1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Shangrila 2013 đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn tiếp diễn. Có lẽ, kể từ sau Chiến tranh ở Việt Nam, chưa bao giờ khu vực châu Á Thái Bình Dương lại cần những điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu vào lúc này với tư cách là người đại diện quan điểm cho Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu dẫn đề Đối thoại Shangri-la. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu dẫn đề Đối thoại Shangri-la. (Ảnh: Chinhphu.vn)
 
Hơn 400 chính khách, nhà ngoại giao, nhà quân sự, giới học giả đã có mặt tại Đối thoại an ninh Shangrila 2013. Nhưng khán giả chính là các chính phủ và người dân trong khu vực, thậm chí từ cả ngoài khu vực như EU- thực thể đang muốn tham gia đối thoại từ lần tới.

Singapore vốn vẫn được xem như nhà tổ chức đại tài cho các sự kiện lớn và lần này họ đã một lần nữa thành công bởi chủ đề an ninh khu vực đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Bài diễn văn hơn 3600 chữ của Thủ tướng đã tập trung ít nhất vào ba thông điệp chính từ góc nhìn lịch sử và thời đại.

Thương mại cùng thắng, xung đột cùng thua

Khi nhà kinh tế học cổ điển David Richardo đề cập đến lợi thế so sánh giữa các quốc gia như một điều kiện tốt để thúc đẩy thương mại, có lẽ ông cũng muốn một nền hòa bình cho các quốc gia. Bởi lẽ, một khi chú tâm vào giao thương buôn bán, các quốc gia phải tìm cách giảm bớt những xung đột xích mích.

Thực tế cho thấy kể từ năm 1945 đến nay nhân loại chưa phải chứng kiến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba và một trong những nguyên nhân quan trọng là các nước đều ý thức được tầm quan trọng của xây dựng nền thịnh vượng. Giàu có và hạnh phúc, yên bình và thân thiện, những giá trị khắc chế nỗi sợ và động cơ đi đến chiến tranh.

Trong lý luận về quan hệ quốc tế, điều kiện để các quốc gia hợp tác là những tình huống hai bên cùng thắng (win-win situation). Mặc dù tỷ lệ lý tưởng là 50/50 hoặc 70/30 nhưng điều luôn xảy ra là hai bên đều có lợi. Chẳng hạn, một khi tham gia vào WTO, các quốc gia có thể bị thiệt ở thị trường này nhưng lại có lợi ở thị trường khác. Việt Nam nhập siêu với Trung Quốc nhưng lại xuất siêu với Mỹ. Trong quan hệ song phương cũng vậy, nhập nhiều hàng hóa có thể dẫn đến làm mất cân bằng cán cân tài chính nhưng lại đáp ứng được phần nào nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Tóm lại, thương mại sẽ làm cho nền thịnh vượng chung tốt hơn hẳn so với trong điều kiện không có giao thương buôn bán.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Shangri-La. Ảnh: Theo Tuổi trẻ
Richardo đã đúng và ngày nay ngay cả những ý kiến phản đối hay các lợi ích nhóm cũng không ngăn được xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu. Ví dụ, các nhóm bảo hộ không ngăn được các hiệp định tự do đang nở rộ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài RCEP do ASEAN khởi xướng là Hiệp định TPP mạnh bạo và một loạt các FTAs với các cam kết sâu về tự do khác.

Nhưng bức tranh đẹp về thương mại đang bị đe dọa. Thương mại cần giao thông và các tuyến đường vận chuyển. Giả định một tình huống xung đột xảy ra trong biển Đông, hai phần ba hàng hóa đi lại trong khu vực sẽ bị gián đoạn. Một tiếng súng không chỉ đe dọa chặn một con tàu mà cả những tiến trình hợp tác lớn trong khu vực. Bởi chỉ một tiếng súng vang lên, ký ức sẽ trở lại và ký ức của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn dĩ đã ẩn chứa nhiều nghi kị, mất mát và thậm chí cả lòng hận thù. Một cuộc đụng độ, dù nhỏ thôi sẽ đe dọa đến nhiều thành quả mà các quốc gia phải dày công mới có được. Nền hòa bình ở khu vực vốn có những yếu tố mong manh.

Trong chiến tranh, sẽ không có bên nào thắng. Ngoài việc phải dành nguồn lực huy động cho cỗ máy chiến tranh mà đáng ra phải dành cho trường học, bệnh viện, công viên giải trí, các quốc gia phải chấp nhận hy sinh xương máu con em của họ. Trong thời đại thức tỉnh của lương tri toàn cầu, cộng với tác động to lớn của truyền thông, cái giá để trả cho một phát súng là không hề nhỏ.

Các quốc gia cần phải luôn ý thức về hiểm họa của lối hành xử đe dọa, cưỡng ép, gây hấn và nguy hiểm hơn cả là sử dụng bạo lực trong quan hệ, đó thông điệp thứ nhất của Thủ tướng.

Lòng tin-điều kiện tiên quyết của hòa bình

Thông điệp thứ hai và cũng là chủ đề trong bài phát biểu của Thủ tướng là về lòng tin chiến lược. Không phải các quốc gia khu vực chưa nỗ lực xây dựng lòng tin. Bài phát biểu cũng đã nêu rõ như vậy.

Ví dụ trong ba tiến trình của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), tiến trình đầu tiên là xây dựng lòng tin. Hai tiến trình còn lại là ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột. Đối thoại Shangri La cũng chính là một công cụ tốt để xây dựng lòng tin. Bên cạnh đó, các cơ chế như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Thượng đỉnh Đông Á- diễn đàn mở của các nhà lãnh đạo khu vực, DOC/COC đều là các biện pháp xây dựng lòng tin. Nhưng chừng đó chưa đủ.

