1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Đức tố cáo Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam

Ngày 27/5, một loạt báo lớn của Đức đã đăng tin ảnh tố cáo việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam trên biển Đông.

Báo DW đưa tin tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Báo DW đưa tin tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Theo báo "Thời đại" (Zeit), một tàu của Trung Quốc rõ ràng đã đâm và làm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam ở biển Đông. Bài báo dẫn lời một đại diện của lực lượng cứu hộ Việt Nam xác nhận về vụ tàu Việt Nam bị đâm chìm, song 10 ngư dân đã được cứu hộ an toàn. Theo bài báo, vụ đụng độ trên xảy ra trên biển Đông gần một giàn khoan dầu gây tranh cãi mà Trung Quốc hạ đặt ở đây từ ngày 1/5. Bài báo cũng dẫn các nguồn tin truyền thông cho biết khi vụ việc xảy ra đã có khoảng 40 tàu cá Trung Quốc vây quanh một nhóm tàu của Việt Nam.

Báo "Tin Kinh tế Đức" (DWN) cùng ngày dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam và đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc kể từ năm 2007. Bài báo cho biết xung đột giữa hai nước leo thang từ giữa tháng 5 khi hàng nghìn người biểu tình phản đối Chính phủ Trung Quốc trước việc "Bắc Kinh hạ đặt trái phép một giàn khoan dầu ở vùng biển của Việt Nam". Người biểu tình "phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc" ở biển Đông.

Trong khi đó, báo "Tấm gương" (Spiegel) cùng ngày cũng đăng tin ảnh về việc tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển Đông. Bài báo dẫn lời một quan chức cấp cao Việt Nam lên án "hành động khủng bố" này của Bắc Kinh, đồng thời khẳng định "Việt Nam sẽ sử dụng mọi kênh ngoại giao để phản đối hành đông này".

Báo "Làn sóng Đức" (DW) cũng đưa tin, ảnh đậm nét về hành động ngang ngược của Trung Quốc. Bài báo nêu rõ Việt Nam tố cáo Trung Quốc "hành động khủng bố" khi đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Bài báo dẫn lời một đại diện của lực lượng cứu hộ Việt Nam nói tàu của Việt Nam đã bị đâm chìm và 10 người trên tàu đã được đưa an toàn vào bờ. Cũng theo bài báo, việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với 2/3 diện tích biển Đông được cho giàu dầu khí đã vấp phải sự phản đối của các nước ven biển khác như Việt Nam, Philippines.

Ngoài các báo trên, rất nhiều báo khác của Đức cũng đã đưa tin về hành động sai trái, ngang ngược của phía Trung Quốc trên biển Đông.

Theo Mạnh Hùng
Baotintuc.vn