Bạo loạn ở Pháp: 1.300 người bị bắt, Tổng thống Macron hoãn công du
(Dân trí) - Hàng chục nghìn cảnh sát đã được triển khai tại các thành phố trên khắp nước Pháp khi các cuộc biểu tình kéo dài sang đêm thứ 5.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, dự kiến bắt đầu vào ngày 2/7, để tập trung xử lý cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đối với vai trò lãnh đạo của ông kể từ khi các cuộc biểu tình "Áo vàng" làm tê liệt phần lớn nước Pháp vào cuối năm 2018.
Tổng thống Macron cũng buộc phải rời hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đang diễn ra tại Brussels (Bỉ), để trở về nước chủ trì cuộc họp khẩn cấp của chính phủ.
Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết khoảng 45.000 cảnh sát được triển khai trên các tuyến phố vào đêm 1/7. Lực lượng tiếp viện sẽ được đưa đến Lyon và Marseille để đối phó với bạo loạn.
Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông bạo loạn trên đường phố chính ở Marseille vào tối qua. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy các vụ bạo lực, cướp bóc và ẩu đả trên đường phố giữa cảnh sát và các nhóm thanh niên.
Tại Paris, cảnh sát đã tăng cường an ninh tại đại lộ Champs Elysees sau khi xuất hiện lời kêu gọi tập trung trên mạng xã hội. Các cửa hàng cũng được bảo vệ để ngăn chặn nguy cơ thiệt hại và cướp bóc có thể xảy ra.
Bộ Nội vụ Pháp thông báo 1.311 người đã bị bắt vào đêm 30/6, so với 875 người vào đêm trước đó. Cảnh sát cho biết khoảng 120 người đã bị bắt trên cả nước vào ngày 1/7. Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết hơn 700 cửa hàng, siêu thị, nhà hàng và chi nhánh ngân hàng đã bị "lục soát, cướp bóc, thậm chí bị thiêu rụi kể từ ngày 27/6".
2.000 phương tiện đã bị đốt cháy kể từ khi bạo loạn bắt đầu nổ ra. Hơn 200 cảnh sát đã bị thương và độ tuổi trung bình của những người bị bắt là 17. Bộ trưởng Tư pháp cho biết 30% số người bị bắt giữ dưới 18 tuổi.
Phát biểu sau cuộc họp an ninh khẩn cấp để giải quyết tình trạng bạo loạn hôm 30/6, Tổng thống Macron cho biết khoảng một phần ba những người bị bắt trong 3 đêm gần đây là những người "trẻ hoặc rất trẻ". Theo ông Macron, điều này cho thấy rằng internet đang có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên tại Pháp.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói rằng chính phủ đã cảnh báo các trang mạng xã hội không đăng tải những lời kêu gọi bạo lực và các nội dung khác ủng hộ bạo loạn.
Chính quyền các địa phương trên cả nước ban bố lệnh cấm biểu tình và tạm ngừng hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng vào buổi tối.
Bạo loạn nổ ra sau khi một cảnh sát bắn chết một thanh niên 17 tuổi vi phạm giao thông sáng 27/6. Thanh niên này được xác định là Nahel, một tài xế giao hàng. Cảnh sát nói rằng, Nahel vi phạm giao thông nhưng không tuân theo hiệu lệnh của cảnh sát tại ở Nanterre, ngoại ô tây bắc thủ đô Paris.