1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bài toán khó của Thủ tướng Đức tương lai: Vực dậy châu Âu, độc lập với Mỹ

Anh Minh

(Dân trí) - Nhà lãnh đạo bảo thủ Friedrich Merz, người gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng Đức tiếp theo, đang phải đối diện với bài toán nan giải trong quan hệ với Mỹ và châu Âu.

Bài toán khó của Thủ tướng Đức tương lai: Vực dậy châu Âu, độc lập với Mỹ - 1

Lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Friedrich Merz phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin ngày 24/2 (Ảnh: AFP).

Ủy ban bầu cử Đức ngày 24/2 công bố kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong cuộc tổng tuyển cử sớm cho thấy Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã giành được 28,6% số phiếu ủng hộ, giữ vị trí dẫn đầu. 

Với kết quả này, ông Friedrich Merz, lãnh đạo liên minh bảo thủ CDU/CSU, gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng Đức tiếp theo. 

Mặc dù giành chiến thắng nhưng con đường phía trước của ông Merz được dự báo sẽ còn nhiều chông gai. Trong nước, trước mắt ông Merz phải đối diện với nhiệm vụ thành lập một chính phủ liên minh và ứng phó với sự trỗi dậy của đảng cực hữu Lựa chọn vì nước Đức (AfD). 

Về đối ngoại, ông Merz cần thúc đẩy các chính sách định hình lại quan hệ với Mỹ theo hướng độc lập hơn, cũng như duy trì sự thống nhất và khôi phục vị thế của Liên minh châu Âu (EU).

Khó dẫn dắt EU độc lập khỏi Mỹ

Chỉ vài giờ sau khi giành được số phiếu bầu gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức, ông Merz đã đưa ra một dự đoán khá ảm đạm về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

"Từng bước, châu Âu cần dần độc lập khỏi Mỹ. Theo cách này hay cách khác, chính quyền Donald Trump đang không quan tâm đến châu Âu", ông Merz chia sẻ trên kênh tin tức ARD

Đây là một đánh giá đáng chú ý nếu xét tới người đưa ra phát ngôn đó. Năm nay 69 tuổi, ông Merz là một chính trị gia kỳ cựu đại diện cho đảng Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ của Đức. Ông được biết đến là chính trị gia có tư tưởng ủng hộ giới doanh nghiệp, từng muốn thúc đẩy quan hệ song phương Mỹ - Đức.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine diễn ra cách đây 3 năm đã cho châu Âu thấy rằng họ cần phải suy nghĩ lại về khả năng phòng thủ của mình. Sự không chắc chắn về vai trò lãnh đạo của Mỹ dưới thời chính quyền Trump đang đặt châu Âu phải đối mặt với một vấn đề cơ bản về lòng tin.

"Thế giới ngoài kia sẽ không chờ đợi chúng ta", ông Merz phát biểu sau cuộc bầu cử với quyết tâm đẩy nhanh quá trình thành lập chính phủ để đối phó với những thách thức cấp bách về an ninh - quốc phòng mà châu Âu đang phải đối mặt.

"Chúng ta cần nhanh chóng hành động để có thể làm những điều đúng đắn trong nước và cải thiện vị thế ở châu Âu, để thế giới một lần nữa chứng kiến một nước Đức đáng tin cậy", ông Merz nhấn mạnh.

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có vị trí chiến lược quan trọng và dân số đông, Đức được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trung tâm. Nhưng độc lập khỏi Mỹ là vấn đề không dễ dàng đối với Đức. 

Khoảng 50.000 binh lính Mỹ vẫn đang đồn trú tại Đức, chỉ đứng sau Nhật Bản. Lực lượng vũ trang Đức vẫn được coi là yếu và bị ràng buộc bởi sự đồng thuận sau Thế chiến II khiến họ không thể hành động đơn phương.

