1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bãi thử hạt nhân Triều Tiên ở cửa ngõ Trung Quốc có nguy cơ bị sập

(Dân trí) - Các nhà khoa học Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo, ngọn núi ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên cạnh cửa ngõ Trung Quốc có nguy cơ sẽ sập nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện một vụ thử nghiệm nữa tại đây.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát trước khi vụ thử hạt nhân lần 6 diễn ra hôm 3/9. (Ảnh: AP)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát trước khi vụ thử hạt nhân lần 6 diễn ra hôm 3/9. (Ảnh: AP)

SCMP ngày 27/10 cho biết các nhà nghiên cứu tại Viện Địa chất và Địa Vật lý thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã cảnh báo các chuyên gia Triều Tiên về nguy cơ sập ngọn núi Mantap ở bãi thử Punggye-ri, cách biên giới Trung Quốc 80km.

Cuộc gặp gỡ giữa 2 nhóm nhà khoa học Triều Tiên và Trung Quốc diễn ra vào ngày 20/9. Theo ông Zhai Mingguo, một nhà địa chất Trung Quốc, cuộc họp đã đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau tuy nhiên vấn đề liên quan các vụ thử hạt nhân Bình Nhưỡng là vấn đề mà chính phủ Bắc Kinh quan tâm hơn cả. Phái đoàn Triều Tiên do ông Lee Doh-sik, giám đốc Viện Nghiên cứu Địa chất thuộc Học viện Khoa học Nhà nước, dẫn đầu.

“Ông Lee là nhà địa chất hàng đầu Triều Tiên, tuy nhiên ông ấy không có liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng”, nhà khoa học Peng Peng thuộc phái đoàn Trung Quốc chia sẻ.

Sau khi Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9, một chuyên gia khoa học nguyên tử cao cấp Trung Quốc đã cảnh báo nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm, phần đỉnh núi có thể bị "thổi bay" và ngọn núi có thể bị sập. Tệ hơn, các nhà khoa học cho biết phóng xạ từ vụ thử có thể bị rò rỉ ra khỏi các hố hoặc vết nứt trong bãi thử và lan ra khu vực bên kia biên giới Trung - Triều.

Sau một số cảnh báo từ Bắc Kinh, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đột ngột tuyên bố tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 9 rằng Bình Nhưỡng có thể thử “một quả bom nhiệt hạch uy lực nhất” ở Thái Bình Dương.

Lần thử hạt nhân lần 6 của Triều Tiên có sức công phá từ 100 tới 200 kiloton, mạnh hơn tất cả những cuộc thử nghiệm trước đó. Hậu quả là bãi thử Punggye-ri đã chịu nhiều trận động đất và sạt lở và trở nên không ổn định, làm dấy lên mối lo ngại từ phía Bắc Kinh rằng một vụ sập núi có thể gây ra hậu quả rò rỉ chất thải phóng xạ nghiêm trọng.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm