Báo chí nước ngoài viết về các ý đồ của Trung Quốc
Nhân dịp kết thúc năm 2014 và bước sang năm 2015, nhiều tờ báo ở nước ngoài đã tập trung phân tích những hoạt động đối ngoại của Trung Quốc trong năm qua...
Báo Liên hợp Buổi sáng ở Singapore nhận xét rằng năm 2014 là năm quan trọng đối với ngoại giao kinh tế của Trung quốc, theo đó các nhà lãnh đạo chủ chốt của nước này đã dồn dập tới nhiều nơi trên thế giới; đến đâu họ cũng ký nhiều hợp đồng và để lại nhiều “món quà viện trợ hào phóng” cho một số nước. Chỗ thì đầu tư 40 tỉ USD để thành lập Quỹ con đường tơ lụa, chỗ thì hứa rót tới 10 tỉ USD cho Ngân hàng Phát triển BRICS hay tới 41 tỉ USD cho quỹ BRICS…
Hãng tin Bloomberg của Mỹ thì nói thẳng rằng: “Trung Quốc dùng tiền để tạo ảnh hưởng” và tâm lý của Trung Quốc là “nếu không đánh bại được ai, chỉ cần dành cho họ nhiều tiền là có thể chiến thắng”. Đối với Trung Quốc, trong bối cảnh sức mạnh mềm của bản thân còn chưa đủ lớn thì phát huy sở trường nhằm che lấp sở đoản. Ngoài ra, “ngoại giao hợp đồng” còn giúp Trung Quốc thực hiện một số mục tiêu chính trị.
Báo Pháp Le Monde ngày 7/1/2015 nhận xét rằng trong một hội nghị ngoại giao toàn quốc cuối năm 2014 chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo Trung Quốc phải có “một nền ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc”. Để xứng với tầm vóc của một cường quốc, Bắc Kinh chủ trương “những con đường tơ lụa mới”: một về hàng hải nối với châu Phi, châu Âu qua ngả Đông Nam Á; một tuyến khác trên đất liền nối Trung Quốc với các nước Trung Á và Nga. Trên mặt trận tài chính, Trung Quốc không ngần ngại đề nghị các nước châu Á-Thái Bình Dương lập ra Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để trực tiếp cạnh tranh với Ngân hàng phát triển chấu Á (ADB) mà Bắc Kinh cho là nằm dưới ảnh hưởng của Tokyo và Washington… Bắc Kinh giờ đây đang áp dụng một chính sách ngoại giao hống hách gây sức ép về kinh tế. Chính sách ngoại giao nước lớn này còn đặt ra nguy cơ gây xung đột quân sự, như giữa năm 2014 Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan dầu di động vào vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Tuy nhiên, báo Le Monde cũng chỉ ra những hệ lụy mà Trung Quốc gặp phải khi thực hiện đường lối ngoại giao nói trên. Tờ báo viết: “Nhìn chung thì Trung Quốc đang tự đặt mình vào vị thế của một cường quốc hung hăng”. Tờ báo trích dẫn lời ông Du Tân Thiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nói: “Giờ đây vừa mới nổi lên như một cường quốc, Trung Quốc đã trở thành nguồn cơn của nhiều mối lo ngại mà ngày càng có nhiều nước châu Á – Thái Bình Dương bày tỏ một cách công khai điều này. Trung Quốc không còn là một nơi để ai đó muốn gửi gắm số phận của mình. Chính sách ngoại giao này đang là một thách thức lớn cho Trung Quốc và ông Tập Cận Bình cũng ý thức được những phản ứng đang dây lên từ những nước nằm bên vùng biển mà Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền, cho đến sự phản kháng của các nước châu Phi, nơi mà Bắc Kinh đang dùng viện trợ để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên”.
Trong bối cảnh nói trên, tại chuyên mục “Diễn đàn vấn đề quốc tế Trung Quốc”, chính tờ Nhân Dân nhật báo của Trung quốc ra ngày 7/1/2015 đã đăng bình luận của giáo sư Kim Sán Vinh từ Đại học Nhân dân Trung quốc về công tác ngoại giao từ Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc đến nay, có đoạn viết: “… Những thách thức chủ yếu với Trung Quốc trong 10 năm tới sẽ có 3 loại chính: Loại thứ nhất là các vấn đề nội bộ. Đây là thách thức thực sự. Loại thứ hai là vấn đề ly khai, chia cắt. Trung Quốc là nước duy nhất trong số các nước lớn chưa thực hiện được thống nhất hoàn toàn. Loại thứ ba là các vấn đề thuần túy từ bên ngoài, nhất là từ việc Trung Quốc sẽ giữ vị trí cường quốc số hai thế giới trong thời gian dài”.