Bãi thử hạt nhân Triều Tiên có hội chứng “núi mệt”
(Dân trí) - Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên được cho là đang có những dấu hiệu không bền vững về địa chất hay còn gọi là “hội chứng núi mệt” sau hàng loạt vụ thử hạt nhân, theo các chuyên gia Mỹ.
Trang web 38North của Viện nghiên cứu Mỹ-Hàn thuộc Đại học John Hopkins của Mỹ ngày 17/10 đưa ra đánh giá về tình trạng của núi Mantap ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.
Báo cáo cho biết, các chuyên gia đã ghi nhận 3 trận động đất ở quanh bãi thử này kể từ sau vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên hôm 3/9. Ngoài ra, xung quanh khu vực núi Mantap cũng bắt đầu xuất hiện hiện tượng sụt lún.
Một số báo cáo cho rằng, khu vực này không thể chống chịu thêm bất cứ một vụ thử hạt nhân nào nữa, nói cách khác là Mantap đang có “hội chứng núi mệt”.
“Hội chứng núi mệt” được dùng để chỉ tác động của các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất đến nền đất xung quanh. Theo 38North, vùng chịu tác động địa chất sau vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên có thể mở rộng trong bán kính khoảng 1,4km kể từ vị trí nổ hạt nhân. Do đó, sự xuất hiện của các dư chấn là điều tất nhiên, các chuyên gia của 38North nhận định.
Tuy nhiên, họ cho rằng, Triều Tiên sẽ chưa có ý định từ bỏ bãi thử này ngay lập tức, đặc biệt là khi Punggye-ri vẫn còn hai hệ thống đường hầm chưa sử dụng.
Bãi thử Punggye-ri nằm ở khu vực đồi núi phía đông bắc Bình Nhưỡng. Đây được coi là cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên và là bãi thử hạt nhân còn hoạt động duy nhất trên thế giới.
Các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên diễn ra trong một hệ thống đường hầm chạy dưới chân núi Mantap, gần bãi thử Punggye-ri. Đường hầm dài hơn 1km với 3 cửa vào. Qua thời gian, hệ thống đường hầm này được mở rộng ra.
Minh Phương
Theo AFP