Bác sĩ ở Gaza: Chúng tôi để bệnh nhân gào thét hàng giờ vì thiếu thuốc mê
(Dân trí) - Thiếu thốn vật tư y tế, các bác sĩ khắp Gaza nói họ phải phẫu thuật cho bệnh nhân mà không có thuốc gây mê giảm đau, thậm chí không tiếp nhận người mắc bệnh mạn tính.
"Vì thiếu thuốc giảm đau, chúng tôi để bệnh nhân la hét hàng giờ liền", một bác sĩ kể với BBC.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng hệ thống y tế ở Gaza đã đến mức "không còn có thể được diễn tả bằng lời", khi mà 23 bệnh viện ở Gaza đã không hoạt động tính đến ngày 18/2. 12 bệnh viện chỉ hoạt động một phần và một bệnh viện hoạt động ở mức tối thiểu.
WHO cho biết các cuộc không kích và tình trạng thiếu hụt vật tư đã "vắt kiệt hệ thống từ trước đã thiếu nguồn lực".
Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nói rằng Hamas "sử dụng bệnh viện và trung tâm y tế vào hoạt động khủng bố một cách có hệ thống".
Bệnh viện bị dàn mỏng
Nhân viên y tế cho biết, nhiều bệnh viện ở Gaza đang quá tải và bị hạn chế trang thiết bị. Có thông tin cho thấy một số bệnh viện ở miền nam Gaza đang hoạt động với hơn 300% công suất giường bệnh.
Ngày 18/2, bệnh viện Nasser ở miền nam Gaza là cơ sở mới nhất ngừng hoạt động sau cuộc đột kích của lực lượng Israel.
IDF cho biết, tại bệnh viện Nasser, họ đã tìm thấy vũ khí và các lọ thuốc có dán tên và ảnh con tin vào ngày 18/2. Lực lượng này sau đó đã bắt giữ "hàng trăm kẻ khủng bố" đang ẩn náu tại bệnh viện.
Nhân viên tại các bệnh viện xung quanh nói rằng hoạt động của Israel tại bệnh viện Nasser đã làm gia tăng áp lực cho họ.
Yousef al-Akkad, Giám đốc Bệnh viện châu Âu Gaza ở thành phố Khan Younis, mô tả tình hình hiện tại là "tồi tệ nhất mà chúng tôi phải đối mặt kể từ đầu cuộc chiến".
"Tình trạng từ trước đã rất nghiêm trọng. Bạn thử nghĩ xem sẽ thế nào sau khi tiếp nhận thêm hàng nghìn người mất nhà cửa đang phải vật vờ ở hành lang và các khu vực công cộng?", ông nói.
Ông al-Akkad cho biết, bệnh viện của ông không còn đủ giường nên nhân viên phải trải ga trên khung kim loại hoặc gỗ rồi đặt bệnh nhân nằm ngay trên sàn.
Các bác sĩ khác trên khắp Dải Gaza cũng mô tả tình cảnh tương tự.
"Ngay cả khi có ai đó bị ngừng tim hoặc có vấn đề về tim, chúng tôi vẫn đặt họ xuống sàn và bắt đầu xem xét", bác sĩ Marwan al-Hams, Giám đốc Bệnh viện Martyr Mohammed Yusuf al-Najjar của Rafah, cho biết.
Thiếu thuốc và vật tư
Nhân viên y tế nói rằng họ đang phải chật vật làm việc với nguồn vật tư hạn chế. "Chúng tôi không thể tìm thấy một giọt oxi nào", một người nói với BBC.
Bác sĩ al-Akkad cho biết: "Chúng tôi đang thiếu thuốc gây mê, vật tư cho ICU, thuốc kháng sinh và cuối cùng là thuốc giảm đau. Có rất nhiều người bị bỏng nặng... nhưng chúng tôi không có thuốc giảm đau phù hợp cho họ".
Một bác sĩ khác xác nhận rằng họ đang phải làm phẫu thuật mà không dùng gây mê.
Một nhóm nhân viên của WHO cho biết, họ gần đây bắt gặp trường hợp một bé gái 7 tuổi tại bệnh viện châu Âu Gaza bị bỏng 75% cơ thể nhưng không có thuốc giảm đau.
Bác sĩ Mohamed Salha, Quyền giám đốc bệnh viện Al-Awda ở phía bắc Gaza, nói rằng người ta phải dùng lừa và ngựa để vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Ông cho biết, các bác sĩ tại đây đang phải thực hiện phẫu thuật bằng ánh sáng đèn pin vì tình trạng thiếu điện.
"Mọi việc trở thành thảm họa khi vết thương của bệnh nhân bắt đầu thối rữa sau khi bị để hở hơn 2-3 tuần", ông nói.
Không có chỗ cho bệnh nhân mãn tính
Giữa khủng hoảng tại Gaza, người mắc bệnh mạn tính "phải trả giá đắt", các bác sĩ nói với BBC.
Tiến sĩ al-Akkad cho biết: "Nói thật là chúng tôi không có giường cho họ và không có khả năng theo dõi họ".
"Người nào trước đó phải chạy thận 4 lần một tuần thì bây giờ chỉ có thể làm một lần một tuần. Nếu người này trước chạy 16 giờ một tuần thì bây giờ sẽ chỉ làm một giờ", ông al-Akkad nói.
Một số phụ nữ thậm chí đang phải sinh con trong lều tạm mà không được hỗ trợ y tế, trong bối cảnh các bệnh viện cung cấp dịch vụ hộ sinh nói rằng họ đang bị hạn chế về năng lực.
"Trẻ em ra đời nhưng không có sữa cho chúng. Bệnh viện chỉ cung cấp một hộp sữa cho mỗi đứa trẻ", bác sĩ Salha nói.
Người dân đến bệnh viện khi mắc phải dịch bệnh đang lây lan trong điều kiện sống chật chội và mất vệ sinh.
Abu Khalil, 54 tuổi, người đã phải bỏ nhà cửa để đến Rafah, cho biết: "Có nhiều bệnh tật mà chúng tôi không thể tìm được thuốc chữa. Chúng tôi cần phải ra khỏi nhà từ lúc trời chưa sáng rõ để xếp hàng và có lẽ đã có 100 người tới trước. Bạn phải trở về tay không".