1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Anh: Vũ khí mới đang xoay chuyển cục diện xung đột Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine thừa nhận không thể đánh chặn bom lượn của Nga và loại vũ khí này đang cản trở kế hoạch phản công quy mô lớn của Kiev.

Báo Anh: Vũ khí mới đang xoay chuyển cục diện xung đột Nga - Ukraine - 1

Các máy bay Su-34 của Nga thả bom dẫn đường (Ảnh minh họa: Military Magazine).

Báo Telegraph của Anh ngày 8/5 cho biết, Nga đang sử dụng loại bom dẫn đường để qua mặt hệ thống phòng không Ukraine và gây thách thức cho kế hoạch phản công của Kiev. "Vũ khí mới của Nga đang xoay chuyển cục diện xung đột ở Ukraine", tựa đề bài báo của Telegraph viết khi đề cập đến các loại bom lượn của Nga như FAB-250, FAB-500.

Telegraph giải thích, những quả bom này có tầm bắn vượt xa hệ thống phòng không chiến thuật của Ukraine, vốn được chuyển đến tiền tuyến để hỗ trợ cho kế hoạch phản công.

Theo Defense Express, các quả bom FAB-250 được lắp đặt trên một bệ có cánh và trang bị hệ thống định vị/hệ thống dẫn đường quán tính, biến chúng thành loại bom dẫn đường có độ chính xác cao. Sau khi được tách khỏi máy bay, với tốc độ 800-900 km/h, quả bom sẽ lao về phía mục tiêu có khoảng cách lên tới 80km. Những quả bom này thường được trang bị trên máy bay ném bom Su-34, sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu trong chiến tuyến của đối phương. Bom FAB-250 được gắn đầu đạn có sức nổ mạnh, dùng để tấn công các mục tiêu mặt đất, bao gồm sở chỉ huy, công trình phòng thủ, phương tiện tác chiến.

Giới chức Ukraine ước tính, Không quân Nga đang sử dụng ít nhất 20 quả bom loại này ở Ukraine mỗi ngày, đặc biệt trong vòng một tháng trở lại đây. "Mỗi ngày có khoảng 20 quả bom dẫn đường được ném xuống các khu vực tiền tuyến. Chúng bay xa tới 70-80km và đủ sức nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu. Chúng tôi không thể đối phó loại vũ khí này, mạng lưới phòng không Ukraine không thể đánh chặn các quả bom", phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ihnat hôm 2/5 thừa nhận.

Theo ông, Nga đang tăng cường sử dụng bom lượn do kho dự trữ tên lửa hành trình bắt đầu cạn kiệt trong khi Moscow chưa thể chiếm ưu thế trên không ở Ukraine.

Đại tá Ihnat cho biết, biện pháp tốt nhất để đối phó với bom dẫn đường là bắn hạ tiêm kích mang chúng, song Ukraine cần những hệ thống phòng không hiện đại hơn các tổ hợp S-300 ra đời từ thời Liên Xô. Do vậy, Kiev tiếp tục kêu gọi Mỹ cung cấp tiêm kích F-16, đề nghị mà Washington đến nay chưa thể đáp ứng.

"Chỉ cần 1 hoặc 2 tiêm kích F-16 là đủ để đối phó loại bom này bởi vì khi phát hiện các tiêm kích, máy bay Nga mang bom dẫn đường sẽ tránh tiếp cận", ông Ihnat nói.

Vài ngày trở lại đây, ngoài bom dẫn đường, Nga tăng cường sử dụng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) để tập kích hạ tầng của Ukraine như đường sắt, kho nhiên liệu, kho đạn, nơi tập trung quân. Điều này gây thách thức cho kế hoạch phản công mùa xuân của Ukraine, Justin Crump, đại diện một công ty tư vấn tình báo Anh, nhận định. Theo ông, xe tăng và binh sĩ Ukraine được điều động ra tiền tuyến chuẩn bị cho phản công cần bố trí rải rác để hạn chế thiệt hại nếu bị không kích, song phải có khả năng tập hợp rất nhanh khi cần thiết.

Theo giới chức phương Tây, Ukraine đã tập hợp ít nhất 9 lữ đoàn do NATO huấn luyện cùng với hàng trăm xe bọc thép để chuẩn bị phản công. Một số chuyên gia dự đoán, cuộc phản công của Ukraine sẽ bắt đầu từ Zaporizhia ở miền Nam nhằm cô lập bán đảo Crimea. Những tuần gần đây, Nga cũng ra sức phòng thủ ở các vùng lãnh thổ đã kiểm soát, đặc biệt là miền Nam Ukraine.

Tổng thống Séc Petr Pavel cuối tuần qua cảnh báo, Ukraine không nên đánh giá thấp lực lượng của Nga và cũng không nên vội vàng phản công khi chưa đủ điều kiện cần thiết. "Sẽ rất bất lợi cho Ukraine nếu cuộc phản công này thất bại, bởi vì họ sẽ không có cơ hội nào khác, ít nhất là không phải trong năm nay", ông Pavel nhấn mạnh.

Theo RT