trung Hiếu

VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm