1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tiết lộ bất ngờ của đội ngũ ông Trump về chấm dứt xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thừa nhận không thể nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.

Tiết lộ bất ngờ của đội ngũ ông Trump về chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Financial Times dẫn lời 2 quan chức châu Âu cho biết, các cuộc thảo luận với đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong những tuần gần đây với các đối tác châu Âu cho thấy họ vẫn chưa định hình được chiến lược giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.

Do không có kế hoạch rõ ràng và chắc chắn, chính quyền Trump có thể tiếp tục hỗ trợ chính quyền Ukraine sau lễ nhậm chức của ông Trump, dự kiến vào ngày 20/1.

"Họ đang điều chỉnh lại cách tiếp cận đối với Ukraine", một trong những nguồn tin được trích dẫn cho biết. Nguồn tin nói thêm rằng chính quyền mới của Mỹ cũng cảnh giác với những so sánh được đưa ra với "cuộc rút quân thảm khốc" của chính quyền Tổng thống Joe Biden khỏi Afghanistan và không muốn thấy điều đó lặp lại ở Ukraine.

Sau cuộc họp về viện trợ quân sự cho Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức hôm 9/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cho biết Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và nhóm của ông vẫn chưa có kế hoạch chấm dứt xung đột Ukraine.

"Vẫn chưa có kế hoạch hòa bình nào về Ukraine, kế hoạch này vẫn chưa được đệ trình. Có các báo cáo của kênh truyền thông, các bài phát biểu trước bầu cử của Tổng thống đắc cử Trump và các cố vấn của ông, nhưng vẫn chưa có ý tưởng rõ ràng nào có thể được thảo luận cho đến nay", quan chức quân sự cấp cao của Ba Lan tiết lộ.

Việc đội ngũ của Tổng thống đắc cử Trump thừa nhận không thể nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine đã đi ngược lại với những tuyên bố trước đó của ông Trump.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ giải quyết xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ.

Tuy nhiên, vào ngày 7/1, ông Trump thừa nhận quá trình giải quyết xung đột Ukraine có thể mất nhiều thời gian hơn. Tổng thống đắc cử Mỹ bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin về xung đột Ukraine, cùng với các vấn đề khác, sẽ diễn ra sớm hơn trong vòng 6 tháng sau khi ông nhậm chức.

Quan chức được ông Trump bổ nhiệm làm đặc phái viên về giải quyết xung đột ở Ukraine, Keith Kellogg, đã nói với Fox News trong một cuộc phỏng vấn rằng mục tiêu của Mỹ là chấm dứt xung đột trong "100 ngày".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh David Lammy tin rằng một giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine do chính quyền Donald Trump làm trung gian có thể đạt được sớm nhất là vào cuối tháng 4.

Đặc phái viên Kellogg hồi tháng 4/2024 đưa ra kế hoạch kêu gọi cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" đối với cuộc chiến Nga - Ukraine. Theo ông, Mỹ nên tham gia vào một cuộc đàm phán nhằm giúp các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine.

Kế hoạch đề xuất Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự giúp Ukraine tự vệ. Tuy nhiên, viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine có tham gia đàm phán hòa bình với Nga hay không.

Kế hoạch cũng cho rằng các nhà lãnh đạo NATO nên đề nghị hoãn tham vọng của Ukraine gia nhập liên minh để thuyết phục Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

Trong khi đó, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ J.D Vance hồi tháng 9/2024 tiết lộ, ông Trump sẽ bắt đầu đàm phán với cả lãnh đạo Nga, Ukraine và châu Âu.

Kế hoạch của ông Vance gợi ý Ukraine sẽ phải nhượng lại một số lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát một phần gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Các nước châu Âu có thể triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực phi quân sự Nga - Ukraine, song Mỹ sẽ không tham gia sứ mệnh đó.

Tuy nhiên, cả Moscow và Kiev đều không ủng hộ kế hoạch trên. Nga cho rằng đề xuất giải quyết xung đột Ukraine từ đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mơ hồ và không hấp dẫn đối với Moscow.

Theo Tass