Sau cuộc chiến là một cuộc chiến nữa?
(Dân trí) - Tripoli có thể sụp đổ, cuộc chiến Libya kết thúc. Nhưng tình hình được dự báo là khó khăn hơn và ngay cả khi nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi phải ra đi, chương mới trong lịch sử nước này rất có thể lại là một giai đoạn đầy bất ổn và bấp bênh.
NTC là ai?
Giả sử chế độ Gadhafi sụp đổ, nhiệm vụ lớn sẽ đặt lên vai Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) của lực lượng nổi dậy.
NTC là lực lượng nổi dậy chủ đạo - đóng trụ sở tại Benghazi ở miền Đông Libya, bao gồm các cựu bộ trưởng từ bỏ khỏi chính quyền Gadhafi, những nhân vật đối lập lâu năm đại diện cho một loạt quan điểm chính trị, trong đó có người theo chủ nghĩa dân tộc Arập, Hồi giáo, thế tục, xã hội chủ nghĩa và thương gia.
Theo các nhà phân tích chuyên nghiên cứu về phe đối lập, bảng thành tích "cầm quyền" của NTC đến nay hết sức nghèo nàn. Thậm chí, một số nhóm nổi dậy ở những vùng khác của đất nước không muốn hợp tác với NTC. Do vậy, liệu sự chia rẽ này có bùng phát khi lực lượng nổi dậy chiếm quyền kiểm soát đất nước?
"NTC rất quan tâm tới việc tránh lặp lại trường hợp của Iraq thời hậu Saddam và muốn một tiến trình chuyển giao chính trị êm ả và trong sạch. Tuy nhiên, quả thực, quá trình này có thể sẽ rất hỗn loạn”, Oliver Miles, cựu đại sứ Anh tại Libya nhận định.
NTC trong nhiều tháng qua đã vạch ra kế hoạch thời hậu Gadhafi, trong đó có việc thành lập một chính quyền hợp hiến và tiến hành các cuộc bầu cử do Liên hợp quốc giám sát.
NTC gần đây đã công bố cái gọi là “bản tuyên ngôn lập hiến” với 37 điều, định hướng chung cho giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn này dự tính là 8 tháng, sau đó, NTC sẽ rời khỏi quyền lực sau khi đã thành lập được chính phủ lâm thời và sau khi đã tiến hành cho bầu xong Quốc hội chuyển tiếp.
Quốc hội chuyển tiếp thành lập chính phủ mới, và trong sáu tháng sẽ tổ chức tổng tuyển cử dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Quốc hội được bầu chọn cũng sẽ thành lập ủy ban đặc trách soạn thảo Hiến pháp, và sẽ cho tiến hành trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp này.
Bản tuyên ngôn trên phác họa những đường nét chính của một quốc gia dân chủ dựa trên chế độ đa nguyên. Tuy vậy, tờ Le Figaro của Pháp cho biết nó mang màu sắc tôn giáo khi khẳng định rằng, luật charia Hồi Giáo là “nguồn chính để soạn thảo pháp luật”.
Nhiều thách thức chờ đợi
Thách thức mà lực lượng nổi dậy phải đối mặt sẽ rất lớn, trong bối cảnh nền kinh tế Libya rối loạn, truyền thông bị gián đoạn, các ngành dịch vụ công cộng bị tàn phá và các nhóm có vũ trang tự do tung hoành.
Nhưng trước tiên là thách thức liên quan đến số phận của ông Gadhafi. Ông Patrick Haimzadeh, một nhà ngoại giao từng công tác ở Tripoli nhận định, nếu ông này trụ lại Tripoli, thì quân nổi dậy có thể tập trung bao vây nơi ông ẩn náu một cách dễ dàng, nhưng nếu ông đến trú ẩn ở những vùng có các bộ tộc ủng hộ ông, thì nguy cơ nội chiến sẽ kéo dài.
Cụ thể, ông Gadhafi có thể đến vùng Beni Oulid nằm ở phía nam thủ đô, tổng hành dinh của bộ tộc Warfalla, bộ tộc vẫn ủng hộ ông cho tới giờ phút này. Những nơi có thể trở thành nơi nổi dậy ủng hộ Gadhafi cũng có thể ở vùng miền đông, đặc biệt là vùng lân cận thành phố Syrte, quê hương của ông Gadhafi.
Theo nhà ngoại giao này, sau khi giành chiến thắng, NTC nên đảm bảo tốt an ninh tại Tripoli, vì nếu ông Gadhafi còn sống sót, thì những người ủng hộ ông có thể sẽ tổ chức chiến tranh du kích ở đó.
NTC đã dự tính dành 1.500 binh sĩ để thành lập lực lượng an ninh. Nhưng theo nhà ngoại giao Haimzadeh, vấn đề cơ cấu mang tính chất quyết định.
“Nếu lực lượng an ninh không có ít nhất 50% người đến từ miền Tây thì nó sẽ không thể tiến triển được. Bởi những người này đã tham gia chiến đấu để giành chiến thắng, họ có tính tổ chức hơn, họ sẽ đòi quyền lợi chính trị cho những đóng góp trên chiến trường của mình”, ông này nói.
Để giành chiến thắng nhanh gọn ở Tripoli, phe nổi dậy còn cần phải cải thiện bầu không khí chính trị chính trong nội bộ của mình, tránh để xảy ra khoảng trống quyền lực và kêu gọi sự ủng hộ của mọi người dân Libya.
Nhưng vấn đề là ai có thể đoàn kết người dân Libya một khi Gadhafi ra đi? Trong khi đó, có ý kiến trong lực lượng nổi dậy lo ngại về khả năng quân nổi dậy quay ra chống lẫn nhau để tranh giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli, hơn là lo ngại về mối đe dọa từ lực lượng trung thành với Gadhafi.