1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba vụ thử hạt nhân gây chấn động của Triều Tiên

(Dân trí) - Trong quá khứ, Triều Tiên đã 3 lần tiến hành thử hạt nhân. Trong vụ thử ngày 6/1, Bình Nhưỡng tuyên bố đây là lần đầu tiên nước này thử nghiệm bom nhiệt hạch.

(Ảnh minh họa: Getty)
(Ảnh minh họa: Getty)

Trong hai lần thử đầu tiên vào các năm 2006 và 2009, Triều Tiên tiến hành ở khu vực thử có tên gọi là Punggye-ri, hay còn gọi là P'unggye-yok. Đây là một khu vực nằm ở phía Đông Triều Tiên, gần thị trấn Kilju. Vào thời điểm đó, các cuộc đàm phán được xúc tiến với nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Ngày 9/10/2006

Trong vụ thử đầu tiên năm 2006, Triều Tiên đã kích nổ một thiết bị được đặt trên plutoni, thay vì urani được làm giàu. Vụ thử diễn ra ở bãi thử Punggye-ri. Giới chức tình báo Mỹ cho biết bụi phóng xạ thu được trên không trung một vài ngày sau đó đã xác nhận việc quốc gia Đông Bắc Á lần đầu tiên thử hạt nhân.

Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ đánh giá quy mô của lần thử đầu tiên không mạnh, chỉ chưa đầy 1 kiloton và chưa bằng một phần mười quả bom thả xuống thành phố Hiroshima vào năm 1945. Phản ứng lại vụ thử này, Liên hợp quốc đã thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế và quân sự nhằm vào Triều Tiên.

Sau đó, các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục diễn ra. Tới tháng 2/2007, Bình Nhưỡng đồng ý đóng lò phản ứng chính của nước này tại tổ hợp Yongbyon đổi lại các viện trợ kinh tế và thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các bên. Tuy nhiên, quá trình đàm phán sau đó đã sụp đổ khi Triều Tiên cáo buộc tham gia các bên tham gia đàm phán, gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, không đáp ứng được những nội dung đã được thống nhất trước đó.

Vị trí 4 bãi thử hạt nhân của Triều Tiên (Đồ họa: BBC)
Vị trí 4 bãi thử hạt nhân của Triều Tiên (Đồ họa: BBC)

Ngày 25/5/2009

Một tháng sau khi Triều Tiên quyết định rời khỏi cuộc đàm phán 6 bên, nước này đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai dưới lòng đất. Bộ Quốc phòng Nga khi đó đánh giá quy mô của lần thử này tương đương 20 kiloton, mức tương tự với những quả bom Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi năm 1945.

Dù Triều Tiên không cho biết thông tin chi tiết về vụ nổ nhưng giới chức Hàn Quốc cho biết tâm chấn của trận động đất do vụ nổ gây ra được xác định ở khu vực gần thị trấn Kilju. Vụ thử hạt nhân lần thứ hai của Triều Tiên diễn ra trong thời điểm nước này cũng đẩy mạnh quá trình phát triển tên lửa tầm xa, vốn có thể bắn tới các mục tiêu ở châu Á và tới Mỹ.

Liên hợp quốclho đã thông qua một nghị quyết lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Triều Tiên hồi tháng 8/2009, nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong-il đã có các động thái "xuống nước", đồng thời tuyên bố sẵn sàng trở lại cuộc đàm phán 6 bên.

Ngày 12/2/2013

(Ảnh: EPA)
(Ảnh: EPA)

Tới tháng 2/2013, Triều Tiên bất ngờ công bố thông tin về lần thử hạt nhân thứ ba. Trước đó, các hoạt động chuẩn bị cho lần thử này ở bãi thử Punggye-ri đã bị vệ tinh của nước ngoài phát hiện.

Thông báo của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) khi đó khẳng định: "Triều Tiên xác nhận đã thử hạt nhân ở cấp độ cao hơn với thiết bị được thu nhỏ và nhẹ hơn. Lần thử này không gây ra bất cứ tác động tiêu cực nào với môi trường sinh thái xung quanh".

Từ thông báo của KCNA về việc thiết bị đã được "thu nhỏ" một lần nữa dấy lên lo ngại của cộng đồng quốc tế về khả năng Triều Tiên sắp chế tạo được thiết bị nổ bom hạt nhân lên tên lửa đạn đạo tầm xa.

Sau đó, Liên hợp quốc tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, du lịch và thương mại của nước này. Trong khi đó, lần thử thứ 3 này của Triều Tiên cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc, quốc gia đồng minh lâu nay của Bình Nhưỡng. Có ý kiến cho rằng việc nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un "bỏ ngoài tai" đề nghị của Trung Quốc về việc kiềm chế đã dẫn tới tình trạng quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh thời gian qua.

Ngọc Anh

Tổng hợp