1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bắt tay Trung Quốc, Nga ráo riết lập trật tự thế giới mới?

Cách tiếp cận của Nga với Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy xu hướng thiết lập một trật tự thế giới đa cực mới?

LTS: Francesco Brunello Zanitti, Giám đốc chương trình nghiên cứu Nam Á (thuộc Viện nghiên cứu Địa chính trị Ý) vừa có bài phân tích về tiềm năng mối quan hệ Nga - Ấn Độ - Trung Quốc. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Những tháng cuối năm 2014 đã diễn ra hàng loạt thỏa thuận song phương quan trọng và các hội nghị thượng đỉnh liên quan tới Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, việc Moscow nghiên cứu tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với hai người khổng lồ châu Á đã đánh dấu bước đi hướng tới sự thay đổi toàn cầu từ một trật tự đơn cực do Mỹ dẫn dắt tới một trật tự đa cực.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự thay đổi này chính là sự trắc trở trong quan hệ của Nga với EU và Mỹ năm ngoái.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc tới các lợi ích chiến lược lâu dài của những nước liên quan. Mặc dù Đông Âu và Trung Đông hiện đang rất bất ổn nhưng nói chung, Bắc Kinh và New Delhi nhìn nhận Nga như một đối tác đáng tin cậy với nguyên tắc cơ bản là tiếp tục đối thoại, hợp tác và trao đổi thương mại.
Bắt tay Trung Quốc, Nga ráo riết lập trật tự thế giới mới?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ trong buổi lễ ký kế hợp tác xây dựng hệ thống ống dẫn khí mới Trung-Nga (ảnh Getty Images)

Đối thoại Trung - Nga vẫn trên đà phát triển từ giữa những năm 90 trong khi mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ với Moscow tiếp tục kế thừa điều tốt lành có được giữa hai bên trong suốt thời Chiến tranh Lạnh. Hơn nữa, không nên đánh giá thấp thực tế rằng, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã và đang tích cực hợp tác trong nhiều tổ chức đa phương khác như BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng như có cơ hội để thiết lập nhiều nền tảng mới cho hợp tác chính trị, kinh tế và quân sự như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tam giác chiến lược Nga - Ấn - Trung (RIC) với những khó khăn và thách thức tồn tại ngay trong nội tại (ví như quan hệ Ấn-Trung; Nga-Trung) mang đặc trưng vừa hợp tác vừa cạnh tranh, có thể là một mô hình đối thoại thú vị trong trật tự thế giới đa cực mới.

Nga-Trung bắt tay

Liên quan tới mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Trung Quốc và Nga, có thể xem xét các thỏa thuận mới nhất trong hợp tác năng lượng. Có thể nói, quan hệ đối tác Nga-Trung dựa vào chiến lược cùng có lợi.

Cột mốc trong mối quan hệ này năm ngoái là thỏa thuận tháng 5/2014 trị giá 400 tỉ USD với hệ thống ống dẫn năng lượng Siberia chuyển 38 tỉ mét khối khí tự nhiên từ Nga sang TQ. Việc bán khí tự nhiên sẽ không bắt đầu ngay lập tức vì các mỏ khí ở vùng Viễn Đông Nga đòi hỏi cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống ống dẫn chưa được lắp đặt. Tuy nhiên, theo thỏa thuận này, hệ thống ống dẫn phía đông đưa khí tới Trung Quốc sẽ hoạt động từ năm 2018.

Nga và TQ còn ký kết Bản ghi nhớ về hệ thống dẫn khí phía Tây, cung cấp thêm cho Trung Quốc 30 tỉ mét khối khí mỗi năm. Điều quan trọng của các thỏa thuận năng lượng này chính là biến Trung Quốc trở thành khách hàng tiêu dùng khí tự nhiên lớn nhất của Nga. Một khía cạnh không nên đánh giá thấp về mặt trung và dài hạn là, Trung Quốc có thể trở thành thị trường chính cho tài nguyên năng lượng Nga, vượt qua cả châu Âu.

Trong năm 2012, xuất khẩu khí tự nhiên của Nga sang châu Âu đạt tổng cộng 66 tỉ USD và chiếm hơn 10% tổng lượng xuất khẩu của Nga. Trong nỗ lực đa dạng nguồn cung, Nga có thể coi Trung Quốc là thị trường thay thế châu Âu. Nhu cầu thị trường thay thế càng trở nên cấp bách khi Mỹ tìm ra nguồn năng lượng mới - đá phiến sét. Hệ thống ống dẫn trên đất liền mang lại lợi thế chiến lược quan trọng cho Bắc Kinh, tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cung cấp năng lượng. Trung Quốc gần đây chủ yếu nhập khẩu năng lượng bằng đường biển qua eo Malacca, do Mỹ kiểm soát và qua những hải trình đang căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ (Biển Đông, Hoa Đông).

