1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bà Suu Kyi bị truy tố tội danh mới

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cố vấn nhà nước của chính phủ dân sự Myanmar bị lật đổ, Aung San Suu Kyi, tiếp tục vướng phải cáo buộc mới. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cảnh báo nước này có thể đối mặt nguy cơ nghiêm trọng.

Bà Suu Kyi bị truy tố tội danh mới - 1

Bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: Reuters).

Truyền thông nhà nước Myanmar ngày 10/6 đưa tin, bà Suu Kyi và 2 cựu quan chức từ chính phủ dân sự đang đối mặt với các cáo buộc tham ô mới.

Theo Ủy ban chống tham nhũng Myanmar, các cáo buộc trên có liên quan tới việc sử dụng sai mục đích đất cho Daw Khin Kyi, tổ chức từ thiện mà bà Suu Kyi làm chủ tịch. Trước đó, bà Suu Kyi từng bị cáo buộc nhận hối lộ tiền và vàng.

"Bà ấy bị phát hiện đã lợi dụng chức vụ để có hành vi tham ô. Vì vậy, bà ấy bị buộc tội theo khoản 55 của luật chống tham nhũng", truyền thông Myanmar viết. Nếu bị tuyên là có tội, bà Suu Kyi có thể phải đối mặt với án tù tối đa 15 năm.

Các luật sư của bà Suu Kyi chưa lên tiếng về vụ việc.

Sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2, bà Suu Kyi cũng bị cáo buộc nhiều tội danh khác nhau từ việc sở hữu trái phép thiết bị viễn thông cho tới vi phạm đạo luật về bí mật nhà nước.

Viện dẫn cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái là gian lận, quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ dân sự và giành quyền kiểm soát đất nước. Căng thẳng đã nổ ra dữ dội sau đó, khi hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình phản đối đảo chính. Hàng trăm người đã thiệt mạng khi quân đội tìm cách giải tán đám đông bằng mọi biện pháp, trong đó có cả sử dụng đạn thật.

Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ "tử vong hàng loạt vì chết đói, bệnh tật"

Bà Suu Kyi bị truy tố tội danh mới - 2

Cuộc sống tạm bợ của dân thường Myanmar sau khi tháo chạy khỏi các cuộc giao tranh quyết liệt giữa quân đội và nhóm vũ trang dân tộc thiểu số (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia Liên Hợp Quốc Tom Andrews ngày 9/6 đã cảnh báo về viễn cảnh u ám rằng người dân có thể "tử vong hàng loạt vì chết đói, bệnh tật" ở phía đông Myanmar sau khi gần 100.000 người phải tháo chạy khỏi nơi sinh sống.

Sau chính biến hồi tháng 2, quân đội Myanmar vừa phải đối mặt với làn sóng biểu tình leo thang, vừa phải đối mặt với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. Nhiều nhóm đã lên tiếng phản đối đảo chính. Giao tranh lại một số khu vực đã buộc dân thường phải bỏ trốn để đi vào rừng, hoặc vượt biên để bảo toàn mạng sống.

Ông Andrews đã kêu gọi quốc tế hành động khẩn cấp trong tình hình giao tranh dữ dội ở bang Kayah thời gian qua.

"Để tôi nói thẳng. Nguy cơ tử vong hàng loạt vì đói, bệnh tật và phơi nhiễm ở quy mô lớn chưa từng có sau đảo chính, có thể xảy ra ở bang Kayah nếu không có hành động ngay lập tức", ông Andrews tuyên bố.

Trước đó, văn phòng Liên Hợp Quốc ở Myanmar cho biết, diễn biến bạo lực leo thang ở Kayah đã làm khoảng 100.000 người phải tháo chạy vào rừng, hoặc chạy sang các khu vực lân cận. Họ đang thiếu thốn nước, thực phẩm, nơi trú ẩn, nhiên liệu và quyền được tiếp cận với dịch vụ y tế.

Trước đó, giao tranh cũng nổ ra ở các bang Karen, Chin, khiến nhiều người phải rời nhà, và gặp rủi ro mất mạng. Các chuyên gia cảnh báo viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể sẽ xảy ra ở Myanmar.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm