1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bác sĩ giữa “tâm dịch” Vũ Hán: Đóng bỉm làm việc, bị bệnh nhân đe dọa

(Dân trí) - Các bác sĩ và y tá tại Vũ Hán đang đánh đổi mạng sống của họ theo nhiều cách để đối phó với dịch viêm phổi do virus corona gây ra.

Bác sĩ giữa “tâm dịch” Vũ Hán: Đóng bỉm làm việc, bị bệnh nhân đe dọa - 1

Các bác sĩ tại Vũ Hán đang làm việc xuyên ngày đêm để đối phó dịch bệnh. (Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc đã thực hiện những bước đi chưa từng có tiền lệ trong cuộc chiến với virus corona khởi phát từ Vũ Hán, bao gồm lệnh phong tỏa một tỉnh với 60 triệu dân. Tuy nhiên, ở nơi tuyến đầu của cuộc chiến, tại các bệnh viện, các bác sĩ và y tá nói rằng họ vẫn thiếu các trang thiết bị cần thiết và phải đối mặt với những mối đe dọa bị tấn công từ những bệnh nhân hoảng loạn.

Một bác sĩ tại bệnh viện ở Vũ Hán cho biết anh vẫn chưa được về nhà trong suốt 2 tuần, thậm chí trong một ca làm đêm gần đây, anh đã phải khám cho 150 bệnh nhân xếp hàng tại một phòng khám ngoại trú.

“Tất cả bệnh nhân đều lo lắng. Một số trở nên tuyệt vọng sau khi phải chờ suốt nhiều giờ đồng hồ trong thời tiết giá lạnh”, bác sĩ ở Vũ Hán cho biết.

“Tôi nghe thấy một người trong hàng nói rằng anh ta phải chờ lâu tới mức anh ta muốn đâm chúng tôi. Tôi thấy lo sợ. Nhưng việc giết một vài người trong số chúng tôi cũng không làm cho hàng (bệnh nhân) đang chờ ngắn lại đúng không?”, bác sĩ nói tiếp.

Lo ngại của bác sĩ ở Vũ Hán về nguy cơ xảy ra bạo lực là điều dễ hiểu. Ngày 29/1, hai bác sĩ tại Bệnh viện Số 4 Vũ Hán đã bị người nhà của một bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi do virus corona đánh đập. Beijing Youth Daily đưa tin, đồ bảo hộ của một trong số hai bác sĩ trên đã bị xé toạc ngay ở khu vực nhiễm dịch.

“Tâm lý bức xúc dồn nén kể từ khi bệnh viện làm việc hết công suất từ đầu tháng 1. Nhiều người không thể tìm nổi một chiếc giường. Nhưng chúng tôi có thể làm gì được?”, bác sĩ đặt câu hỏi.

“Các bác sĩ và y tá vẫn đang làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí ca đêm cũng làm kín lịch. Chúng tôi bị vây quanh bởi các bệnh nhân. Họ ho ngay cạnh chúng tôi suốt cả đêm”, bác sĩ ở Vũ Hán cho biết thêm.

Tính đến ngày 1/2, 259 trường hợp được xác nhận tử vong do virus corona, trong khi số ca nhiễm virus lên tới gần 12.000 người, cao hơn rất nhiều so với đại dịch SARS hồi năm 2002-2003.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29/1 tuyên bố dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. WHO cảnh báo nguy cơ virus lan nhanh tới các quốc gia khác khi họ chưa có đủ khả năng ứng phó kịp thời.

Trung Quốc đã huy động hơn 6.000 nhân viên y tế trên cả nước tới hỗ trợ các đồng nghiệp đang kiệt sức tại tỉnh Hồ Bắc, nơi có “ổ dịch” Vũ Hán. Các lực lượng lục quân, hải quân và không quân cũng cử bác sĩ tới hỗ trợ 3 bệnh viện chính tại Vũ Hán để điều trị các bệnh nhân nhiễm virus corona.

Mặc dù 500.000 nhân viên y tế tại Hồ Bắc đã phải hủy kỳ nghỉ tết nguyên đán trong một tuần qua để chạy đua với dịch bệnh, nhưng các bệnh viện vẫn trong tình trạng quá tải. 60% số ca nhiễm bệnh và 95% số ca tử vong do virus corona tại Trung Quốc được xác nhận tại Hồ Bắc.

Một nguồn tin cho biết các bác sĩ quân y đã phải vào cuộc để hỗ trợ, song các bệnh viện vẫn thiếu nhân lực để đối phó với dịch bệnh.

“Quá nhiều bệnh nhân cần điều trị, quá nhiều xét nghiệm cần phải làm, mọi người đều tất bật. Nhưng với đội ngũ của chúng tôi ở đây, ít nhất các đồng nghiệp ở Vũ Hán vẫn có thêm một hoặc hai giờ ngủ”, một bác sĩ cho biết.

Theo Tân Hoa Xã, các nhóm y bác sĩ tại Đại học Quân y ở Trùng Khánh đang điều trị cho hơn 72 bệnh nhân được xác nhận nhiễm virus corona tại bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán.

Thiếu trang thiết bị

Bác sĩ giữa “tâm dịch” Vũ Hán: Đóng bỉm làm việc, bị bệnh nhân đe dọa - 2

Các bác sĩ tại Vũ Hán cho biết họ vẫn thiếu các trang thiết bị y tế cần thiết. (Ảnh: Reuters)

Các nhân viên y tế khác tại Vũ Hán cho biết các trang thiết bị cần thiết cho việc điều trị bệnh nhân đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đủ.

Một bác sĩ tại bệnh viện Tongji nói rằng anh đã mặc một bộ đồ bảo hộ trong suốt ca làm việc kéo dài 10 giờ, vì không có đủ đồ để mặc.

“Đồ bảo hộ cần được thay mỗi lần chúng tôi bước ra khỏi vùng nhiễm dịch. Tôi mặc bỉm dành cho người lớn và hạn chế uống nước trong ca làm việc để không mất thời gian đi vệ sinh. Đây cũng là tình trạng chung của các đồng nghiệp của tôi”, bác sĩ bệnh viện Tongji chia sẻ.

Yangtze Daily, tờ báo chính thức của thành phố Vũ Hán, ngày 26/1 đưa tin thành phố này đã tiếp nhận 10.000 bộ đồ bảo hộ, 800.000 khẩu trang N95, 5 triệu khẩu trang y tế và 4.200 kính bảo hộ.

Tuy nhiên, bác sĩ tại bệnh viện Tongji cho biết đã xảy ra vấn đề với chất lượng của các trang thiết bị được cung cấp.

“Chúng tôi nhận thấy rằng một số trang thiết bị chất lượng thấp đã bị hỏng. Tôi không biết chắc chắn ai đã mua những đồ này cho bệnh viện, vì chúng có thể dẫn tới cái chết của các bác sĩ và y tá”, bác sĩ bệnh viện Tongji nói thêm.

Một bác sĩ khoa giải phẫu thần kinh tại Bệnh viện Liên minh Vũ Hán ngày 30/1 đã chia sẻ trên mạng xã hội Weibo rằng bệnh viện này đang rất cần các trang thiết bị y tế, bao gồm kính bảo hộ, đồ bảo hộ mặc một lần và khẩu trang N95. Bài viết cũng đăng kèm lời kêu gọi hỗ trợ tài chính, cùng thông tin tài khoản ngân hàng và số điện thoại của các nhân viên trong bệnh viện để những người muốn đóng góp có thể liên lạc.

Cheng, một trong số các đầu mối liên lạc của bệnh viện, cho biết đồ bảo hộ đang là mặt hàng có nhu cầu lớn nhất.

“Nếu không có đồ bảo hộ, các bác sĩ không thể tiếp xúc với bệnh nhân hoặc điều trị cho họ, vì thế sẽ ảnh hưởng tới công việc của chúng tôi. Chúng tôi phải mặc nhiều đồ bảo hộ trong một ngày. Ban đầu chúng tôi cũng nhận được nhiều đồ quyên góp từ mọi người sau lần đầu kêu gọi giúp đỡ, tuy nhiên sau đó chúng tôi phát hiện ra rằng nhiều món đồ không phù hợp với các quy chuẩn về y tế và không thể sử dụng được”, ông Cheng cho biết.

Cũng theo ông Cheng, các bác sĩ tại bệnh viện Liên minh Vũ Hán vẫn luôn sẵn sàng đối phó với dịch bệnh bất chấp tình trạng thiếu thốn.

“Sau tất cả, công việc của chúng tôi là phục vụ xã hội”, ông Cheng nói, đồng thời cho biết ông vẫn làm việc từ 15-16 giờ mỗi ngày.

Thành Đạt

Theo SCMP