Vấn đề không chỉ là số lượng mà còn là chất lượng. Lòng tin phải đủ sâu, phải được thể hiện ở cấp chiến lược. Nó phải được xem như một tài sản, một nghĩa vụ chung của tất cả các nước trong khu vực.

Nhưng thực tế không phải là điều mong đợi. Bởi nếu không, đã có không có việc mức tăng chi tiêu quốc phòng của các nước khu vực trong năm 2012 vượt xa tổng thu nhập quốc dân của nhiều quốc gia khu vực cộng lại. Bởi nếu không, đã không có những xích mích và va chạm trên biển Đông và biển Hoa Đông. Bởi nếu không đã không phải chứng kiến sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua. Bởi nếu không, các quốc gia ven sông đã có lối ứng xử hợp tác hơn trên dòng chính sông Mê Công.

Thực tế đó sẽ càng xấu đi nếu khu vực không thực sự chú trọng xây dựng lòng tin. Lòng tin là cách duy nhất để giúp các quốc gia vượt qua được thế "lưỡng nan về an ninh" (security dilemma), trong đó việc quốc gia A nâng cao năng lực được quốc gia B diễn giải như một hành động chuẩn bị gây hấn; đến lượt khi quốc gia A xây dựng sức mạnh để nâng cao khả năng đối phó, quốc gia B cũng có diễn giải tương tự.

Trong quan hệ giữa các quốc gia thời kỳ phong kiến, đôi lúc việc xây dựng thái độ tích cực chung chỉ được thực hiện qua các vật làm tin. Ngày nay, dường như việc xây dựng lòng tin khó hơn nhiều bởi xã hội, dân số, quy mô mọi thứ đều lớn và phức tạp lên. Thế giới cũng khó lường hơn và không có chỗ cho những tính toán sai lầm. Những người theo trường phái hiện thực trong quan hệ quốc tế cho rằng cạnh tranh giữa các quốc gia là khó tránh khỏi. Nhưng họ không cho rằng chiến tranh là tất yếu. Bởi xen giữa sự va chạm về lợi ích và bạo lực là năng lực quản lý xung đột của con người.

Trong bối cảnh đó Biển Đông trở thành một "phòng thí nghiệm" lớn của thế giới về lòng tin giữa các quốc gia.

Lòng tin đã giúp các quốc gia ký hàng hàng triệu các thỏa thuận, hiệp định với nhau. Giao thức chung của thế giới ngày nay là tránh một cuộc chiến tranh lớn. Nhưng những gì đang diễn ra trong khu vực cho thấy để quản trị tốt các cuộc tranh chấp, tất cả đều phải khởi đầu từ lòng tin.

Trách nhiệm chính thuộc về nước lớn

Diễn văn của Thủ tướng cũng nêu thông điệp thứ ba, các nước lớn có một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình này, trong việc duy trì hòa bình, ổn định chung của thế giới và khu vực.

Xét cho cùng, quan hệ quốc tế bị chi phối chủ yếu bởi quan hệ giữa các nước lớn. Đó là quan điểm thực tiễn. Cho nên một khi các nước lớn không "ngồi" được với nhau, các quốc gia còn lại có lý do để lo ngại. Mặt khác, các quốc gia vừa và nhỏ cũng không hề muốn sự thỏa hiệp của các nước lớn nhằm hy sinh lợi ích của họ.

Từ góc độ của mình, các nước nhỏ cũng không né tránh trách nhiệm và thể hiện thiện chí. Thông điệp Việt Nam mong muốn có đối tác chiến lược với tất cả các nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (gồm 5 nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp) là một quan điểm thực tiễn. Có lẽ việc không có một quan hệ tích cực, gắn kết với các nước lớn không phải là điều quốc gia nào mong muốn. Dĩ nhiên, trước mọi sự đơn phương áp đặt ý chí, các quốc gia đều sẽ có sự phản kháng nhưng điều đó không có nghĩa là từ phía các nước nhỏ không nỗ lực để có mối quan hệ tốt với các nước lớn. Đó là tinh thần Nguyễn Trãi trong quan hệ Việt-Trung. Đó là tư tưởng của Hồ Chí Minh về mong muốn có "thái độ bạn bè" với tất cả các cường quốc.

Và thế giới cũng đã chờ đợi giây phút Việt Nam tuyên bố tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc. Một nước Việt Nam khao khát hòa bình sau quá nhiều chiến tranh từng là biểu tượng của thời đại.  Phải chống lại không ít cường quốc trong lịch sử, cùng với vị trí địa chiến lược nhạy cảm Việt Nam luôn có quan điểm đặc biệt thận trọng về việc một quốc gia đưa quân đội sang một quốc gia khác.

Bản chất quốc phòng của Việt Nam là tự vệ như Sách Trắng Quốc phòng 2009 và diễn văn của Thủ tướng khẳng định. Bởi vậy, việc Việt Nam tham gia vào gìn giữ hòa bình thế giới có thể được xem như một bước chuyển trong lập trường về an ninh và đối ngoại của Việt Nam. Nó cho thấy một nước Việt Nam tự tin hơn, chủ động và có trách nhiệm hơn. Nó cũng là một thông điệp của lòng tin, rằng đối với an ninh chung, Việt Nam sẵn sàng có đóng góp bằng hành động cụ thể.

Gìn giữ hòa bình là trách nhiệm chung của nước lớn, nước nhỏ, trong đó nước lớn phải có trách nhiệm lớn hơn. Nếu các nước lớn không chứng tỏ được như vậy, họ sẽ làm mất lòng tin vào bản thân họ và qua đó cũng lấy đi một phần niềm tin của thế giới.
 
Theo Thạch Hà
Tuanvietnam