Các doanh nghiệp Đức cũng phụ thuộc vào thương mại với Mỹ khiến quốc gia này dễ bị đe dọa bởi thuế quan từ Washington. Trong các lĩnh vực quan trọng khác, gồm cả công nghệ và quốc phòng, Đức phụ thuộc vào Mỹ với các đơn đặt hàng cụ thể mà họ không thể dễ dàng tìm nguồn cung ứng ở châu Âu. 

Nền kinh tế Đức, từng là nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, đã chững lại trong những năm gần đây và rơi vào suy thoái 2 năm qua.

Một nghiên cứu chung do Viện Kinh tế Thế giới Kiel và Bruegel công bố tuần trước ước tính, Đức sẽ phải tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm thêm hơn 145 tỷ USD để đảm bảo châu Âu có thể tự vệ trước Nga mà không cần Mỹ, cũng như cung cấp thêm 100.000 quân cho NATO.

Rachel Rizzo, nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định: "Nếu Đức không thể thay đổi đáng kể vai trò của mình trong NATO và châu Âu, họ sẽ bị coi là yếu và kém hiệu quả. Điều này chỉ càng khiến ông Trump thiếu tin tưởng vào châu Âu".

"Với tư cách Thủ tướng Đức, ông Merz cần phải đối mặt với thực tế hiện tại chứ không phải với hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn", Guntram Wolff, chuyên gia kinh tế của Viện Kinh tế Thế giới Kiel và Bruegel, nhận xét.

Khôi phục vị thế của châu Âu

Bài toán khó của Thủ tướng Đức tương lai: Vực dậy châu Âu, độc lập với Mỹ - 2

Lãnh đạo Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) Friedrich Merz (giữa) phát biểu trên sân khấu bên cạnh Thủ hiến bang Bavaria và lãnh đạo Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Markus Soeder (Ảnh: Reuters).

Hiện nay, châu Âu đang rất cần một nước Đức mạnh mẽ để giúp lục địa này có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong các vấn đề quốc tế nói chung và châu lục nói riêng. 

Điều này lại càng cấp thiết khi xét tới bối cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang có xu hướng rời xa châu Âu. Ví dụ điển hình nhất là chính quyền Mỹ đã gạt châu Âu sang một bên để trực tiếp đàm phán với Nga về tình hình Ukraine, cho dù cuộc xung đột này có những tác động sát sườn tới an ninh châu lục. 

Những năm gần đây, Berlin hầu như không tham gia vào các hoạt động ngoại giao liên quan tới tương lai EU và NATO bởi chính phủ Đức thực tế đã suy yếu và chia rẽ từ trước khi sụp đổ vào năm ngoái. Nền kinh tế Đức đã đối mặt tình trạng trì trệ sau 2 năm suy thoái. 

Việc nước Pháp cũng đang vướng vào một cuộc khủng hoảng chính trị khiến trung tâm quyền lực ở châu Âu rơi vào khoảng trống ngay ở những thời điểm cần tới sự lãnh đạo mạnh mẽ nhất.  

Ông Merz được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống đó. Với tính cách mạnh mẽ và quyết đoán hơn Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz, ngày 24/2 ông Merz tuyên bố ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là củng cố châu Âu "để chúng ta có thể từng bước đạt được sự độc lập thực sự khỏi Mỹ". 

Ông Merz cho rằng châu Âu "không còn có thể dựa vào sự bảo vệ của Mỹ nữa", đồng thời kêu gọi Anh và Pháp đàm phán để chia sẻ khả năng răn đe hạt nhân của họ với Đức và châu Âu.

Để tạo xung lực mới cho một EU đang suy yếu, nhà lãnh đạo bảo thủ Đức đã cam kết khôi phục mối quan hệ căng thẳng với Paris và Warsaw, và vận động Anh tham gia đối tác an ninh với các cường quốc châu Âu. 

Tiếng nói của Đức sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại vai trò của EU. Trên cương vị Thủ tướng Đức tương lai, ông Merz chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn nhưng các đối tác của ông ở châu Âu đang mong muốn một nước Đức chủ động hơn.

Theo AFP, Reuters, Guardian