Trở thành đối tác năng lượng chủ chốt của Trung Quốc, Nga cũng sẽ là bên cạnh tranh với Mỹ khi Trung Quốc là một trong những thị trường thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Washington.

Lĩnh vực năng lượng đại diện cho địa hạt hợp tác quan trọng nhất Trung - Nga thậm chí còn có thể phát triển xa hơn, ví dụ Rosneft đã đưa ra đề xuất cung cấp 10% cổ phần cho phía Trung Quốc trong dự án cùng khai thác mỏ dầu Vankor ở Đông Siberia. Thỏa thuận này giúp Trung Quốc có tỉ lệ tham gia đáng kể nhất trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí trên bờ của Nga tính đến thời điểm này.

Chiến lược dài hạn hay chiến thuật phục hồi

Hơn thế nữa, Trung Quốc sẽ có cả văn phòng đại diện trong khuôn khổ dự án còn Moscow thì sẽ cung cấp dầu từ mỏ Vankor cho Trung Quốc và thu lại tiền nhân dân tệ - một động thái thách thức với hệ thống thanh toán quốc tế hiện nay mà đồng đô la chiếm vẫn ưu thế.

Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở châu Á với tham vọng tạo ra một mạng lưới phức hợp gồm đường sắt cao tốc, hệ thống ống dẫn dầu khí, cầu cảng, hệ thống cáp quang có thể nối kết các thành phố Trung Quốc đến những nước láng giềng và xa hơn thế.

Sự hợp tác Trung- Nga còn có thể được coi là một phản ứng chính trị với việc Nato kiềm chế Nga hay chiến lược trục xoay tái cân bằng sức mạnh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tình hình quốc tế và những mối quan tâm tới các vấn đề chiến lược đã tạo điều kiện để "thúc đẩy tinh thần liên minh" giữa Nga và Trung Quốc, để Moscow có thể bảo vệ các lợi ích của họ còn Bắc Kinh có thể duy trì cán cân quyền lực toàn cầu.

Hai nước này còn tăng cường quan hệ trong nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, không gian, quốc phòng và công nghệ thông tin. Bắc Kinh có thể hỗ trợ tài chính để Nga vượt khỏi vòng vây cấm vận từ phương Tây. Trong thực tế, Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào trái phiếu và đầu tư trực tiếp vào Nga với nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ. Nga-Trung cũng lên kế hoạch cho hợp tác quân sự mà cụ thể là tập trận hải quân chung 2015 không chỉ ở Thái Bình Dương mà còn ở cả Địa Trung Hải.

Sau tất cả, đây là một chiến lược dài hạn của Nga khi cố ý gạt qua bên lề hợp tác với châu Âu và Mỹ hay đơn thuần chỉ là chiến thuật tìm kiếm sự phục hồi quan hệ với phương Tây? Rất có thể Nga muốn tăng cường quan hệ đối tác với Bắc Kinh như sự chọn lựa hữu hiệu với châu Âu, nhưng cũng còn là để đối trọng với vai trò Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, toàn bộ kịch bản là đa diện hơn, phức tạp hơn, vì mối quan hệ phức tạp Mỹ-Trung Quốc, vì sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh.

Căng thẳng Nga và phương Tây có thể được Trung Quốc tận dụng để làm lợ thế. Nhìn về tổng thể bức tranh, cần phải cân nhắc thực tế rằng, Bắc Kinh không có ý định cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Washington dẫn tới một sự cạnh tranh chiến lược điển hình giữa các khối như thời Chiến tranh Lạnh. Bối cảnh toàn cầu hiện nay không đặc trưng bởi các khối đối lập về hệ tư tưởng, mà là các trung tâm quyền lực phụ thuộc lẫn nhau với vai trò ngày càng gia tăng của các quốc gia châu Á.

Tác giả Francesco Brunello Zanitti là Giám đốc chương trình nghiên cứu Nam Á, cũng là một trong những giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Địa chính trị Italia.

(Còn nữa)

Theo Minh Tâm/Pravda
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm