1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ba yếu tố khiến phần lớn Tripoli về tay phe nổi dậy

Từ tháng 3/2011, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) dự đoán chế độ Gaddafi sẽ sụp đổ, nhưng rồi không có gì xảy ra. Các đồng minh phương Tây và Arập thất vọng và giả thuyết quân nổi dậy không có khả năng áp đặt thế trận nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của NATO.

 
Ba yếu tố khiến phần lớn Tripoli về tay phe nổi dậy - 1
Phe nổi dậy tại Libya.

Nhưng từ ngày 19/8, NTC thông báo tổng tấn công Tripoli với sự phối hợp của các nhóm chiến binh nổi dậy và người dân ở trong và xung quanh Tripoli cũng như không quân NATO. Chỉ trong hai ngày 20 và 21/8, quân nổi dậy đã làm chủ gần như toàn bộ thủ đô Tripoli.

Giới phân tích đưa ra 3 yếu tố giải thích tại sao phần lớn Tripoli lại nhanh chóng rơi vào tay quân nổi dậy.

Yếu tố đầu tiên có tính quyết định là sự hỗ trợ của NATO với các vụ không kích gia tăng. Từ tháng 4/2011, với sự hỗ trợ từ mặt đất của quân nổi dậy, máy bay không người lái sục sạo tìm kiếm và gia tăng áp lực đối với quân chính phủ Libya, đồng thời hướng dẫn các máy bay ném bom và chiến đấu của NATO không kích, mặc dù ít phi vụ song có độ chính xác cao hơn. Kịch bản này giống như cuộc can thiệp của NATO chống chế độ của Milosevic vào cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Mỹ cũng cho máy bay hỗ trợ quân nổi dậy ở miền Tây và góp phần làm rối loạn hàng ngũ quân chính phủ. Máy bay không người lái của Mỹ đóng vai trò to lớn trong trận chiến ở Tripoli. Nhờ đó mà quân nổi dậy biết rõ cần tiến theo hướng nào và đến đâu, đồng thời không quân NATO cũng không kích chính xác hơn.

Việc lực lượng trung thành với Gaddafi chỉ còn giữ được 10-15% thủ đô Tripoli một phần cũng là do bị các máy bay này chỉ điểm. Máy bay trực thăng NATO bắn vào những ai đi trên đường phố để mở đường cho quân nổi dậy tiến vào. Tàu của NATO cập cảng Tripoli đổ xuống vũ khí hạng nặng hỗ trợ quân nổi dậy.

Lực lượng đặc biệt của một số nước châu Âu cũng tham gia trận đánh Tripoli. Nhiều người chứng kiến tận mắt cuộc chiến trên đường phố với sự có mặt của lực lượng đặc biệt của Pháp, Anh và Mỹ mở đường cho quân nổi dậy, gần giống như những gì đã diễn ra ở Cote d'Ivoire hồi tháng 2/2011. Điều đó giải thích tại sao cuộc tấn công vào Tripoli lại mạnh và nhanh đến vậy.

Yếu tố thứ hai là các nhóm quân nổi dậy hoạt động bí mật ở trong và xung quanh thành phố Tripoli, dân chúng cũng như một bộ phận quân đội chính phủ đã hỗ trợ quân nổi dậy.

Ngày 20/8/2011, vào lúc 20 giờ, chiến dịch "Người cá" bắt đầu. Thuật ngữ "người cá" theo tiếng Pháp cũng có nghĩa là "còi hiệu," ám chỉ hệ thống loa phát thanh trên tháp chuông các nhà thờ Hồi giáo, được dùng để phát tín hiệu tiến hành nổi dậy. Ngay khi tiếng loa vang lên, các nhóm quân nổi dậy nằm vùng lập tức bắt tay vào hành động. Các nhóm nhỏ rất linh hoạt này tiến hành nhiều cuộc tấn công vào lực lượng quân chính phủ trong thành phố.

Theo ông Luis Martinez, nhà chính trị học và là chuyên gia về Bắc Phi, vào tuần lễ trước khi chiến dịch "Người cá" bắt đầu, một số quan chức trong chính quyền Gaddafi, đại diện của NTC và một đại diện của Liên hợp quốc đã gặp nhau tại Djerba (Tunisia).

Những người tham gia cuộc gặp này cho rằng để Gaddafi ở lại còn có hại hơn là để ông ta ra đi. Họ thống nhất rằng không nên chỉ vì để cứu một người mà để thành phố bị phá hủy, nhất là đó lại là Đại tá Gaddafi.

Cũng trong tuần lễ đó, có thêm rất nhiều vụ đào tẩu sang phía phe nổi dậy. Khi quân nổi dậy tiến vào thành phố, chỉ huy quân đội không ra lệnh bảo vệ thành phố, thậm chí còn bỏ lại vũ khí đạn dược tại trại lính "Cây số 27" ở cửa ngõ thành phố để quân nổi dậy có thể lấy dùng.

Lực lượng bảo vệ của Gaddafi giống như người dân Tripoli không những không nghe theo lời kêu gọi của ông đứng lên đánh đuổi quân nổi dậy, mà còn tạo điều kiện cho họ tiến vào thành phố mà gần như không gặp sức kháng cự đáng kể nào.

Yếu tố thứ ba là thủ lĩnh một số bộ lạc vốn là chỗ dựa của Gaddafi cũng thay đổi thái độ. Luis Martinez nhận xét Gaddafi hầu như đã mất hết tính hợp pháp của mình trong con mắt của họ. Cựu Thủ tướng Abdessalem Jalloud ngày 19/8 trốn khỏi Tripoli và kêu gọi bộ tộc mà Gaddafi xuất thân từ bỏ ông ta để "cứu vãn lịch sử và danh dự" của họ.

Quân nổi dậy chiếm được Zaouïa ngày 14/8. Tuy ít ai để ý, song việc thành phố nằm cách Tripoli 50km này bị thất thủ lại là chất xúc tác dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Gaddafi.

Khi chiếm thành phố này, quân nổi dậy đã cắt đứt tuyến đường chiến lược giữa Tripoli và biên giới Tunisia. Zaouïa thất thủ cũng đánh dấu tác động của việc bộ tộc Zintane gia nhập hàng ngũ quân nổi dậy.

Sau một thời gian dài lưỡng lự và thương lượng với Gaddafi, bộ tộc này - vốn rất thiện chiến và nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Italy trong khoảng thập kỷ 20 và 30 của thế kỷ XX - rốt cuộc đã cầm vũ khí chống lại Gaddafi. Người của bộ tộc này đã cùng quân nổi dậy tiến vào Tripoli.

Theo Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm